| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng công nghệ số trong giáo dục: Hướng đi phù hợp và kịp thời

Thứ Năm 17/04/2025 , 18:02 (GMT+7)

Không chỉ giúp nâng cao chất lượng bài giảng , việc áp dụng công nghệ số trong giáo dục còn tạo môi trường học tập linh hoạt và hiệu quả hơn.

Sách điện tử - xu hướng học tập hiện đại

Học sinh, sinh viên ngày nay đã quen thuộc với công nghệ và môi trường học tập số. Việc đọc sách không còn giới hạn trên những trang giấy mà được số hóa, trực quan và cá nhân hóa, trở thành một phần thiết yếu trong hành trình học tập chủ động.

Nắm bắt xu hướng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nền tảng học liệu và sách giáo khoa điện tử với nội dung đa dạng, tích hợp hình ảnh động, video minh họa, âm thanh và bài tập tương tác. Nhờ đó, học sinh không chỉ tiếp cận kiến thức một cách sinh động, mà còn có thể tự học, thực hành ngay trên nền tảng số.

Sách giáo khoa điện tử không chỉ bảo toàn nội dung cốt lõi của sách in, mà còn được tích hợp các yếu tố đa phương tiện như hình ảnh động, video minh họa, âm thanh và bài tập tương tác, giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động và hiệu quả hơn, tăng hiệu quả học tập.

Áp dụng công nghệ số trong ngành giáo dục là một hướng đi phù hợp và không thể thiếu trong thời đại công nghệ. Ảnh: Minh họa.

Áp dụng công nghệ số trong ngành giáo dục là một hướng đi phù hợp và không thể thiếu trong thời đại công nghệ. Ảnh: Minh họa.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người học, sách giáo khoa điện tử còn giúp giáo viên dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm và tổ chức bài giảng. Với thiết bị cá nhân có kết nối internet, giáo viên có thể truy cập kho tài nguyên mọi lúc, mọi nơi, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Tính linh hoạt của sách giáo khoa điện tử cũng là một điểm nổi bật. Học sinh và giáo viên có thể truy cập tài liệu bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu, chỉ cần thiết bị có kết nối internet. Nhờ đó, cả thầy và trò đều chủ động hơn trong quá trình dạy và học, từng bước bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành giáo dục.

Số hóa học liệu để bắt kịp thời đại

Không chỉ dừng lại ở học liệu số, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chú trọng áp dụng công nghệ số, đầu tư hiện đại hóa hệ thống thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên trong kỷ nguyên số. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp là một trong những đơn vị tiên phong trong xu hướng này.

PGS.TS Nguyễn Hữu Quang, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Trung tâm Thư viện được xây dựng với định hướng trở thành không gian học tập hiện đại, có hạ tầng công nghệ thông tin mạnh, tích hợp các khu học tập cá nhân, làm việc nhóm, đồng thời kết nối với nhiều cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước.

Hiện nay, nguồn học liệu tại thư viện bao gồm gần 10.000 đầu sách in và khoảng 4.000 tài liệu số thuộc các lĩnh vực đào tạo. Sinh viên có thể tiếp cận kho tài nguyên đa dạng thông qua các cơ sở dữ liệu lớn như Trung tâm kết nối Tri thức số - Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số, tài nguyên số của Đại học Bách khoa Hà Nội, hay hệ thống dữ liệu Springer với gần 1.700 tài liệu được mua quyền truy cập vĩnh viễn.

Đáng chú ý, nhà trường đã triển khai phần mềm thư viện thông minh L’ima - nền tảng quản lý học liệu hiện đại cho phép người dùng đăng nhập một lần để truy cập toàn bộ tài nguyên thư viện. Phần mềm này không chỉ giúp quản lý người dùng hiệu quả, mà còn hỗ trợ xây dựng nguồn học liệu theo từng chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ dạy, học và nghiên cứu.

Chia sẻ về sự đổi mới này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Thư viện, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp nhận định: “Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) đang ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong việc đổi mới hoạt động thư viện và thúc đẩy văn hóa đọc. Những công nghệ này không chỉ giúp người đọc tiếp cận tài liệu một cách thuận tiện, linh hoạt mà còn tạo ra những trải nghiệm đọc hấp dẫn, sinh động hơn rất nhiều so với hình thức truyền thống”.

Việc số hóa giáo dục không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là chìa khóa giúp ngành giáo dục Việt Nam đổi mới căn bản và toàn diện. Từ sách giáo khoa điện tử, thư viện thông minh đến các nền tảng học tập trực tuyến, công nghệ đang từng bước thay đổi cách học, cách dạy và cả tư duy giáo dục truyền thống.

Áp dụng công nghệ số vào giáo dục chính là nền tảng để học sinh, sinh viên rèn luyện năng lực số - một trong những kỹ năng cốt lõi của công dân thời đại mới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nhà trường nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức giảng dạy một cách khoa học, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Xem thêm
Phận nghèo trên mỏ đất hiếm: [Bài 3] Những chuyện không muốn kể

Bữa đến thăm nhà, nếu không có lời giải thích của chị Điêu Thị Hoán thì tôi với anh Chủ tịch xã Đông Cửu đã tưởng rằng gia đình đang ăn trứng lộn, thực ra đó chỉ là những quả trứng tắc.