| Hotline: 0983.970.780

Các dự án cao tốc ở ĐBSCL phải đảm bảo kịp và vượt tiến độ

Thứ Ba 22/04/2025 , 07:54 (GMT+7)

ĐBSCL Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… đảm bảo các dự án cao tốc kịp và vượt tiến độ, chất lượng, không đội vốn.

Hoàn thiện 5 phương thức giao thông cho ĐBSCL

Chiều 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu các dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các địa phương, đơn vị về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam. Ảnh: Kim Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các địa phương, đơn vị về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam. Ảnh: Kim Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hạ tầng giao thông là một trong những nút thắt cơ bản ở vùng ĐBSCL. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, quyết liệt chỉ đạo để thúc đẩy giải quyết nút thắt này. 

Đến nay, dự án cao tốc trục dọc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông) đã cơ bản giải quyết được khó khăn. Thủ tướng đề nghị, chậm nhất tới ngày 19/12/2025 phải khánh thành, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn tới Cà Mau.

Đối với các dự án trục ngang như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Rạch Miễu 2, Cao Lãnh - An Hữu, cầu Đại Ngãi… đang được được triển khai tích cực và quyết liệt.

Thủ tướng đề nghị các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công phải đảm bảo một số yêu cầu lớn là: kịp và vượt tiến độ; đảm bảo chất lượng; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng; đảm bảo không đội vốn, đội giá, vệ sinh môi trường, cảnh quan hoàn nguyên; quá trình đưa vào khai thác làm sao đảm bảo tính hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu 'thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa' trong phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Ảnh: KA.

Thủ tướng yêu cầu "thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa" trong phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Ảnh: KA.

Xác định tuyến giao thông từ Cà Mau đến Đất Mũi và Hòn Khoai có vị trí chiến lược. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương từ nay tới cuối nhiệm kỳ cần chuẩn bị sẵn sàng triển khai các dự án trong giai đoạn tới năm 2030, gồm đoạn cao tốc từ Cà Mau tới Đất Mũi và từ Đất Mũi tới cảng Hòn Khoai, hoàn thành thêm 600 km cao tốc. Như vậy, từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ có ít nhất 1.300 km cao tốc.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ triển khai các dự án mở rộng, nâng cấp sân bay Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá; các cảng biển như Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai; các cảng thủy nội địa để khai thác hệ thống đường sông.

Với hệ thống cảng thủy nội địa, hiện nay đã có quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu các địa phương vùng ĐBSCL chủ động đề xuất, thúc đẩy hạ tầng này phát triển nhanh.

Đối với tuyến đường sắt từ TP Hồ Chí Minh đi TP Cần Thơ, Thủ tướng đề nghị cố gắng khởi công trong năm 2027, bằng các phương thức khác nhau.

“Nếu giải quyết được 5 phương thức giao thông này, vùng ĐBSCL mới thoát nghèo. Do đó chúng ta phải quyết tâm làm, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành. Các hệ thống và phương thức giao thông phải tiến hành đồng bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cận cảnh công nhân thi công tại cầu Thị Đội thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

Cận cảnh công nhân thi công tại cầu Thị Đội thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: KA.

Thủ tướng cũng biểu dương các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương đã cung cấp tốt nguyên vật liệu, đảm bảo tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ.

Khó khăn vật liệu đã được giải quyết

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà, quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ đạt 5.000 km đường cao tốc, trong đó, khu vực ĐBSCL có 1.256 km, bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến cao tốc trục ngang, quy mô từ 4-10 làn xe.

Riêng trong giai đoạn 2021-2025, toàn vùng đang triển khai 10 dự án thành phần, với tổng chiều dài 432 km. Trong năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 206 km đường cao tốc gồm 2 tuyến chính là: Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau (dài 110km) và dự án thành phần 1 Cao Lãnh – An Hữu (dài 16km). 

Về vấn đề vật liệu xây dựng, hiện có 7 địa phương liên quan đến các dự án cao tốc ở ĐBSCL gồm: An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Vĩnh Long, đã xây dựng phương án cung ứng vật liệu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phân tích, làm rõ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, đơn vị liên quan. Ảnh: KA.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phân tích, làm rõ một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương, đơn vị liên quan. Ảnh: KA.

Về về việc sử dụng cát biển vào các đường cao tốc, Thứ trưởng Hà cho biết, Bộ Xây dựng đã thực hiện thí điểm ở tuyến đường tỉnh lộ quy mô nhỏ, sau đó chuyển sang cao tốc. Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn UBND TP Cần Thơ khi sử dụng phải chia thành các khu vực nhiễm mặn, ít nhiễm mặn và không nhiễm mặn cho phù hợp với các hướng dẫn về trồng trọt, chăn nuôi.

Đối với cát biển sử dụng trong san lấp các công trình hạ tầng, Bộ Xây dựng đã rà soát, nếu sử dụng san lấp trong khu dân cư, khu đô thị, liên quan đến vấn đề nhiễm mặn và ảnh hưởng môi trường, nguồn nước ngầm… nên cần kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đánh giá thêm, tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp đạt khoảng 680 triệu m3. Hiện nay UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp 4 khu vực biển để khai thác cát cho các dự án cao tốc, với tổng trữ lượng khoảng 7,5 triệu m3. Trữ lượng còn lại, đảm bảo đủ cung cấp cho các công trình trọng điểm quốc gia ở khu vực ĐBSCL đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Xem thêm
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Ba cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề xuất ba cách tiếp cận mới về môi trường gồm: dự báo chủ động, dữ liệu cộng đồng, phòng ngừa bằng trí tuệ nhân tạo để có thể đi cùng với xu thế thế giới.

Biến động thuế quan là cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất

CẦN THƠ Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp bình tĩnh, biến động thuế quan cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất.