Trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế về môi trường
Từ ngày 28/4 đến 09/5/2025, Hội nghị các Bên tham gia Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm (COPs 2025) được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, với sự tham gia của đại diện cấp cao từ 86 quốc gia thành viên.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: BRS Conventions 2025.
Phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra vào ngày 30/4 và 1/5/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Geneva (CICG) và Trung tâm Hội nghị Varembé. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã tích cực tham dự sự kiện quan trọng này.
Hội nghị là diễn đàn chính trị cấp cao nhằm khẳng định cam kết của các quốc gia đối với việc thực thi ba công ước quốc tế về quản lý hóa chất và chất thải nguy hại gồm: Công ước Basel, Công ước Rotterdam và Công ước Stockholm.
Với chủ đề “Biến những thứ vô hình trở thành hữu hình: Quản lý an toàn hóa chất và chất thải”, Hội nghị COP năm nay tập trung thúc đẩy đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và khẳng định vai trò lãnh đạo chính trị trong ứng phó với ô nhiễm, suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam khẳng định trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế về môi trường, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Phiên thảo luận bàn tròn cấp cao với chủ đề kinh tế tuần hoàn (Circularity) đã diễn ra vào chiều ngày 30/4 với sự tham gia của Bộ trưởng, Thứ trưởng Môi trường, Trưởng đoàn của các nước Thụy điển, Ấn Độ, Estonia, Pakistan, Cambodia, Botswana, Seychelles và Việt Nam.
Các đại biểu đã thảo luận về cơ hội mà 3 Công ước BRS mang lại cho các quốc gia để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tăng cường quản lý vòng đời hóa chất và tái chế chất thải; công cụ mà các quốc gia đang áp dụng để thực hiện các quy định của 3 Công ước.
Các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp như hệ thống thông tin (dữ liệu số hóa) để theo dõi xuất nhập khẩu, vận chuyển hóa chất và chất thải toàn cầu; cơ chế EPR để thúc đẩy thu hồi, tái chế chất thải.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về các thách thức mới như chất thải dệt may, các giải pháp quản lý và tăng cường tái chế chất thải dệt may trên quy mô quốc gia cũng như toàn cầu.
Đề nghị Na Uy hỗ trợ trong xây dựng, thực thi chính sách EPR
Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành và đoàn công tác đã có buổi tiếp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Môi trường và Khí hậu Na Uy, Ngài Kristoffer André Hansen. Thứ trưởng bày tỏ cảm ơn sâu sắc trước sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Na Uy trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Đặc biệt, ngày 22/4/2025, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận triển khai Dự án “Tăng cường quan hệ đối tác đa phương trong quản lý chất thải tuần hoàn và bền vững” thông qua UNDP Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tại Hội nghị. Ảnh: BRS Conventions 2025.
Thứ trưởng đề nghị phía Na Uy tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong xây dựng, thực thi chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và quản lý ô nhiễm nhựa thông qua mô hình sản xuất – tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Ngài Bộ trưởng Kristoffer André Hansen khẳng định mong muốn Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia tiến trình đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-5.2), dự kiến tổ chức tại Geneva vào tháng 8/2025.
Đại diện Việt Nam khẳng định ủng hộ việc xây dựng một Thỏa thuận toàn cầu về nhựa mang tính ràng buộc pháp lý, xem đây là cơ hội then chốt để giải quyết ô nhiễm nhựa, đặc biệt là tại môi trường biển. Việt Nam đề cao nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ chế linh hoạt, có tính đến điều kiện, năng lực và trình độ phát triển của từng quốc gia.
Đối với các nội dung còn khác biệt trong đàm phán, đặc biệt là các Điều 3 và 6 của dự thảo Thỏa thuận, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch và trách nhiệm giữa các nước phát triển và đang phát triển, trong đó có việc thừa nhận trách nhiệm lịch sử của các quốc gia phát triển.
Đồng thời, Việt Nam đề nghị Na Uy đóng vai trò tích cực trong việc kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ hơn về công nghệ và tài chính nhằm giúp các nước đang phát triển thực hiện cam kết một cách hiệu quả và bền vững.