Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp hướng tới phát triển bao trùm", vòng tài trợ lần này đặc biệt chú trọng vào việc khai thác công nghệ ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mỗi dự án được lựa chọn sẽ nhận hỗ trợ tài chính từ 300.000-700.000 AUD. Trong 4 vòng tài trợ trước, Quỹ đã hỗ trợ cho 15 dự án với sự hợp tác của các đơn vị đến từ Australia và Việt Nam. Đến nay, 12 dự án đã hoàn thành và 3 dự án đang được thực hiện, mang lại những kết quả thiết thực cùng những giải pháp sáng tạo vì tiến bộ xã hội trong thực hành nông nghiệp.

Australia sẽ tài trợ các dự án công nghệ cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.
Bà Gillian Bird, Đại sứ Australia tại Việt Nam, nhấn mạnh, các dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định cam kết của Australia về phát triển bền vững và bao trùm.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chia sẻ: Sự hỗ trợ đầy ý nghĩa này từ chương trình Aus4Innovation đang giúp các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các doanh nghiệp của Việt Nam vượt lên các giới hạn của công nghệ, biến những ý tưởng sáng tạo thành các giải pháp cụ thể có khả năng ứng dụng rộng rãi. Vòng tài trợ thứ 5 sẽ càng tận dụng hiệu quả các cơ hội mà công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại.
Để đăng ký tham gia vòng tài trợ, các tổ chức có thể tham khảo thông tin trên trang web của chương trình Aus4Innovation.
Chương trình Aus4Innovation thực hiện trong 10 năm (2018-2028) với tổng ngân sách 33,5 triệu AUD, nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế xã hội bền vững và bao trùm. Chương trình do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, CSIRO - cơ quan khoa học quốc gia Australia đồng tài trợ và quản lý, phối hợp cùng đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Năm 2024, 3 dự án nhận tài trợ gồm: Dự án "Nâng cao năng lực giám sát cây trồng và khả năng tiếp cận thông tin cho nông hộ nhỏ và cán bộ quản lý tại Việt Nam" của Đại học Southern Queensland hợp tác Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC); "Canh tác carbon chủ động ứng dụng trí tuệ nhân tạo và bản sao số để phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Thanh Hóa" do Đại học Griffith và Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu; "Tăng cường năng lực cho các nông hộ nhỏ thông qua hệ thống chứng nhận tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc dựa vào AI nhằm hướng tới nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" do Đại học Griffith và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thực hiện.