Tham dự kễ ký kết, về phía đại diện cơ quan ngoại giao có ông Johan Ndisi, Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam; bà Erika Staffas Edström, Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam. Về phía Tập đoàn Syre (Thụy Điển) và các đối tác có bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE; ông Dennis Nobelius, Tổng Giám đốc Tập đoàn SYRE; bà Stina Billinger, Giám đốc phát triển bền vững và đối ngoại Tập đoàn SYRE; ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Houselink (đơn vị tư vấn) và bà Nguyễn Hương Trà, Giám đốc tư vấn Công ty Cổ phần Houselink.
Về phía tỉnh Bình Định có ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, tại buổi làm việc. Ảnh: V.Đ.T.
Tập đoàn Syre là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tái chế sợi dệt may từ vải sang vải (textile-to-textile), với sứ mệnh giảm phát thải carbon và rác thải trong ngành dệt may, thông qua giải pháp tái chế sợi dệt từ vải đã qua sử dụng ở quy mô siêu lớn, bắt đầu với polyester.
Syre đặt mục tiêu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của ngành dệt may, hướng tới tương lai mọi sợi vải đều có cơ hội tái sinh. Giải pháp tái chế tuần hoàn của Syre tạo ra polyester có chất lượng tương đương polyester nguyên sinh nhưng vượt trội về hiệu quả bền vững.

Bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre tại buổi làm việc. Ảnh:
Dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester có tổng mức đầu tư dự kiến 1 tỷ USD, diện tích dự kiến sử dụng khoảng 20 ha, thời gian đi vào vận hành vào năm 2028 với công suất 250.000 tấn/năm.
Mục tiêu dự án hướng đến là xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU, theo định hướng phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Qua đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tại buổi làm việc. Ảnh: V.Đ.T.
Bản ghi nhớ này đánh dấu cam kết hợp tác giữa tỉnh Bình Định và Tập đoàn Syre, nhằm đảm bảo các điều kiện và tiêu chí quan trọng được đáp ứng để tiến tới quyết định đầu tư xây dựng nhà máy tái chế Giga đầu tiên của Syre. Các tiêu chí then chốt bao gồm: Khu công nghiệp gần hệ thống hạ tầng, nguồn năng lượng xanh, nguồn nguyên liệu đầu vào (các sản phẩm dệt may có thể tái chế) cũng như cơ chế thí điểm cấp phép nhập khẩu nguyên liệu dệt may tái chế từ các quốc gia lân cận.
Trước đó, vào ngày 23/4, tại buổi làm việc với Tập đoàn Syre, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh tập đoàn đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester theo hướng sản xuất xanh, sạch, tận dụng phế liệu liên quan dệt may, góp phần cải thiện môi trường theo tinh thần của các Hội nghị từ COP26 đến COP28.
Bình Định cam kết tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ Tập đoàn Syre trong quá trình khảo sát và triển khai dự án tại địa phương sau khi dự án được cấp có thẩm quyền chấp thuận phê duyệt theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Lễ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester. Ảnh: V.Đ.T.
Việc Tập đoàn Syre ký kết bản ghi nhớ đầu tư dự án Tổ hợp sản xuất tái chế vải Polyester tại Bình Định là kết quả của công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định trong thời gian qua, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
“Bình Định ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh với mục tiêu tuần hoàn, xanh, ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến và bảo vệ môi trường. Đối với dự án này, tỉnh đã làm việc một cách nghiêm túc, quyết tâm và khẩn trương để dự án triển khai tốt nhất tại tỉnh”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.