| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy: Nhân dân mong đợi điều gì?

Chủ Nhật 13/04/2025 , 19:34 (GMT+7)

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với 'tầm nhìn trăm năm' đang được triển khai sâu rộng, quyết liệt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân.

Dưới đây là ghi nhận của PV Báo Nông nghiệp và Môi trường qua trao đổi với đại diện các tầng lớp nhân dân tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nam ngay sau khi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khóa XIII (quyết định các chủ trương về sáp nhập các tỉnh, thành và các xã, bỏ cấp huyện) bế mạc.

Sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm tinh giản bộ máy, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân tốt hơn. Do vậy, người dân - những người trực tiếp cảm nhận được tác động - ngay lập tức mừng, vui, phấn khởi, đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, vẫn có những nỗi suy tư…

Khi nhắc đến tinh gọn bộ máy, người dân nghĩ đến điều gì đầu tiên? Không phải là tổ chức bộ máy, cũng không phải tên gọi tỉnh, thành, xã, mà là những trải nghiệm hằng ngày: Thủ tục nhanh hay chậm, giấy tờ rườm rà hay thông suốt, cán bộ tận tâm với nhân dân hơn hay quan liêu?...

Một người dân làm nghề tự do ở thị xã Duy Tiên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ nếu việc sáp nhập giúp bộ máy Nhà nước gọn nhẹ hơn, chi tiêu ngân sách hợp lý hơn, cán bộ làm việc hiệu quả hơn. Là dân, tôi chỉ mong đi làm giấy tờ, thủ tục gì cũng nhanh gọn, minh bạch, đỡ phải đi lại nhiều lần”.

Tuy nhiên, người này cũng đề nghị: “3 tỉnh dự kiến sáp nhập là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; mỗi nơi có văn hóa, nếp sống và đặc thù riêng. Tôi mong là sau khi hợp nhất không bị chồng chéo về thủ tục, người dân ở xa trung tâm của tỉnh mới không phải đi xa hơn để làm các thủ tục hành chính”.

Một người dân khác mong muốn: “Chính phủ nên tính toán kỹ, lựa chọn được cán bộ tốt nhất và lắng nghe người dân nhiều hơn. Làm sao để không chỉ bộ máy gọn mà người dân được lợi thật sự từ bộ máy, cán bộ, dịch vụ công cho đến phúc lợi xã hội, hạ tầng, giáo dục, y tế… Chứ nếu chỉ gộp lại mà cán bộ vẫn đông, làm việc vẫn chậm, thì bản thân tôi thấy cũng không được thiết thực lắm”.

Một người làm nghề tự do trò chuyện cùng PV. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Một người làm nghề tự do trò chuyện cùng PV. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Bên cạnh đó, theo ghi nhận của chúng tôi, không ít người thấy vui mừng thực sự trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính các cấp trong cả nước.

Tại thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, ông Nguyễn Đình Toàn, một cựu chiến binh, chia sẻ niềm vui khi nghe tin tỉnh sáp nhập. Với ông, đây là một bước đi đúng đắn, là một việc làm hết sức thiết thực của Đảng và Nhà nước, giúp bộ máy hành chính trở nên gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả hơn, để phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời mở rộng không gian cho các địa phương phát triển bền vững.

"Gộp lại thì bộ máy đỡ cồng kềnh, giảm chi phí cho Nhà nước, để đầu tư phát triển, điều hành chắc sẽ hiệu quả hơn. Ngày xưa đi bộ đội, việc gì cũng phải chặt chẽ, tinh gọn, hiệu quả, giờ Nhà nước làm như vậy, tôi rất ủng hộ, nhân dân rất đồng tình", cựu chiến binh nói.

Ông Nguyễn Đình Toàn chia sẻ về niềm vui khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Ông Nguyễn Đình Toàn chia sẻ về niềm vui khi sáp nhập tỉnh. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Theo ông, sáp nhập không chỉ là câu chuyện tổ chức, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho cả vùng. "Hưng Yên với Thái Bình vốn gần nhau, người dân chất phác, hiền lành như người một nhà. Nếu biết kết hợp thế mạnh của hai bên, kinh tế chắc chắn sẽ khá lên, xây dựng quê hương, đất nước".

Chung quan điểm, một người dân sinh sống ở thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, gần Hưng Yên, chia sẻ quan điểm tích cực khi biết đến phương án sáp nhập các tỉnh: “Sáp nhập Thái Bình với Hưng Yên, người dân chúng tôi rất ủng hộ. Những ai ở gần Hưng Yên như chúng tôi thì sau này có việc làm các hành chính cũng tiện, không phải đi xa. Còn người dân ở xa, làm thủ tục cũng sẽ tiện thôi, vì bỏ cấp huyện, các thủ tục giải quyết hết ở cấp xã rồi. Mặt khác sẽ giải quyết bằng công nghệ, trên không gian mạng hết rồi”.

Người dân sinh sống ở khu thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Người dân sinh sống ở khu thôn Thanh Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Cũng đồng tình với chủ trương sáp nhập, một người dân làm nghề buôn bán ở xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có suy nghĩ: “Tôi mong là sáp nhập rồi kinh tế phải có bước phát triển tốt, dân mình phải được chính quyền, cán bộ phục vụ tốt hơn. Tinh giản bộ máy, sáp nhập địa giới hành chính, xét cho cùng không chỉ là câu chuyện tổ chức. Đó là cách để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, cắt giảm lãng phí, loại bỏ sự chồng chéo trong quản lý, mở ra không gian, cơ hội phát triển tốt hơn".

Với những người dân chúng tôi gặp gỡ, trao đổi, họ đều vui, phấn khởi, kỳ vọng, và cùng chung mong muốn có nhiều hơn cơ hội phát triển, công ăn, việc làm, có thu nhập ổn định, cũng như mong mỏi một bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân, vì nhân dân.

Xem thêm
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể

Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.