| Hotline: 0983.970.780

Cần tạo đột phá để phát triển khoa học công nghệ

Thứ Hai 05/05/2025 , 19:35 (GMT+7)

'Khoa học chỉ thật sự phát huy nếu được đặt trong cơ chế phù hợp. Nếu không dám thay đổi, mọi tiềm lực cũng sẽ mãi nằm trên giấy', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chiều 5/5.

'Đại hội' cấp toàn quốc của giới khoa học

Ngày 10/5 tới, tại Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) trong ngành.

Hội nghị sẽ có khoảng 450-500 đại biểu tham dự, gồm đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Tùng Đinh.

Thông tin tại buổi họp báo chiều 5/5 giới thiệu về Hội nghị sắp tới, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Văn Long đánh giá, Nghị quyết 57 là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Bộ Chính trị xác định khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “đột phá quan trọng hàng đầu” trong phát triển quốc gia. Để hiện thực hóa tinh thần nghị quyết, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động theo Quyết định 503/QĐ-BNNMT, trong đó xác định 7 nhiệm vụ then chốt nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện.

Một là, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị trong toàn ngành, đảm bảo ít nhất 25% lãnh đạo các đơn vị có chuyên môn về khoa học và chuyển đổi số; đồng thời tiến hành đánh giá định kỳ theo các chỉ số chuyển đổi số.

Hai là, hoàn thiện thể chế, sửa đổi 17 luật chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cập nhật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng hài hòa quốc tế, đặc biệt cho nhóm sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực mới.

Ba là, tăng cường đầu tư cho hạ tầng KHCN và dữ liệu số, như xây dựng hệ thống thông tin đất đai MPLIS, cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia, ứng dụng AI trong dự báo thời tiết và dịch bệnh, triển khai công nghệ blockchain, IoT trong giám sát môi trường và sản xuất nông nghiệp.

Bốn là, phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, đổi mới phương thức thực hiện nhiệm vụ khoa học theo cơ chế đặt hàng, ưu tiên lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo.

Năm là, thúc đẩy chuyển đổi số nội bộ trong các cơ quan thuộc Bộ, triển khai cấp phép tự động, cá nhân hóa dịch vụ công, phát triển dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp; đặt mục tiêu đến 2030 có trên 90% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến.

Sáu là, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, HTX đầu tư vào chuyển đổi số và đổi mới công nghệ. Trong giai đoạn 2021-2025, đã có hơn 1.200 đề tài khoa học công nghệ được triển khai, tạo ra hàng trăm giống cây trồng vật nuôi mới, bằng sáng chế, và nhiều ấn phẩm khoa học có giá trị thực tiễn.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua cơ chế song phương và đa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tham gia vào các sáng kiến toàn cầu về quản trị số, và xây dựng mạng lưới nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp và môi trường.

"Hội nghị không chỉ là bước khởi động chiến lược mà còn là diễn đàn quan trọng để kết nối nguồn lực, định hình các hướng đi mới cho ngành trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng", ông Long nhấn mạnh.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Ảnh: Tùng Đinh.

Buổi họp báo thu hút sự quan tâm của đông đảo tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành. Ảnh: Tùng Đinh.

Tháo nút thắt thể chế để KHCN thực sự phục vụ sản xuất

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu không có cải cách mạnh mẽ, thì dù nguồn lực có lớn đến đâu, tiềm năng cũng mãi không được chuyển hóa thành kết quả thực tiễn.

Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi Luật KHCN sắp tới cần khẳng định rõ vai trò trung tâm của đội ngũ nhà khoa học. Trong nhiều năm qua, lực lượng chuyên gia đầu ngành ngày càng thiếu hụt, một phần do cơ chế đãi ngộ còn hạn chế, môi trường làm việc chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này dẫn đến việc khó thu hút nhân tài, đặc biệt là thế hệ cán bộ khoa học trẻ. Nếu không có cơ chế phù hợp để giữ chân người giỏi, khoa học sẽ khó có thể phát triển bền vững.

Một bất cập lớn khác là quy trình xét duyệt và nghiệm thu nhiệm vụ KHCN còn kéo dài và cồng kềnh. Lãnh đạo Bộ chia sẻ, hiện nay từ khi đề xuất đến khi nghiệm thu nhiệm vụ có thể mất tới 5-6 năm, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp với yêu cầu thực tế của sản xuất. Trong khi đó, ở các nước có trình độ phát triển nông nghiệp cao như Israel, việc nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu cụ thể, triển khai nhanh và có thể đưa vào ứng dụng ngay khi đạt kết quả.

Ông dẫn chứng việc sản xuất vacxin dịch tả lợn Châu Phi - một lĩnh vực mà các doanh nghiệp tư nhân đã triển khai thành công, trong khi nếu để viện nghiên cứu hoặc trường đại học thực hiện theo cơ chế hiện hành thì khó có thể ra sản phẩm.

Thực tế tại nhiều địa phương hiện nay cho thấy, tỷ lệ giải ngân chi ngân sách cho KHCN chưa đạt mức tối thiểu 2% như quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu người đủ điều kiện để chủ trì đề tài. Ngược lại, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều chuyên gia, nhà khoa học có năng lực, lại không có đủ nguồn lực tài chính để triển khai các ý tưởng nghiên cứu. Điều này cho thấy sự thiếu đồng bộ và lãng phí trong phân bổ nguồn lực khoa học trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tư duy bao cấp vẫn còn nặng nề trong một bộ phận nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu, làm giảm động lực đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, chủ trương “3 tự chủ” (tự chủ tổ chức, tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính) dù được đặt ra nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thực thi hiệu quả.

Ông cũng đề cập tới nghịch lý trong khai thác tài sản nghiên cứu. Riêng Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện có khoảng 11.500 người làm khoa học, quản lý hơn 16.400 ha đất, bình quân mỗi người hơn 1ha. Tuy nhiên, nhà khoa học vẫn nghèo, trong khi văn phòng, nhà xưởng, trang thiết bị hoạt động không hết công suất. Điều đó cho thấy cần có cơ chế giải phóng nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư lãng phí như trường hợp một số phòng thí nghiệm trọng điểm có thiết bị nhưng thiếu nhà xưởng, có nhà xưởng thì lại thiếu nhân lực hoặc không có kinh phí hoạt động.

Một đề xuất quan trọng được Thứ trưởng nêu là trao quyền sử dụng và ứng dụng sản phẩm khoa học cho chính nhà khoa học hoặc cơ quan chủ trì, thay vì chỉ định hành chính từ cơ quan cấp trên. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế tài chính cho phép các đơn vị nghiên cứu và cá nhân khoa học được vay vốn ưu đãi để triển khai ý tưởng có khả năng ứng dụng vào sản xuất.

Ngoài ra, ông cho rằng việc phê duyệt kinh phí nghiên cứu cần tính đến chu kỳ sinh học của đối tượng nghiên cứu. Ví dụ, nghiên cứu một giống cây lâm nghiệp cần tối thiểu 8-10 năm, cây trồng nông nghiệp cũng cần ít nhất 7-8 năm, trong khi khung thời gian phê duyệt kinh phí hiện tại chỉ tối đa 5 năm là chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc triển khai và hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc tổ chức các nhiệm vụ KHCN nên theo hướng chuỗi khép kín, từ chọn giống, quy trình canh tác, bảo vệ thực vật, thu hoạch đến tiêu thụ, thay vì phân tách thành các đề tài nhỏ lẻ. Điều này không chỉ tăng hiệu quả ứng dụng mà còn phù hợp với yêu cầu truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số. Trước mắt, nên tập trung triển khai theo chuỗi với các sản phẩm có quy mô lớn, có tiềm năng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cuối cùng, Thứ trưởng đề xuất nối lại các chương trình sản phẩm quốc gia như gạo, cà phê, tôm, cá tra - những mặt hàng chủ lực có đóng góp lớn cho xuất khẩu, nhưng đã bị tạm dừng nhiều năm qua. Đồng thời, các chương trình đặc biệt như DA15, NN08 cũng cần có cơ chế riêng để triển khai hiệu quả. Việc đầu tư cho các đề tài mang tính đa ngành, liên vùng, liên tỉnh cũng cần được ưu tiên, tránh tình trạng chia nhỏ, manh mún, không giải quyết được các bài toán lớn từ thực tiễn.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu giảm 30% chi phí và thời gian thủ tục hành chính

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong năm 2025 bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính.