Móc nối từ cấp cao, trúng thầu không đối thủ
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân, cùng 25 bị can trong đại án sai phạm đấu thầu và kế toán tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận). Trong số các bị can bị truy tố, có hai cựu Giám đốc PC Bình Thuận là Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn, cùng với Trương Tấn Đạt, cựu Phó Giám đốc Công ty này.

Các bị can Huỳnh Tuấn Ân (trái), Trần Ngọc Linh (giữa) và Nguyễn Thành Ngôn. Ảnh: Bộ Công an.
Các bị can bị truy tố về nhiều tội danh nghiêm trọng như “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Cáo trạng chỉ rõ, từ cuối năm 2016, bị cáo Huỳnh Tuấn Ân đã chủ động gặp Trần Ngọc Linh, khi đó là Giám đốc PC Bình Thuận, để thỏa thuận việc “tạo điều kiện” cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân - một đơn vị thuộc Tập đoàn Tuấn Ân, tham gia và trúng thầu các gói mua sắm thiết bị điện. Đổi lại, ông Linh được góp vốn 500 triệu đồng vào Tập đoàn với tư cách cổ đông chiến lược và nhận tiền ngoài hợp đồng từ 5-6% trên giá trị các gói thầu.
Sau khi ông Linh nghỉ hưu, người kế nhiệm là ông Nguyễn Thành Ngôn tiếp tục duy trì mối quan hệ này, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới hỗ trợ Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân trúng thầu bằng nhiều thủ đoạn.
Kết quả, từ năm 2017 đến 2023, doanh nghiệp của ông Ân đã trúng 25 gói thầu với tổng giá trị hơn 97 tỷ đồng. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định tổng thiệt hại ngân sách lên tới gần 50 tỷ đồng do giá thiết bị bị nâng khống.
"Cài thầu" từ thông số kỹ thuật đến "quân xanh" trong đấu thầu
Không chỉ dừng ở việc chi tiền để được ưu ái, Tập đoàn Tuấn Ân còn sử dụng hàng loạt thủ đoạn tinh vi để đảm bảo “không có đối thủ” trong các cuộc đấu thầu.
Theo cáo buộc, trước thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu khoảng một tháng, nhân viên Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân đã tiếp cận nhân sự PC Bình Thuận để nắm bắt trước nhu cầu mua sắm, danh mục hàng hóa và các đặc tính kỹ thuật sản phẩm.
Từ đó, Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân chủ động sản xuất hàng hóa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cụ thể, đồng thời cài cắm thêm các tiêu chí độc quyền chỉ sản phẩm của họ mới có thể đáp ứng. Nhiều yêu cầu trong hồ sơ mời thầu được thiết kế riêng cho sản phẩm của Tuấn Ân, làm giảm khả năng tham gia của các nhà thầu khác, gây méo mó cạnh tranh.
Cụ thể, đối với 10 gói thầu mua sắm trực tiếp (các gói thầu số 5, 7, 8, 9, 11, 13, 15, 19, 21, 22) và 2 gói thầu (số 6 và 14) tổ chức theo hình thức chào hàng cạnh tranh, các bị can là người của Tập đoàn Tuấn Ân đã liên hệ và thông đồng với Trương Tấn Đạt (cựu PGĐ Công ty Điện lực Bình Thuận), Tạ Thúc Thông (nhân viên Phòng Kế hoạch vật tư) tiết lộ thông tin về nhu cầu mua sắm, danh mục hàng hóa và hồ sơ đặc tính kỹ thuật của các gói thầu để tạo lợi thế cho Tập đoàn Tuấn Ân.
Phía PC Bình Thuận còn dùng báo giá do Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân và các công ty trong hệ thống của Tập đoàn Tuấn Ân cung cấp để xây dựng dự toán với giá đã được Tập đoàn nâng khống, trong đó sử dụng một số báo giá có thời hạn hơn 1 năm tính đến thời điểm mua sắm trực tiếp.

Công ty Điện lực Bình Thuận. Ảnh: Internet.
Đối với 13 gói thầu tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi (các gói thầu số 1, 2, 3, 4, 10, 12, 16, 17, 18, 20, 23, 25, 26), người của Tập đoàn Tuấn Ân đã liên hệ, thông đồng với cựu PGĐ Công ty Điện lực Bình Thuận và cấp dưới của ông Trương Tấn Đạt để thực hiện các hành vi trái với Luật Đấu thầu 2013.
Đối với 13 gói thầu này, các bị can còn thông thầu, sử dụng “quân xanh” của Tập đoàn Tuấn Ân như Công ty Polyme Anpha, Công ty Minh Cường Thịnh, Minh Hòa, vi phạm khoản 3 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.
Ngoài ra, một hệ thống kế toán kép được sử dụng để hợp thức hóa các khoản lợi nhuận bất chính, đồng thời giảm nghĩa vụ thuế. Tập đoàn Tuấn Ân đã mua hơn 1.100 hóa đơn khống từ 11 doanh nghiệp khác, gây thiệt hại hơn 156 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước.
Cơ quan tố tụng cũng đã thực hiện điều tra thực nghiệm tại nhà máy sản xuất của Tập đoàn Tuấn Ân tại Long An, qua đó xác định giá vốn sản xuất các mặt hàng chỉ vào khoảng 47 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền quyết toán từ 25 gói thầu lại lên tới hơn 97 tỷ đồng, chênh lệch gần 50 tỷ đồng, tương ứng với số thiệt hại ngân sách.
Hàng tỷ đồng “lại quả”, nhiều cá nhân nhận hối lộ nhiều lần
Cáo trạng cũng làm rõ các khoản chi trái phép sau khi trúng thầu. Tổng cộng, ông Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo cấp dưới chi hơn 10 tỷ đồng cho các lãnh đạo và cán bộ PC Bình Thuận. Trong đó, riêng ông Trần Ngọc Linh nhận hối lộ 8 lần số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; ông Nguyễn Thành Ngôn nhận 2 lần với số tiền 1,3 tỷ đồng; ông Trương Tấn Đạt, khi đó là Trưởng phòng Kế hoạch vật tư rồi Phó giám đốc, nhận 8 lần với số tiền 4,1 tỷ đồng.
Các khoản chi còn lại được sử dụng trong dịp lễ, Tết hoặc các hoạt động nội bộ của PC Bình Thuận. Toàn bộ số tiền được trích từ phần chênh lệch giữa giá vốn thực tế và giá trúng thầu, được hợp thức hóa bằng hóa đơn khống và ghi nhận ngoài sổ sách kế toán.
Đáng chú ý, quá trình điều tra cho thấy một số bị can hoặc thân nhân đã chủ động nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền bất chính để khắc phục hậu quả. Tổng số tiền đã được nộp lại lên đến 241 tỷ đồng, vượt cả số tiền thiệt hại.