| Hotline: 0983.970.780

Tập đoàn Tuấn Ân và đường dây thao túng đấu thầu, trốn thuế

Chủ Nhật 20/04/2025 , 19:16 (GMT+7)

Thủ đoạn 'tay trong tay' giữa Tuấn Ân và lãnh đạo ngành điện lực Bình Thuận khiến 26 gói thầu bị thao túng và trốn thuế gây thất thoát hơn 200 tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Tuấn ÂnCông ty Điện lực Bình Thuận, làm rõ hệ thống thủ đoạn gian lận có tổ chức, gây thất thoát đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước.

Từ việc nâng giá thiết bị, lập hai hệ thống sổ sách kế toán song song, đến chi tiền hối lộ cho nhiều lãnh đạo ngành điện lực, Tập đoàn Tuấn Ân đã “vẽ” nên một sơ đồ lợi nhuận ngoài sổ sách lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Bắt tay” để trúng 26 gói thầu, thiệt hại ngân sách hơn 49 tỷ đồng

Theo kết luận điều tra, chuỗi sai phạm bắt đầu từ cuối năm 2016, khi ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân, chủ động tiếp cận ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận), đề nghị được tạo điều kiện để trúng các gói thầu cung cấp thiết bị điện.

Bị can Huỳnh Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an.

Bị can Huỳnh Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an.

Cam kết được đưa ra rõ ràng, mỗi gói thầu nếu trúng, Tập đoàn Tuấn Ân sẽ chi “tiền ngoài hợp đồng” từ 5-6% cho PC Bình Thuận; riêng cá nhân ông Linh được hứa chi 1,5%, sau nâng lên 2% kể từ năm 2019. Thậm chí, để thắt chặt quan hệ, ông Ân còn cho ông Linh góp 500 triệu đồng vào tập đoàn để trở thành “cổ đông chiến lược”, nhận lãi khoảng 20% mỗi năm.

Thỏa thuận được thực hiện trơn tru. Trong giai đoạn ông Linh còn đương chức, Tập đoàn Tuấn Ân trúng đến 23/26 gói thầu, với tổng giá trị quyết toán hơn 90,6 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 45,2 tỷ đồng.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2021, khi ông Nguyễn Thành Ngôn được bổ nhiệm thay ông Linh, Tập đoàn Tuấn Ân tiếp tục lặp lại “kịch bản", đề nghị ông Ngôn “kế thừa truyền thống”, đồng ý nâng mức chi ngoài hợp đồng lên 21% và 25% cho hai gói thầu cuối cùng, tương ứng hơn 9,3 tỷ đồng. Hậu quả là Nhà nước tiếp tục thất thoát hơn 4,5 tỷ đồng.

Từ năm 2016 đến 2023, tổng cộng 26 gói thầu được giao cho Tập đoàn Tuấn Ân nhờ các thỏa thuận ngầm, kèm theo hàng loạt khoản chi trái phép lên tới gần 10 tỷ đồng. 

Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Trần Ngọc Linh đã nhận hối lộ tổng hơn 2,3 tỷ đồng từ Tập đoàn Tuấn Ân; ông Nguyễn Thành Ngôn nhận hơn 1,3 tỷ đồng; Trương Tấn Đạt nhận tổng 4,1 tỷ đồng; Lê Quang Nghĩa nhận 460 triệu đồng; Tạ Thúc Thông nhận hơn 1,17 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân 875 triệu.

Các bị can Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt, Huỳnh Tuấn Ân (chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân), Lê Quang Nghĩa và Tạ Thúc Thông (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an.

Các bị can Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt, Huỳnh Tuấn Ân (chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân), Lê Quang Nghĩa và Tạ Thúc Thông (từ trái qua). Ảnh: Bộ Công an.

Tập đoàn Tuấn Ân thỏa thuận rõ mức chi hoa hồng, chiết khấu trong chính nội dung Điều 49 Quy chế quản trị nội bộ, cho phép các công ty thành viên lập duyệt giá và thỏa thuận mức chi “ngoài hợp đồng” với khách hàng, đặc biệt là các công ty điện lực.

Hợp thức chi phí “ảo” đẩy thiệt hại lên hàng trăm tỷ đồng

Với 26 công ty thành viên hoạt động theo chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu thụ, Tập đoàn Tuấn Ân xây dựng một hệ thống kinh doanh hai lớp, vừa để tối đa hóa lợi nhuận, vừa che giấu doanh thu nhằm trốn thuế.

Các thiết bị điện, từ máy cắt hạ thế, dây chỉ trung thế, chụp cách điện Polymer, đến đầu cosse, được kê giá theo sơ đồ khép kín. Theo đó, sản phẩm sau khi sản xuất tại nhà máy Long An sẽ bán qua đại lý nội bộ của Tuấn Ân, được nâng giá từ 20% đến 40%, trước khi đến tay PC Bình Thuận và các khách hàng khác.

Toàn bộ lợi nhuận gộp lại đạt trung bình hơn 40%, trong đó riêng tại 26 gói thầu cho PC Bình Thuận, mức lợi nhuận lên tới 45%.

Tuy nhiên, thay vì hạch toán vào hệ thống kế toán thuế, ông Ân cho lập 2 phần mềm kế toán song song gồm sổ kế toán thuế (dùng phần mềm Misa) báo cáo theo hóa đơn và sổ nội bộ (do tập đoàn tự xây dựng) phản ánh doanh thu, chi phí, lợi nhuận thực.

Để hợp thức hóa chi phí, ông Ân chỉ đạo mua 1.163 hóa đơn khống nguyên vật liệu đầu vào từ 11 doanh nghiệp, trị giá 544 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp vừa hợp thức hóa được chi phí “ảo”, vừa giảm số thuế phải nộp.

Tổng số tiền trốn thuế lên tới hơn 156 tỷ đồng. Trong đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hơn 48,3 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 107 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra vừa được Bộ Công an hoàn tất, toàn bộ vụ án liên quan đến Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận có tổng cộng 26 bị can bị đề nghị truy tố với 5 tội danh khác nhau. Trong số đó, ông Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân bị cáo buộc với hai tội dánh “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng hầu tòa với ông Ân là 4 cựu lãnh đạo của Công ty Điện lực Bình Thuận, gồm các ông Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn, Trương Tấn Đạt và Lê Quang Nghĩa, những người bị đề nghị truy tố về hành vi “Nhận hối lộ” trong quá trình xét duyệt và quyết định các gói thầu mua sắm thiết bị điện.

Ngoài ra, kết luận điều tra cũng nêu rõ, 5 bị can khác bị cáo buộc hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, thêm 5 người nữa bị truy tố vì vi phạm quy định về kế toán, và 10 trường hợp bị cáo buộc các hành vi liên quan đến việc in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước.

Theo kết luận, Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân thành lập năm 2009 tại Long An với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông là bị can Huỳnh Tuấn Ân cùng 2 con gái của ông.

Tập đoàn Tuấn Ân có 2 nhà máy tại huyện Bình Chánh, TP HCM và và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Các sản phẩm sản xuất chính là máy cắt hạ thế, dây chỉ trung thế, dao cách ly đường dây, chụp cách điện Polymer, ống nối chịu lực, đầu cosse…

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Đào đồi, dựng trạm sao chính quyền không biết?

PHÚ THỌ Cả một vạt đồi bị đào xới, đất sét tinh tập kết số lượng lớn, thêm hai chiếc bồn xilo chôn ngầm để chứa quặng. Nhưng hỏi cán bộ xã, huyện Yên Lập đều không biết...

Sắp xét xử cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước nhận hối lộ

Sau khi nhận hối lộ, ông Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự.

Bộ Công an: Cụm thi đua số 4 giao ước giải quyết tin tố giác tội phạm đạt 90%

Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an vừa tổ chức Lễ ký giao ước thi đua và phát động phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc' năm 2025.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Quản lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính như thế nào?

Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo việc bố trí, sử dụng cơ sở vật chất một cách đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả.