Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Bảy, 12/7/2025 12:43 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

An cư ở vùng thiên tai: Bài toán sinh tử cho hàng nghìn hộ dân

Thứ Sáu 27/06/2025 , 09:58 (GMT+7)

Trước bài toán sinh tử cho hàng nghìn hộ dân, tỉnh Yên Bái chú trọng xây dựng các khu tái định cư an toàn và có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ.

Gần 7.900 hộ dân sống trong vùng nguy hiểm

Với 72 người thiệt mạng, hơn 31.000 ngôi nhà hư hỏng và tổng thiệt hại ước tính lên tới 6.365 tỷ đồng chỉ trong vòng 4 năm, tỉnh Yên Bái đang phải đối mặt với một cuộc chiến không cân sức với thiên tai. Giữa địa hình hiểm trở và những cơn thịnh nộ khó lường của đất trời, việc di dời, tái định cư an toàn cho hàng nghìn hộ dân đang sống trong vùng nguy hiểm là nhiệm vụ cấp thiết.

Tình trạng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng thường xuyên ở nhiều địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Tình trạng lũ quét, sạt lở đất xảy ra ngày càng thường xuyên ở nhiều địa phương. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong những năm gần đây, các hình thái thời tiết cực đoan như mưa lớn cục bộ, dông lốc, lũ lụt, sạt lở đang xảy ra với tần suất và cường độ ngày một lớn, biến những vùng đất vốn yên bình trở thành những điểm nóng về thiên tai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Yên Bái cho biết, với đặc thù địa hình đồi núi dốc, địa chất phong hóa mạnh, khi mưa lớn kéo dài, đất nhanh chóng bão hòa nước, tạo thành những 'cái bẫy' sạt lở và lũ quét chết người.

Nhiều ngôi nhà ở ven dòng sông Chảy sạt xuống sông trong cơn lũ năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều ngôi nhà ở ven dòng sông Chảy sạt xuống sông trong cơn lũ năm 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiểm họa tự nhiên càng trở nên trầm trọng hơn bởi yếu tố con người do việc xây dựng nhà cửa, hạ tầng ven sông suối, trên các sườn dốc không đảm bảo an toàn kỹ thuật đã vô tình tiếp tay cho thiên tai tăng mức độ tàn phá.

Những vết thương mà thiên tai để lại hằn sâu trên khắp bản đồ Yên Bái. Các huyện vùng cao như Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn gần như năm nào cũng oằn mình gánh chịu lũ quét và sạt lở. Dọc theo hai con sông lớn là sông Hồng và sông Chảy, nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ sông luôn thường trực, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn người dân ở các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái.

Theo thống kê của Sở NN-MT Yên Bái, hiện có tới gần 7.900 hộ dân đang phải sống trong khu vực có nguy cơ thiên tai cao. Trong đó, đáng lo ngại nhất là 4.000 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất, trên 3.000 hộ trong vùng nguy cơ ngập lụt và hơn 600 hộ có thể phải đối mặt với lũ quét

Hàng loạt dự án tái định cư đi vào hoạt động

Trước bài toán sinh tử đó, Yên Bái đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm ưu tiên hàng đầu là đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó, chú trọng quy hoạch, xây dựng các dự án tái định cư tập trung.

Giai đoạn 2017-2024, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án đã được triển khai tại các huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, mang lại cuộc sống ổn định cho 561 hộ dân với hơn 2.700 con người.

Trong giai đoạn 2021-2023, thêm 3 dự án với tổng kinh phí hơn 55 tỷ đồng tại Yên Bình và Mù Cang Chải, đã trở thành mái nhà an toàn cho 50 hộ dân.

Chỉ riêng sau cơn bão Yagi năm 2024, Yên Bái đã phải hứng chịu thảm họa kép về lũ lụt và sạt lở, lũ quét. Toàn tỉnh đã phải thực hiện di dời khẩn cấp hơn 1.200 hộ dân do sập đổ hoặc có nguy cơ cao. Song song đó, 8 dự án san tạo mặt bằng cấp bách với kinh phí gần 8 tỷ đồng đang được gấp rút thực hiện để ổn định chỗ ở cho 92 hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Các dự án tái định cư đều được đầu tư hạ tầng đồng bộ với hệ thống đường giao thông, điện lưới, nước sạch, viễn thông, gần trường học, trạm y tế...

Đã có nhiều khu tái định cư hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Đã có nhiều khu tái định cư hoàn thành đưa vào sử dụng, đảm bảo an toàn cho hàng trăm hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở NN-MT Yên Bái, dù đã đạt được những kết quả nhất định trước mắt, tuy nhiên về lâu dài việc tìm đất an cư cho người dân vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Bởi vì, để tìm được một mặt bằng đủ rộng, an toàn trên địa hình núi cao, chia cắt mạnh của Yên Bái đã rất khó. Thêm nữa, quỹ đất ở và đất sản xuất vốn đã hạn hẹp, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm khu tái định cư còn phức tạp, kéo dài.

Bên cạnh đó, nhiều người dân không muốn rời đi vì nơi ở mới quá xa khu vực canh tác quen thuộc. Vận động họ rời bỏ mảnh đất cha ông là một trong những việc khó khăn nhất.

Để nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ

Để tháo gỡ những "nút thắt" này, Yên Bái đang nỗ lực bằng các chính sách linh hoạt như: huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc vận động người dân; đề xuất các chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất; lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ đất sản xuất, khuyến khích người dân trong cộng đồng tự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau.

Trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ NN-MT, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái cho biết thêm, đối với việc lựa chọn địa điểm xây dựng các khu tái định phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, các quy định, đáp ứng các yêu cầu về phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân không bị ngập lụt, sạt lở đất.

Các khu tái định cư phải hoàn chỉnh đầy đủ các hạng mục, điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ cho nhân dân, đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới như: đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, xử lý nước, rác thải, các thiết chế văn hóa...

Tỉnh Yên Bái xác định xây dựng những khu tái định cư mới phải an toàn và có điều kiện tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái xác định xây dựng những khu tái định cư mới phải an toàn và có điều kiện tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, nơi ở mới phải phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa dân tộc, tôn giáo của người dân đến tái định cư và không quá xa nơi ở cũ. Vì vậy sẽ ưu tiên xây dựng trong phạm vi một xã, để người dân không phải di dời quá xa, gần tư liệu sản xuất, anh em gia đình dòng tộc... để người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. 

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã và đang tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương những giải pháp mang tính chiến lược như: xây dựng cấp bách 10 dự án để ổn định dân cư với tổng mức đầu tư khoảng 371 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2025. Với mục tiêu an cư cho 660 hộ dân tại các "điểm nóng" thiên tai như: Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải...

Yên Bái tiếp tục xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro tỷ lệ lớn và tăng số lượng các trạm đo mưa để công tác quy hoạch, cảnh báo được chủ động, chính xác hơn. Tiếp tục ban hành các chương trình, chính sách đặc thù cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2026-2030, đồng thời tăng mức đầu tư cho chương trình bố trí ổn định dân cư để phù hợp với thực tế.

Xem thêm

Bình luận mới nhất