
Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đóng góp ý kiến tâm huyết về hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật góp phần phát triển đất nước. Ảnh: Việt Anh.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV sắp tới dự kiến sẽ diễn ra sớm hơn so với thông lệ. Với khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, Quốc hội sẽ ưu tiên xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét sửa đổi 13 dự án luật để tiếp tục phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương; xem xét, thông qua 11 dự án, dự thảo và nội dung quan trọng khác, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Trước yêu cầu đó, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ cần tiếp tục phát huy vai trò phản biện, đóng góp những ý kiến có giá trị khoa học và thực tiễn góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tạo cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp Việt Nam
Trong bối cảnh nước ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên đến 46% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế Hà Nội) cho rằng, việc chính quyền Mỹ áp dụng chính sách thuế như trên đối với Việt Nam sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có thể làm sụt giảm từ 30 - 40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 91 – 92%) tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.

TS Nguyễn Minh Phong đề xuất các cơ quan, doanh nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh. Ảnh: Việt Anh.
Để ứng phó kịp thời với tác động của chính sách thuế quan mà Chính quyền Mỹ đưa ra, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cùng với việc tiếp tục tạo ra cơ chế ưu đãi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng nội lực và năng lực cạnh tranh, Chính phủ cần chủ động thúc đẩy đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam; đề nghị Hoa Kỳ bổ sung thêm các sản phẩm chưa tính đến trong công thức tính thuế đối ứng như sản phẩm trí tuệ, sản phẩm số, dịch vụ trực tuyến, dịch vụ giải trí và dịch vụ học tập, du lịch, y tế.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư sang Hoa Kỳ; tăng khả năng cung cấp các mặt hàng mà Mỹ cần và thúc đẩy tăng nhập khẩu từ Mỹ để sớm cải thiện cán cân thương mại nhằm tạo động lực cải thiện giảm thuế đối xứng với Hoa Kỳ.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định 73/NĐ-CP ngày 31/3/2025 về việc giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0% (mức thuế quan trung bình Việt Nam áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ hiện là 9,5% trong khi Mỹ chỉ áp dụng với Việt Nam là 3,3%) được kỳ vọng sẽ góp phần giúp quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế hơn.
Ngoài những giải pháp trên, TS Nguyễn Minh Phong đề xuất, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần chủ động và kịp thời nắm chắc tình hình, giữ bản lĩnh, sự sáng suốt, sự sáng tạo, khôn khéo trong điều hành trong quản lý; kiên định, kiên trì về những nguyên tắc cơ bản; bảo vệ nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ quan doanh nghiệp cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng để phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và 2 con số vào những năm tiếp theo.
Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng chất lượng nguồn nhân lực
GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam khẳng định: An toàn và vệ sinh lao động đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững. Việc áp dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, cần có chính sách phát triển khoa học và công nghệ bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động trên tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

GS.TS Lê Vân Trình đề xuất các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động. Ảnh: Việt Anh.
Để có được chính sách trên, GS.TS Lê Vân Trình đề xuất các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; tăng cường giám sát và nâng cao chế tài xử phạt như áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Song song với đó, cần có chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nói chung và an toàn vệ sinh lao động nói riêng; hỗ trợ người lao động tiếp cận các khóa học trực tuyến về sức khỏe nghề nghiệp và công nghệ mới.

ThS Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề và giảm nghèo. Ảnh: Việt Anh.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Lê Vân Trình, liên quan đến chính sách xã hội, Thạc sỹ Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đào tạo nghề và giảm nghèo. Đồng thời kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.
Cùng với đó, cần có các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, mở rộng chương trình nhà ở xã hội, kiểm soát giá cả thị trường và bảo đảm ổn định đời sống người dân, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ.