| Hotline: 0983.970.780

Đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam: 'Lá chắn' trước lũ quét

Thứ Tư 16/04/2025 , 13:42 (GMT+7)

SƠN LA Sau 3 năm thực hiện, dự án đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam chính thức khánh thành tại Sơn La, với mục tiêu giảm tốc độ dòng lũ và giữ lưu lượng bùn đá.

Cấu tạo của đập Sabo. Ảnh: Đức Bình.

Cấu tạo của đập Sabo. Ảnh: Đức Bình.

Ngày 16/4, tại bản Piệng, xã Nậm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), lễ khánh thành đập Sabo đầu tiên tại Việt Nam đã được tổ chức.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật “Nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp thực hiện bởi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, cùng Văn phòng JICA Việt Nam.

Dự án kéo dài từ năm 2022 đến 2025, lựa chọn Sơn La là một trong những địa phương trọng điểm triển khai các hoạt động thí điểm.

Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp khảo sát, phân tích, đánh giá cụ thể về mức độ rủi ro lũ quét và sạt lở đất tại từng huyện của tỉnh. Kết quả cho thấy xã Nậm Păm, huyện Mường La là địa phương có mức độ rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Năm 2017, tại lưu vực suối Nậm Păm đã xảy trận lũ quét khiến 7 người chết, 3 người mất tích, 10 người bị thương, 175 hộ bị cuốn trôi nhà, gây ra thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Trong bối cảnh đó, đập Sabo - loại công trình ngăn lũ bùn đá đã được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả tại Nhật Bản, được đưa vào triển khai tại Sơn La như một giải pháp kỹ thuật mới và mang tính tiên phong tại Việt Nam.

Ông Kobayashi Yosuke hy vọng sẽ triển khai nhiều dự án hỗ trợ phòng chống thiên tai hơn nữa tại địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Ông Kobayashi Yosuke hy vọng sẽ triển khai nhiều dự án hỗ trợ phòng chống thiên tai hơn nữa tại địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Ông Kobayashi Yosuke, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam chia sẻ: “Đập Sabo là một trong những giải pháp công trình hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu rủi ro thiên tai do sạt lở và lũ quét gây ra. Đập có khả năng giữ lại lượng lớn bùn đá dòng lũ, ngăn chặn gỗ trôi và các vật cản khác, giúp bảo vệ an toàn cho khu vực hạ lưu, không chỉ riêng người dân ở bản Piệng mà còn cả thị trấn Ít Ong”.

Công trình đập Sabo tại Nậm Păm chính thức được khởi công vào tháng 9 năm 2024, sau khi kết thúc mùa mưa. Đây là một đập bê tông khe hở, được thiết kế và xây dựng hoàn toàn theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản. Đập có chiều dài 61m, chiều cao 9m tại vai đập, tràn cao 6m, chiều rộng đỉnh đập 3m và đáy đập rộng 6,6m.

Trên thân đập có 6 khe hở, mỗi khe rộng 2m. Thiết kế đặc biệt này cho phép nước và các hạt bùn nhỏ có thể chảy qua, trong khi giữ lại những khối đá lớn và gỗ trôi, góp phần giảm sức tàn phá của dòng lũ.

Quang cảnh đập Sabo nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Bình.

Quang cảnh đập Sabo nhìn từ trên cao. Ảnh: Đức Bình.

Đập Sabo được chia làm hai loại chính: đập kín và đập hở. Loại đập kín có khả năng chắn hoàn toàn từ thượng nguồn, tích tụ đất đá, làm chậm dòng chảy và mở rộng lòng suối, từ đó giảm tốc độ dòng lũ. Đối với đập hở như công trình tại Nậm Păm, phần thân đập có các khe trống để nước chảy qua, trong khi vẫn giữ lại vật thể lớn trong dòng chảy lũ, giảm thiểu thiệt hại cho khu vực hạ lưu.

Theo đánh giá của các chuyên gia kỹ thuật, đập Sabo Nậm Păm có thể bảo vệ an toàn cho 28 hộ dân sinh sống gần khu vực đập, cùng một trường mầm non và một nhà văn hóa tại bờ trái hạ lưu.

Công trình này không chỉ mang lại giá trị thực tiễn trong công tác phòng chống thiên tai, mà còn có thể xem như một “mô hình trực quan” tiêu biểu cho các tỉnh miền núi.

Bà Lê Thị Thu Hằng (trái) trân trọng những đóng góp của các tổ chức nước ngoài trong việc đầu tư những dự án phục vụ đời sống bà con tại tỉnh. Ảnh: Đức Bình.

Bà Lê Thị Thu Hằng (trái) trân trọng những đóng góp của các tổ chức nước ngoài trong việc đầu tư những dự án phục vụ đời sống bà con tại tỉnh. Ảnh: Đức Bình.

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La khẳng định: “Việc hoàn thành và đưa vào vận hành công trình đập Sabo không chỉ là cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống phòng chống thiên tai, mà còn là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác bền vững, gắn bó giữa tỉnh Sơn La và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA. Công trình minh chứng cho sự đồng hành và sẻ chia của bạn bè quốc tế trong công cuộc bảo vệ đời sống, tài sản và sự phát triển bền vững của người dân vùng cao”.

Đập Sabo là công trình thiết thực giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, việc xây dựng 1 đập Sabo chỉ góp phần thu giữ một khối lượng trầm tích (bùn, đất, đá,..) nhỏ, khoảng 8% trên lưu vực suối Nậm Păm.

Bà Hằng cũng bày tỏ kỳ vọng đơn vị triển khai dự án, Bộ Nông nghiệp và Môi trường quan tâm đầu tư hoàn thiện 12 đập đã được lập theo kế hoạch để dự án phát huy tối đa hiệu quả.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp nhận tài sản từ dự án; bố trí nguồn nhân lực và kinh phí để quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng theo quy định.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-MT tham dự Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 11

Sáng 16/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII).