
Trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, lực lượng kiểm lâm Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Ảnh: TC Môi trường và Đời sống.
Ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định Hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng kiểm lâm nhân dân.
Xuyên suốt 52 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng kiểm lâm đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành cả về phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; nhiều tấm gương dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng ghi nhận, đánh giá cao.
Trong những năm vừa qua, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; năng suất, chất lượng rừng đã được nâng cao, dần đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học rừng, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ và lâm sản liên tục tăng mạnh, năm 2024 đạt 17,3 tỷ USD tăng 19% so với năm 2023, vượt 13% so với kế hoạch năm 2024; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu người tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Có được kết quả đó do lực lượng kiểm lâm đã chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc định hướng, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp tạo khung pháp lý để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện; đẩy mạnh việc phân công, phân cấp, phân nhiệm rõ đã nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho các cơ quan, tổ chức; nhiều giải pháp đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương tạo nên những chuyển biến tích cực đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước, đã khơi dậy được tiềm năng sẵn có của địa phương, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, để công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước ổn định, hiệu quả.
Ngày nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều yêu cầu về đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng bền vững trong kỷ nguyên vươn mình. Bên cạnh đó, hiện nay cả hệ thống chính trị đang tập trung vào việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới. Do vậy, nhiệm vụ bảo vệ, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên càng trở nên cấp thiết, mang tính xã hội sâu sắc, đòi hỏi ở mức độ cao, nặng nề với nhiều thách thức hơn, đồng thời đây cũng là cơ hội và vinh dự lớn lao mà Nhà nước và nhân dân giao phó cho lực lượng kiểm lâm.
Trong bối cảnh đó, mỗi công chức, viên chức, người lao động trong lực lượng Kiểm lâm cần tiếp tục đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao, tạo ra những động lực mới, giá trị mới để làm giàu hơn nữa truyền thống vẻ vang, ngày càng nâng cao vị thế của Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ trọng tâm:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về lâm nghiệp và tổ chức hoạt động lực lượng Kiểm lâm phù hợp yêu cầu thực tiễn đổi mới và hài hòa với quy định, thông lệ quốc tế.
Hai là, làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật và phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
Ba là, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiên trì thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa, củng cố xây dựng lực lượng bảo vệ rừng ở cơ sở; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng; tăng cường hợp tác về lâm nghiệp, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, vững bước trong hội nhập quốc tế.
Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thực hiện chuyển đổi số và xây dựng, phát triển nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và lực lượng kiểm lâm nói riêng tinh gọn và tinh thông; chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho công chức, viên chức, người lao động, duy trì phong trào thi đua hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong toàn lực lượng kiểm lâm.
Với truyền thống hơn 50 năm xây dựng và phát triển của lực lượng Kiểm lâm, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, đoàn kết thống nhất, cần cù sáng tạo, khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó; xứng đáng lời dạy của Bác Hồ “rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”!