Tôi thì nhất quyết gọi gã là Tễu. Đơn giản bởi tôi thấy gã đã tự họa chân dung mình khá ấn tượng trong bài thơ Tễu:
Cởi trần đóng khố múa chơi
Hát rằng, giữa đất và trời có ta
Đất là mẹ, trời là cha
Chính danh là Tễu, tự là Thảo Dân...
Còn tên khai sinh do cha mẹ đặt cho là Phạm Công Trứ. Thật khốn khổ cho cái thân gã, sinh ra lớn lên đã phải mang vác những tên tuổi lớn trên thân xác cực kỳ quê mùa của mình.
Thoạt đầu là cái tên Công Trứ, khiến người ta nhớ đến danh nhân Nguyễn Công Trứ - Doanh điền sứ, nhà thơ và nhà khẩn hoang lỗi lạc của đất Việt thời Nguyễn, đầu thế kỷ 19. May thay, gã không hổ danh đội tên danh sĩ, danh nhân, dù thân xác quê mùa, trí tuệ chú Tễu.
Tôi biết Phạm Công Trứ khi đã nổi danh với bài thơ Lời thề cỏ may, sau cả khi lấy bằng Phó tiến sĩ Luật từ Liên Xô về, làm việc tại Báo Pháp luật, và còn độc thân. Trứ tuổi Quý Tỵ, tôi tuổi Đinh Dậu, hơn kém những 4 tuổi, song chơi ngang hàng, xưng hô ông-tôi thân mật. Chúng tôi biết nhau nhờ cùng là cộng tác viên của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Biết thì thế, song chơi được với nhau lại qua trung gian là Trần Đăng Khoa và Trịnh Bá Ninh. Tiếng là thân, nhưng không gần. Cứ ai việc nấy, lâu lâu gặp nhau do hẹn hò hoặc tình cờ thì vẫn có chuyện để mà nói. Ngồi với nhau, lúc tại công sở, khi nhâm nhi tách cà-phê nơi quán xá, đủ độ thân để thật lòng chuyện nghề, chuyện thơ văn, chuyện gia đình, chuyện đời... Khi nghe nhau nói, lúc hăng lên cùng tranh nhau nói, một bộc trực to tát, một uyển chuyển nhỏ nhẹ hơn, và chưa bao giờ bất đồng hoặc gay gắt đến phát cáu, đến mức một ai đó phải bỏ đi trước.
Song le, nhắc đến Phạm Công Trứ, thì phải nói đến thơ của gã. Thơ lại dăm bảy loại, Phạm Công Trứ chỉ gắn với thơ lục bát thôi. Thế quả có thiệt cho gã, bởi thơ không lục bát gã cũng có ối bài hay, song người đời đã nghĩ thế, cho là thế, nên đành vậy, thanh minh mà làm gì.
Như một định mệnh, Phạm Công Trứ đến với người yêu thơ bằng lục bát Lời thề cỏ may, rồi cứ đà tiếp mạch nguồn tuôn chảy. Hễ đụng đến lục bát là ngòi bút của gã trơn tru, tung tẩy, uyển chuyển làm sao. Tôi biết, với ngần ấy tập thơ, Phạm Công Trứ đã được nhiều nhà phê bình thơ để mắt, săm soi, và trong số đó, đáng kể là Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Vũ Nho và Chu Văn Sơn. Khen chê đủ mùi, có cả chuyện bảo gã ngồi vào chiếu của Nguyễn Bính. Dẫu vậy thì có sao đâu.
Quả thật, Phạm Công Trứ sở trường về thơ lục bát. Song le, khốn nạn thay cho gã, ngay cái tên đã đội danh nhân lên đầu, đến nghiệp thơ cũng không thoát khỏi kiếp con rùa vào chùa đội hạc ra đình đội bia, phải đội các bậc cao thủ tiền bối thơ lục bát là Nguyễn Du, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu và Nguyễn Bính. Là kẻ hậu sinh, dẫu chỉ bén gót các bậc danh tài tiền bối cũng chẳng có gì xấu hổ. Xét hiện tại, trong làng thi ca Việt mình, chiếu thơ lục bát có mấy người thành danh thì trong số ấy cũng có tên gã. Bốn người ngồi bốn góc: Nguyễn Duy-Lê Đình Cánh-Phạm Công Trứ-Đồng Đức Bốn, mỗi người riêng một vẻ hay.
Chơi với Phạm Công Trứ, cũng thích nhiều bài thơ của gã, tôi đã tự chọn và bình dăm ba bài, đăng báo chỗ này chỗ nọ. Lẽ dĩ nhiên, cũng na ná những bài viết của làng phê bình ta, khen một tý và chê một tý, rồi cộng thêm tham số hy vọng bằng kết quả bài thơ (tập thơ). Tôi không thông báo, cũng chẳng kể công gì với gã, song gã để ý và gom góp đủ cả. Lại còn tuyên bố, khi làm tuyển các bài giới thiệu phê bình thơ gã, thì gã sẽ chọn lựa đưa vào. Không rõ đến bao giờ gã mới làm cái tuyển đó? A ha, gã đã vậy thì sợ gì mà không biếm họa chân dung gã?
Tôi từng viết một bài tạp văn Sân trăng (in trong tập Lên núi tầm mai - NXB Văn học-2005), lấy cảm hứng từ mấy câu thơ của gã: “... Vợ thì mặt khó đăm đăm/ Con thì ọ oẹ đái dầm cả đêm/ Mình thì ngồi xuống đứng lên/ Trăng thì cứ vãy đầy thềm như trêu”. Tôi gán chàng thi sĩ trong tạp văn ấy vào gã, và còn rủa khéo, bảo gã hãy bỏ cái chốn phồn hoa đô hội mà về quê cày cuốc cấy hái, để rồi tha hồ ngắm trăng. Gã biết, không giận bạn, mà lại cười hiền.
Thoạt trông tướng gã quê quê, lại thêm ẩm ương thơ phú, nhiều người lo không biết gã làm gì ra tiền để nuôi vợ con (một vợ, hai con-một gái và... một nữ). Đùng một cái, gã mua đất xây nhà lầu ở Cầu Giấy. Xây nhà rồi, lại còn bắt chước người xưa đặt tên chữ nữa. Thảo am thì quyết không phải rồi, thế thì phải là hiên, hoặc các, lâu chi đó. Kể từ đấy, nhiều bài thơ, gã đề bên dưới là Quan Hoa các, hoặc giả Nghênh Phong hiên, hay Vọng Nguyệt lâu... cho thêm phần nho nhã. Vậy mà Tễu, một kẻ đặc quê mùa và láu cá lại được ra đời từ đấy.
Đa phần người yêu thơ, biết đến Phạm Công Trứ là nhờ Lời thề cỏ may. Hẳn tự thân gã cũng nghĩ vậy, thế nên mới có chuyện gã lấy tên một bài đặt cho cả tập, rồi không những một mà cả ba tập, lại còn thành tên tuyển. Tôi biết, trong cuộc đời, đã có bao nhiêu cô gái sướt mướt chùi nước mắt, bao kẻ ngậm ngùi nhớ về cái thuở “ngồi gỡ lời thề cỏ may”. Song chuyện gió trăng ấy chỉ là những phút thăng hoa ban đầu dễ làm người ta lầm tưởng, thực ra, không mấy hợp cái tạng của gã. Gã là folklore, gã tưng tửng mang mình ra mà tự trào để rồi bông lơn, trêu ghẹo, châm chọc cả làng, cả tổng, cả thiên hạ. Tôi lại cho rằng, sự nghiệp thi ca của gã là ở trâu với cỏ, là ở Bờm với Cuội, là ở Tễu kia.
Tễu sinh ra ở quê, đích thị nông dân. Ở quê, Tễu là đệ nhất, đếch sợ bố con thằng nào. Vậy nên, Tễu mới “cởi trần đóng khố múa chơi “. Hãy xem cái chú Tễu của gã tự bạch: “Đất là mẹ, trời là cha/ Chính danh gọi Tễu, tự là Thảo Dân/ Gia tài độc một chữ cần/ Trọng thực thường lấy chữ ăn làm đầu / Bạn thì những chó cùng trâu...”. Nhưng đâu chỉ lầm lụi, hèn mọn, cần lao, Tễu bình thường cam phận là thế: “Ra trận đành phận tốt đầu/ Về làng thì lại cưỡi trâu ra đồng”. Gì thì gì, Tễu vẫn biết và trở về với thân phận giáo trò của mình.
Đấy là Tễu gốc. Biến tướng sang Tễu II, Tễu ta không còn chính hiệu nông dân nữa, mà đã nhuốm màu thị dân rồi. Nghĩ phận mình bèo bọt, cỏ rả “ Độc một mảnh vải che thân/ Giấc mơ xuất ngoại đâu phần Tễu tôi”, Tễu đâu tài cán như Trạng tiên tri mà biết, chỉ là chó ngáp phải ruồi, há miệng chờ sung may sung rụng thôi: “Ai ngờ dân dã lên ngôi/ Thế rồi Tễu cũng được ngồi máy bay”. Tễu ta ngồi máy bay, nhòm xuống nhân gian thấy dân làng mình cấy cày vất vả, mới ô hay biết phận mình bấy lâu là thế. Rồi trải đất Tàu trời Tây, diễn trò đồng áng, thảo dân ma lanh hết xứ gà trống đến xứ sương mù, trở về quê, chợt thấy mình không còn là nông dân nữa. Vậy không là nông dân thì là ai? Là thị dân chứ còn gì. Nhưng muốn thành thị dân thì cũng phải có điều kiện gì chứ? Đơn giản thôi, thì cứ “sống lâu ở phố/ hóa thành thị dân”.
Thế là thành Tễu III, thị dân, kiêm nghệ sĩ. Tễu-thị dân khác hẳn với Tễu-nhà quê hồi mới bén mảng ra phố “ Nhà quê khí huyết tràn trề/ Tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân”. Thêm nữa, sau lần đầu xuất ngoại, Tễu ta quen mui. Bây giờ xuất ngoại với Tễu không còn là may, đã thành chuyện cơm bữa. Tễu biểu diễn chuyên nghiệp, mặc thì quen với gi-lê , mũ phớt, ăn thì quen xúc-xích, dăm-bông, màn-thầu, sủi-cảo, nói năng thì gút-bai, nỉ-hảo... Đấy là trước đám đông Tây Tàu bộ tịch thế thôi, chứ hễ xong việc trở về, Tễu ta chỉ dễ chịu khi là chính mình, với khố áo, với tre trúc ngõ quê, với ao bèo sân đình, với ối a điệu chèo và câu dân ca não buồn giã bạn đêm trăng.
Tễu ta đành lột xác, song trớ trêu thay, nỗi ám ảnh nông dân bám lấy Tễu, lẽo đẽo theo đi mọi lúc mọi nơi, trung thành và nhẫn nại. Kỳ thực, bước ra với đời thì cũng bộ tịch thế thôi, chứ sâu thẳm cõi lòng, nếp văn hóa làng quê Việt luôn ẩn chứa “Này nước tre trúc lung linh/ Này mây lồng bóng thủy đình gần xa”. Kỳ cùng cho đến một ngày kia, con cháu Tễu tiễn đưa Tễu về nằm lại nghĩa địa làng bằng một đám rước ra trò!... Song trước khi sắp đặt sẵn cho Tễu một kết cục bi hài, hãy xem Tễu ta sống ở phố thế nào, ăn ở với dân khối phố, đối xử với kẻ phường ra sao?
Tễu ta, thị dân: “Thị dân trong mặc/ Váy áo ngắn dần/ Thị dân trong ăn/ Chán cơm có phở/ Thị dân trong ở/ Nhà ống mái tôn/ Thị dân phát ngôn/ Cám ơn! Hân hạnh/
Quanh đi quẩn lại, Tễu thấy mình chỉ có thể về quê, đánh bạn với trâu. Đấy là con vật luôn gần gũi, thân mật với mình, buồn vui chia xẻ cùng mình. Tễu nhận mình là Thảo Dân. Trâu lại là bạn của thảo dân: “Từ ngày về với thảo dân/ Trên thừng xiên mũi, dưới chân lội bùn/ Trưa hè nước bỏng như đun/ Chiều đông sương muối rét run từng hồi/ Vụ năm cho chí vụ mười/ Hạt vàng người hưởng, rơm mời trâu ăn/ Lòng riêng thoáng chút lăn tăn/ Vẫn thề đi với thảo dân trọn đời”.
Xin được nhắc lại, gã biết tuốt song giả ngây giả ngô, tưng tửng, chất chưởng, chẳng ngại gì và cũng không ngán ai.