Khi ông Vinh, trưởng thôn T (xã N, Thái Bình) cùng với an ninh viên thôn chạy đến nhà Thành, thì buổi “dạy vợ” đã tàn. Chị Hoa nằm gục dưới sân, quần áo nhàu nhĩ, tóc xổ tung, mắt bầm tím, dấu vết của một cú vả “trời giáng”.
Hai đứa con dúm vào một xó, sợ đến mức không khóc được thành tiếng. Mấy người hàng xóm đứng chen giữa chị Hoa và Thành, chồng chị, chắc họ vừa can không cho kẻ vũ phu đánh vợ nữa, sợ quá tay. Mặt anh chồng đằng đằng sát khí, mồm hắn vẫn liên tục chửi vợ. Ông Vinh hỏi Thành:
- Tại sao anh lại hành hung vợ thế?
- Liên quan đ. gì đến ông. Vợ tôi, tôi dạy.
- Vợ anh, nhưng chị ấy cũng là một công dân của xã hội. Không ai cấm anh dạy vợ, nhưng luật pháp không cho phép xâm phạm đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người khác, nhất là của phụ nữ và trẻ em. Anh đã đọc Luật Hình sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo hành gia đình chưa?
- Luật giời tôi cũng đ. sợ. Cơm nhà tôi, tôi muốn ăn thì ăn, muốn đổ đi thì đổ. Má vợ tôi, tôi muốn hôn thì hôn, muốn tát thì tát. Tôi đ. làm gì vợ thằng khác. Ông biến đi…
- Anh dám công nhiên thách thức pháp luật phải không?
Vừa lúc ấy chị Hoa tỉnh dậy. Lết đến gần ông trưởng thôn, chị chắp tay vái lấy vái lễ:
- Cháu lạy bác, cháu cắn rơm cắn cỏ cháu lạy bác. Bác về đi. Bác làm thế, chốc nữa cháu chỉ càng bị đánh đau hơn thôi…
- Tôi không về. Là trưởng thôn, tôi có trách nhiệm bảo vệ mọi công dân của thôn. Giờ, tôi đề nghị bà con tổ chức đưa ngay chị Hoa đi bệnh viện. Còn đồng chí an ninh viên, hãy lập biên bản về vụ hành hung này…
- Tao thách thằng nào, con nào dám đưa vợ tao đi viện đấy.
- Cháu lạy bác, cháu lạy các ông các bà. Cháu không đi viện đâu… hu hu… giời ơi… bố mẹ ơi… sao cuộc đời con lại khổ thế này… hu hu…
Về đến nhà, ông Vinh gieo mình xuống ghế, thừ mặt. Thôn T của ông là một thôn thuộc “vùng sâu, vùng xa” của huyện, rất nghèo, dân trí thấp, thói gia trưởng rất nặng nề, vì vậy chuyện đánh vợ xảy ra rất nhiều. Trong số ngót chục vị “anh hùng xó bếp” nổi tiếng của làng thì Thành là tay “có sừng có mỏ” nhất.
Với hắn, vợ chỉ là một nô lệ mà hắn là ông chủ. Và hắn đã sử dụng tối đa đôi tay, đôi chân để thể hiện “uy quyền” của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Không biết bao nhiêu lần ông đã phải can thiệp vào những vụ bạo hành ấy.
Nhưng mà có can thiệp cũng như không, chỉ khiến cho những thằng chồng hung bạo tạm ngừng tay lúc đó, rồi sau đâu vẫn hoàn đấy, vì những người phụ nữ, nạn nhân của bạo hành kia, tuy bị ngược đãi, bị hành hạ, bị lăng nhục nhưng không ai dám nói cho mọi người biết mình bị bạo hành, bởi sợ nói ra thì “xấu chàng hổ ai" hay "Một lần nhịn là chín lần lành”, thậm chí có người khi bị chồng đánh đập còn tìm cách… bao che cho chồng. Một lần thấy mặt mũi vợ anh Hải thâm tím, ông hỏi làm sao, chị ta lúng túng một tý rồi ấp a ấp úng:
- Sáng sớm cháu dậy thổi cơm, không may va vào cái cột bếp, bị ngã.
Sự nhẫn nhịn quá đáng của những người vợ ấy, không những không làm cho những kẻ vũ phu vẫn đầu gối tay ấp với mình bớt tính vũ phu đi mà trái lại càng khiến chúng bạo ngược hơn. Và kết quả là ngoài nỗi khổ vì đói nghèo, họ còn thêm nỗi khổ thứ hai là bị ngược đãi… Hút liền hai điếu thuốc lào, nuốt hết khói như để dằn nỗi bức xúc vào lòng, ông Vinh đứng dậy, phóng xe thẳng lên uỷ ban xã gặp trưởng công an. Trình bày xong những điều cần nói, ông dằn mạnh:
- Anh phải viết giấy triệu tập ngay thằng Thành lên công an xã. Rồi từ nay, bất cứ thằng nào đánh vợ cũng thế, cũng phải triệu tập chúng nó lên, bắt làm kiểm điểm, bắt viết cam đoan từ nay không được có bất cứ hành vi bạo hành nào. Viết cam đoan xong, cho chúng nó tự đọc trên loa truyền thanh của xã. Nếu còn tái phạm, thì làm văn bản báo cáo công an huyện.