FAO hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thống kê
Từ ngày 8-11/4, Cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo “Đào tạo chọn mẫu phục vụ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025” tại Hà Nội. Khóa đào tạo là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật do FAO tài trợ, nhằm chuẩn bị cho Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.
Theo bà Sangita Dubey, chuyên gia thống kê khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO, công tác chọn mẫu điều tra được xem là khâu then chốt, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng và độ tin cậy của kết quả điều tra. Vì vậy, cần lựa chọn mẫu điều tra một cách khoa học, có hệ thống để thu thập được dữ liệu tin cậy, phục vụ hiệu quả cho quá trình phân tích và hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bà Sangita Dubey, chuyên gia thống kê khu vực châu Á - Thái Bình Dương của FAO. Ảnh: Phương Linh.
"Khóa đào tạo lần này giúp các cán bộ thống kê nắm vững kỹ thuật chọn mẫu hai giai đoạn - phương pháp đã được áp dụng rộng rãi trong các cuộc điều tra quốc tế, bảo đảm tính đại diện và độ chính xác cao, từ đó tăng cường khả năng phân tích theo các nhóm đặc thù. Đồng thời phản ánh đúng thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay. FAO cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình Việt Nam chuẩn bị và triển khai Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025”, bà Sangita Dubey cho biết.
Thông qua hội thảo, Việt Nam sẽ tăng cường năng lực thể chế và kỹ thuật trong việc tổ chức các cuộc tổng điều tra nông nghiệp đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo tính bền vững trong việc sử dụng dữ liệu điều tra phục vụ xây dựng chính sách và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chuẩn hóa kỹ thuật chọn mẫu cho điều tra nông nghiệp, nông thôn

Nông thôn Việt Nam đã và đang thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Ảnh: Nongnghiep.vn.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc theo cả hai hình thức: điều tra toàn bộ và điều tra chọn mẫu, với đối tượng là các hộ, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và UBND cấp xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Ngoài ra, điều tra chọn mẫu chuyên sâu sẽ được áp dụng cho một phần các hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản nhằm thu thập thêm thông tin chi tiết phục vụ nghiên cứu và hoạch định chính sách chuyên sâu.
Theo kế hoạch, kết quả của cuộc tổng điều tra không chỉ đáp ứng các chỉ tiêu thống kê quốc gia mà còn phục vụ so sánh quốc tế, đồng thời làm nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về nông thôn, nông nghiệp, phục vụ lâu dài cho công tác điều hành và phát triển ngành.
“Việc tổ chức khóa đào tạo về chọn mẫu điều tra lần này là bước đi cụ thể và thiết thực, giúp đội ngũ cán bộ thống kê địa phương làm chủ phương pháp, chuẩn bị tốt cho giai đoạn thu thập dữ liệu sắp tới. Dưới sự đồng hành của FAO và các chuyên gia quốc tế, Cục Thống kê Việt Nam đang từng bước nâng cao năng lực, tiến tới thực hiện thành công một cuộc tổng điều tra hiện đại, bài bản và hiệu quả”, đại diện Cục Thống kê cho biết.
Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 là một trong những cuộc điều tra quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong những năm tới. Thông qua dữ liệu từ tổng điều tra, Nhà nước sẽ tiến hành đánh giá tính hiệu quả của các chương trình phát triển nông thôn đã triển khai, đồng thời xây dựng các chính sách phù hợp, bền vững hơn.
Khoá đào tạo diễn ra trong 4 ngày từ, từ ngày 8-11/4 với các nội dung chính:
Ngày 8/4: Giới thiệu về phương pháp lấy mẫu; Thuyết trình về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp Việt Nam năm 2025; Giới thiệu các điều tra mẫu sau tổng điều tra.
Ngày 9/4: Thuyết trình nguyên tắc và phương pháp về các kỹ thuật lấy mẫu tiên tiến; Xem xét các yêu cầu về mẫu cho các cuộc điều tra mẫu sau tổng điều tra của Việt Nam.
Ngày 10/4: Hướng dẫn kiểm tra độ tin cậy và đánh giá chất lượng kết quả khảo sát; Giới thiệu phương pháp lựa chọn và sử dụng khung lấy mẫu cho điều tra nông nghiệp; khung lấy mẫu cho Việt Nam.
Ngày 11/4: Đề xuất phát triển khung, chiến lược lấy mẫu và thiết kế mẫu sơ bộ cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, khóa đào tạo còn tổ chức các bài tập thực hành và các phiên thảo luận để học viên tham gia trao đổi ý kiến, từ đó lựa chọn hướng phát triển khung và chiến lược lấy mẫu phù hợp với tình hình thực tế tại nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.