
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Thành ủy Cần Thơ. Ảnh: MT.
Cơ hội để doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất
Sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri là đại diện hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ, hội nữ doanh nhân và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn TP Cần Thơ trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến cử tri xoay quanh các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, nhà ở xã hội, công nghệ - viễn thông, vàng bạc - đá quý…
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá nhiều ý kiến của doanh nghiệp “trúng, đúng, gợi mở cách làm hay, sáng tạo”.
Thủ tướng và các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo TP Cần Thơ đã phản hồi, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của các cử tri liên quan đến các đối sách, giải pháp, việc đàm phán với phía Hoa Kỳ về thuế quan.
Thủ tướng nhấn mạnh, gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những đối sách chủ động, tích cực, linh hoạt, phù hợp, chủ động trao đổi, đàm phán với các đối tác, kịp thời hỗ trợ, động viên và tạo sự yên tâm cho các doanh nghiệp.
Đối với chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ, hiện nay có một số mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là thủy hải sản, nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ và hàng điện tử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ. Ảnh: MT.
Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm, chăm lo, ủng hộ, xây dựng cơ chế và chính sách để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Cần Thơ phải tiên phong, tiêu biểu trong khu vực ĐBSCL, phát triển mạnh mẽ hơn, dẫn dắt doanh nghiệp cả vùng phát triển.
Đối với chính quyền TP Cần Thơ, cần phát huy hiệu quả hơn nữa cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu.
Đề án 1 triệu ha lúa đã hội đủ điều kiện triển khai diện rộng
Cử tri Lê Thanh Trúc, Phó Giám đốc HTX Kim Hưng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) - đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ với 80% sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ phản ánh: “Hiện Hoa Kỳ đang áp dụng mức thuế suất cơ bản 10% và thuế đối ứng lên đến 46% (đang tạm hoãn trong 90 ngày)”.
Tại TP Cần Thơ, nhiều mặt hàng trước đây được hưởng mức thuế 0% như lúa gạo, thủy sản, nguyên liệu nhôm nhập khẩu, nguyên liệu ngành thực phẩm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… nay phải chịu mức thuế cao. Biến động thuế quan đã tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bà Trúc kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm có giải pháp hỗ trợ và xem xét, đàm phán để khôi phục mức thuế như trước đây hoặc phù hợp hơn. Đồng thời đề xuất cần có định hướng chiến lược cụ thể cho các ngành nghề mũi nhọn, cần ưu tiên phát triển tại khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.
Liên quan đến việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An khẳng định, Đề án đã hội tụ đủ điều kiện để triển khai diện rộng.

Cử tri Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: MT.
Sau một năm triển khai thí điểm, ông Bình phấn khởi đánh giá, sản phẩm gạo được sản xuất từ Đề án được nhiều quốc gia đề nghị nhập khẩu với giá cao. Cụ thể, vào tháng 5 tới, Trung An sẽ xuất khẩu lô gạo chất lượng cao 500 tấn, có gắn logo carbon thấp vào thị trường Nhật Bản và khối lượng các lô sau sẽ tăng dần.
Tuy nhiên, theo ông Bình, hiện các doanh nghiệp Việt Nam không có hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường do UBND các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt các dự án liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong phạm vi Đề án - điều kiện tiên quyết để triển khai trên thực địa.
Cũng theo ông Bình, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng hệ thống ngân hàng trong nước đã sẵn sàng nguồn vốn cho vay nhưng do chưa có cơ sở pháp lý nêu trên khiến doanh nghiệp, HTX, nông dân chưa thể triển khai ra đồng ruộng.
Vì vậy, ông Bình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sớm phê duyệt các dự án liên kết giữa doanh nghiệp và HTX trong phạm vi Đề án.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp bình tĩnh, biến động này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, xanh, sạch, nâng cao giá trị gia tăng, có giải pháp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng hiệu quả hoạt động.