'Máy bơm nước' khổng lồ bằng tre nứa giúp vùng cao giải hạn
Thứ Tư 10/04/2024 , 10:42 (GMT+7)
Cọn nước là cách người dân huyện Văn Chấn sử dụng nhằm dẫn nước từ suối vào đồng ruộng, giúp những cánh đồng không bị khô hạn.
'Máy bơm nước' khổng lồ bằng tre nứa giúp vùng cao giải hạn
Để giúp cánh đồng không bị khô hạn, người dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã có sáng kiến độc đáo, là làm những chiếc cọn nước dẫn nước từ suối vào đồng ruộng.
Nhìn những chiếc cọn nước chăm chỉ, miệt mài suốt ngày đêm, lấy nước vào ruộng, ít ai biết được rằng trước đây những thửa ruộng này người dân phải bỏ hoang do khó lấy nước. Từ khi có cọn nước giúp đưa nước vào ruộng đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện hơn.
Anh PHAN VĂN HUÂN - Thôn Nghĩa Lộc Cọ, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Bây giờ đồng ruộng bị khô hạn rồi không còn nguồn nước ở trên khe đưa xuống nữa nên chúng tôi phải lấy nước từ dưới lên. Muốn đưa được nước lên thì mỗi nhà phải 1 cái cọn hoặc 2 nhà chung 1 cái cọn để đưa nước lên cấy những cánh đồng nho nhỏ như này, từ khi đưa được nước lên trên này để cấy lúa thì dân chúng tôi rất là phấn khởi.
Cọn nước được người nông dân làm thủ công từ những vật liệu của núi rừng như tre và nứa, để làm một chiếc cọn nước hoàn chỉnh người dân phải bỏ ra 5 đến 6 ngày công. Chi phí để tạo ra một chiếc cọn nước sẽ mất khoảng 2,5 triệu đồng, thay vì phải dùng máy bơm nước với chi phí vận hàng đắt đỏ.
Và những chiếc máy bơm bằng tre, nứa này đang ngày đêm cứu những cánh đồng lúa của bà con vùng cao Yên Bái thoát khỏi hạn hán.
Ông NGUYỄN ĐỨC CÁCH - Thôn Nghĩa Lộc Cọ, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Trước kia bãi này là bãi bỏ hoang, khai phá ra thì chỉ trồng cây khoai, cây ngô, củ sắn thôi nhưng mà nó không có hiệu quả. Đến khi mà nhìn thấy cái cọn của người dân tộc thiểu số, người ta làm cái cọn này để lấy nước về cấy lúa thì chúng tôi mới học và về làm theo từ khi có cái cọn này thì cảm thấy là đời sống nó nâng hẳn lên vì nó nhàn mà thu nhập nó cao.
Người dân đã biết lợi dụng dòng nước chảy siết để tạo ra lực đẩy tác động vào guồng nước để đưa nước lên cao, nước được rồi đổ thẳng vào máng hứng từ đó sẽ chảy vào các thửa ruộng. Muốn cho guồng nước quay người dân phải đắp một cái phai nhỏ, giúp nâng mực nước lên cao hơn.
Ông NGUYỄN ĐỨC CÁCH - Thôn Nghĩa Lộc Cọ, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Trục bằng gỗ ta phải đẽo theo vòng tròn xong rồi đục lỗ, bương tre thì cắt theo cánh thì cánh nó có 2 bên, 1 bên dài 1 bên ngắn. Bên ngắn thì lấy nước tưới, bên dài thì để cho ống cao lên để nước đổ vào máng. Người dân tộc ở đây người ta nói suối trên là vực dưới là thác, xuống thác thì mới tạo ra được dòng chảy, nên chúng tôi phải đắp 1 con đập ngăn từ bờ bên kia cho sang bên này tạo thành 1 cái dòng nước chảy thì cái cọn nó mới quay theo cái dòng nước đấy.
Hình ảnh những chiếc cọn nước bình dị là minh chứng hiện hữu cho thấy sự sáng tạo thông minh của cha ông ta từ ngàn đời xưa, để sống hòa mình với thiên nhiên, để đối phó vơi sự khắc nhiệt của thời tiết thiên nhiên. Cọn nước không chỉ góp phần đem lại mùa vụ tốt tươi, mà nó còn trở thành nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.