Báo cáo tháng 6/2025 của tổ chức Forest Trends cho thấy, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 6 triệu tấn viên nén gỗ, đạt giá trị 805,2 triệu USD, tăng gần 30% về lượng và 18,5% về giá trị so với năm trước. Hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tới 95% tổng lượng xuất khẩu, trong đó Nhật Bản chiếm 60% và Hàn Quốc 34%.
Tuy nhiên, bước sang quý II/2025, ngành viên nén bắt đầu chịu áp lực kép từ chính sách quốc tế và những điểm yếu nội tại chưa được khắc phục.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của tổ chức Forest Trends. Ảnh: NVCC.
Sức ép bắt đầu từ tháng 2/2025, khi Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) thông báo sẽ dừng tiếp nhận các dự án năng lượng sinh khối mới trong khuôn khổ chương trình trợ giá FIT/FIP từ năm tài khóa 2026. Dù các dự án đã phê duyệt vẫn được hỗ trợ, động thái này khiến triển vọng mở rộng thị trường viên nén sang Nhật bị giới hạn.
Trong năm 2024, lượng viên nén xuất sang Nhật không tăng nhiều so với 2023, một phần do các sự cố cháy nổ tại nhà máy nhiệt điện sử dụng viên nén nhập khẩu. Hiệp hội Năng lượng Sinh khối Nhật Bản (BPA) đã đưa ra cảnh báo về việc viên nén từ Việt Nam lẫn nhiều tạp chất như túi nilon, thanh sắt, dư lượng hóa chất như natri, kali… gây hư hại thiết bị và có thể dẫn đến cháy nổ.
Dù nhiều doanh nghiệp Việt đã nỗ lực khắc phục, như loại bỏ vỏ cây trong quá trình ép viên để giảm dư lượng hóa chất, song chi phí đầu vào tăng khiến giá thành cao, khó cạnh tranh với giá xuất khẩu đang ở mức thấp.
Trái ngược với Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc trong quý II/2025 ghi nhận mức tăng giá viên nén đáng kể, từ mức thấp dưới 100 USD/tấn năm trước lên hơn 109 USD/tấn. Tuy nhiên, sự phục hồi này đến từ yếu tố nhất thời như, nguồn cung nguyên liệu suy giảm do Mỹ tăng hàng rào thuế lên sản phẩm gỗ, khiến hoạt động chế biến trong nước giảm sút, kéo theo nguồn phế phụ phẩm khan hiếm.
Viên nén của Việt Nam tại thị trường này vẫn chịu đánh giá thấp hơn về chất lượng so với các nước cạnh tranh như Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Một số doanh nghiệp còn bị phản ánh bán phá giá để giành hợp đồng, dẫn tới mặt bằng giá chung bị kéo xuống, thậm chí dưới mức chi phí sản xuất.
Thực trạng này được các chuyên gia Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends chỉ ra, xuất phát từ việc chuỗi cung nguyên liệu viên nén của Việt Nam còn rời rạc, khó truy xuất và phụ thuộc vào phế phụ phẩm từ các ngành chế biến gỗ khác. Điều này khiến nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, đặc biệt trong mùa mưa hoặc khi thị trường đồ gỗ xuất khẩu suy giảm.
Đáng chú ý, nhiều cơ sở còn sử dụng gỗ tự nhiên nhiệt đới nhập từ châu Phi, Lào, nhóm gỗ dễ bị nghi ngờ về tính hợp pháp, khó đáp ứng các chứng chỉ bền vững như FSC, PEFC hay SBP, vốn đang trở thành yêu cầu phổ biến từ các thị trường phát triển.
Dù một số tỉnh như Hà Tĩnh, Tuyên Quang... đã mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ, nhưng chi phí sản xuất cao và thiếu liên kết chuỗi khiến các doanh nghiệp khó duy trì vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất viên nén chất lượng cao.
Việt Nam hiện chưa có chính sách ưu đãi rõ ràng cho điện sinh khối như đã từng áp dụng cho điện mặt trời, điện gió. Trong khi đó, giá điện thấp phục vụ công nghiệp khiến viên nén khó cạnh tranh trong nước. Các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, giày da, dệt may… dù đã bắt đầu chuyển đổi nhiên liệu sang viên nén, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, quy mô còn nhỏ và phân tán.

Ngoài giá trị xuất khẩu, viên nén gỗ còn giúp tận dụng phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất. Ảnh minh họa.
Nhằm khắc phục những vấn đề kể trên, ông Tô Xuân Phúc khuyến nghị, cần sớm xây dựng hệ sinh thái liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và viên nén để tận dụng tối đa cây rừng trồng, đồng thời đầu tư vào rừng đạt chứng chỉ bền vững. Một số mô hình doanh nghiệp liên kết với nhóm hộ trồng rừng đã bước đầu triển khai, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa được đánh giá là dư địa lớn nhưng chưa được khai thác do thiếu chính sách hỗ trợ. Viên nén hiện mới chỉ được sử dụng ở quy mô hẹp trong các nhà máy thực phẩm, dệt may, giày da... Chủ yếu là doanh nghiệp FDI có yêu cầu kiểm kê phát thải trong chuỗi cung ứng.
Ông Phúc đề xuất cần có cơ chế ưu đãi riêng cho điện sinh khối, tương tự như từng áp dụng cho điện mặt trời và điện gió. Đây là điều kiện then chốt để viên nén phát triển bền vững trong nước, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu và góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), viên nén, với đặc trưng tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, có thể trở thành giải pháp năng lượng tái tạo quan trọng. Tuy vậy, nếu không sớm có chiến lược thị trường nội địa và nâng chuẩn chất lượng, viên nén Việt Nam có nguy cơ mất lợi thế ngay trên chính sân nhà.
Tổ chức Forest Trends cho biết, gần như toàn bộ lượng viên nén của doanh nghiệp Việt sản xuất đều tập trung cho xuất khẩu, với thị trường chính là Nhật Bản (60% lượng, 65% giá trị) và Hàn Quốc (34% lượng, 28% giá trị). Giá xuất khẩu trung bình năm 2024 đạt 133,5 USD/tấn.
Một điểm đáng chú ý với ngành viên nén gỗ là diện tích rừng có chứng chỉ FSC liên tục tăng, tính đến ngày 9/5 đạt gần 470.000 ha. Ngoài ra, diện tích rừng có chứng chỉ PEFC đạt khoảng 215.000 ha.