Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Ba, 6/5/2025 22:19 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Cải cách pháp lý về sử dụng năng lượng: Hành lang mới cho tương lai xanh

Thứ Ba 29/04/2025 , 16:01 (GMT+7)

Quy định mới về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tạo động lực để doanh nghiệp Việt vượt rào cản xuất khẩu, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã tổ chức họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp. Ảnh: Trung Nguyên

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp. Ảnh: Trung Nguyên

Cần thay đổi để phù hợp với bối cảnh phát triển xanh, giảm phát thải

Đề cập của sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật SDNLTK&HQ đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.

Đầu tiên là bối cảnh quốc tế đã có nhiều thay đổi với nhiều quy định mới như thuế phát thải carbon (Emisions Trading System-ETS), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon sẽ được Liên minh Châu Âu (EU) (CBAM)… Những quy định này đang gây sức ép lên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản… xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản.

Cùng với bối cảnh quốc tế có nhiều thách thức, ở bình diện trong nước, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Nhưng, các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang thiếu các cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong tuân thủ các quy định xanh.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Luật cũng đưa ra các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua cơ chế quỹ; thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng (ESCO).

Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Ảnh: Trung Nguyên.

Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Ảnh: Trung Nguyên.

Bối cảnh quốc tế thay đổi không ngừng và cuộc cạnh tranh không chỉ đến từ công nghệ, mà còn là khung pháp lý hỗ trợ chuyển đổi. Trong khi các nước phát triển đã có cơ chế mạnh về hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình thỏa thuận tự nguyện (VA) của EU và Mỹ, hay ESCO ở Hàn Quốc, Thái Lan, việc huy động nguồn lực tại Việt Nam vẫn còn “thiếu và yếu”. Do đó, sửa đổi luật nhằm để tạo một hành lang pháp lý mới, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng, tăng cường năng lực cạnh tranh và thích ứng với các quy định mới về phát thải toàn cầu; chủ động, tích cực đóng góp vào các cam kết của Việt Nam.

Theo đại diện Bộ Công Thương, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng và hiệu quả Dự án Luật bám sát theo 4 chính sách sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ đồng ý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Sẽ trình Quốc hội dự án Luật vào tháng 5

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Ủy viên là Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải khẳng định: Hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu, đánh giá từng nội dung trong 4 nhóm chính sách với các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ; các nội dung sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.

Về phạm vi sửa đổi Luật, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn năng lượng Việt Nam còn thiếu; thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Ông Lê Hoàng Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Lê Hoàng Hải phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trung Nguyên.

Đóng góp ý kiến vào quy định dán nhãn năng lượng, một số đại biểu cho rằng, quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng chưa thực sự phổ biến, có thể khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu chưa thường xuyên thử nghiệm và dán nhãn vì chi phí thử nghiệm cao, chưa có yêu cầu bắt buộc trước đây… Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu, đánh giá, làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn để phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế trong thương mại.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Thường trực Ủy ban phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu thảo luận. Đồng thời, hoàn chỉnh dự án Luật trình xin ý kiến các thành viên Ủy ban trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc tháng 5/2025 tới đây.

Xem thêm
Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trong ngày nghỉ lễ

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương vừa đề nghị Công an tỉnh tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dịp nghỉ lễ sắp tới.

Kỷ niệm 30 năm hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong

30 năm qua, Hiệp định Mekong đã thiết lập khuôn khổ nhằm thúc đẩy hợp tác trong khai thác, phát triển và bảo vệ bền vững tài nguyên nước trong lưu vực.

Bình Định xác định hai khu vực biển để nhận chìm tại vùng biển Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa xác định hai khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển Quy Nhơn, với tổng diện tích 255ha, nằm ngoài phạm vi 6 hải lý.