Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) vừa công bố Báo cáo nhanh tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài 4 tháng đầu năm 2025. Nhìn chung, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 13,82 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tỷ trọng gần 65% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ảnh minh họa.
Về địa bàn đầu tư, xếp sau Bắc Ninh là tỉnh Đồng Nai với hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 2,3 lần cùng kỳ.
TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,48 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 77,7% so với cùng kỳ. Nếu xét về số dự án, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm gần 40%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (gần 22%) và góp vốn mua cổ phần (gần 67%).
Xếp theo ngành, dẫn đầu thu hút vốn đầu tư là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (gần 65% tổng vốn đầu tư đăng ký), tiếp đến là kinh doanh bất động sản (hơn 20%). Xếp sau là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Singapore hiện là nước có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong số 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025. Tiếp đến là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, vốn đầu tư điều chỉnh tăng gấp gần 4 lần và góp vốn mua cổ phần tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới, đưa tổng vốn đầu tư của cả nước trong 4 tháng đầu năm tăng gần 40%.
Số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, khi không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu. Các nhà đầu tư từ châu Á - như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc - vẫn chiếm ưu thế, nhưng đồng thời cũng có dấu hiệu khởi sắc từ một số thị trường nhỏ hơn, thể hiện tính đa dạng hóa dòng vốn đầu tư. Các địa phương có năng lực thu hút tốt tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt cả về số lượng và quy mô dự án.
Tính lũy kế đến hết tháng 4/2025, cả nước có 43.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 513,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 329,3 tỷ USD, bằng gần 64,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.