Nhiều điểm nóng nguy cơ sạt lở cao
Tỉnh Khánh Hòa với địa hình đặc trưng độ dốc lớn, đồng bằng nhỏ xen kẽ đồi núi, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất mỗi khi có mưa lớn bất thường.

Một điểm ở thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, nay là phường Nam Nha Trang từng xảy ra sạt lở đất, lũ quét vào năm 2018. Ảnh: Kim Sơ.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa, một số khu vực được xác định là "điểm nóng" có nguy cơ sạt lở cao như: khu vực thôn Phước Hạ (phường Nam Nha Trang); khu vực Đèo Cả (xã Đại Lãnh); đèo Cù Hin; đèo Khánh Lê, khu vực Núi Chúa, Cầu Đá (xã Thuận Bắc); tuyến đường tỉnh lộ 706 (đoạn từ xã Bác Ái Đông - xã Công Hải); tuyến đường tỉnh lộ 707 (đoạn thuộc xã Bác Ái Tây)…
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường kiêm Phó Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa cho biết, những năm qua, công tác phòng chống thiên tai luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của tỉnh. Các văn bản chỉ đạo được ban hành thường xuyên, yêu cầu chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, từ đó kịp thời nâng cấp, khắc phục hư hỏng và đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết, góp phần giảm thiểu xói lở và bảo vệ tính mạng người dân.
Chủ động ứng phó
Theo ông Quang, trước khi mùa mưa lũ năm 2025 thực sự bước vào cao điểm, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai một loạt các biện pháp chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương rà soát điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão sắp tới. Ảnh: Kim Sơ.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người dân về kiến thức, kỹ năng phòng tránh và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất. Mục tiêu là trang bị cho người dân sự chủ động và khả năng tự bảo vệ trước hiểm họa thiên tai.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát toàn bộ khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để lên phương án ứng phó. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó đề ra nhiều giải pháp cụ thể cho các địa phương triển khai như: Tổ chức cắm biển cảnh báo, lắp đặt camera giám sát tại các khu vực đã và đang có dấu hiệu sạt lở, lũ quét.
Đồng thời, siết chặt kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông để hạn chế xói lở bờ; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân đang sinh sống tại khu vực bờ sông, bờ biển có nguy cơ sạt lở cao và bố trí tái định cư an toàn cho bà con.
Khi mùa mưa lũ diễn ra, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương khẩn trương đảm bảo an toàn cho người dân tại vùng nguy hiểm, ít nhất 2-3 ngày trước khi dự báo có mưa lũ lớn.
Đặc biệt, khi có thông tin mưa lớn khả năng gây lũ quét, sạt lở đất, lực lượng chức năng sẽ thực hiện di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Các địa phương triển khai lực lượng chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, các ngầm, cầu tràn khi mưa lũ lớn có khả năng xảy ra lũ quét. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.