Kiểm soát dịch bệnh động vật ngay từ cơ sở giết mổ
Thứ Năm 17/07/2025 , 15:06 (GMT+7)
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh tình trạng lây lan, ngành chức năng Gia Lai đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ đầu vào ngay từ các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn.
Kiểm soát dịch bệnh động vật ngay từ cơ sở giết mổ
2 giờ sáng, khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, lúc này Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn thuộc tỉnh Gia Lai đã bắt đầu hoạt động. Quy trình giết mổ được giám sát chặt chẽ bởi các cán bộ thú y chuyên trách, đảm bảo mọi khâu đều an toàn. Từ kiểm tra thân thịt sau mổ đến đóng dấu kiểm soát, mỗi bước đều được thực hiện tỉ mỉ, không bỏ sót bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Đây là yếu tố then chốt, góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ tập trung.
Phỏng vấn Ông Bùi Ngọc Hiền, Nhân viên kiểm soát giết mổ, Nhà máy giết mổ động vật tập trung An Nhơn
Công việc hàng ngày của chúng tôi, ban ngày là kiểm tra heo lâm sàn nếu đạt yêu cầu chúng tôi cho nhập vào chuồng nhốt nuôi nhốt và có đánh số thứ tự, còn ban đêm chúng tôi kiểm tra giết mổ, nếu đạt yêu cầu thì chúng tôi đánh dấu và cho đi.
Để có nhân lực bố trí tại cơ sở giết mổ động vật tập trung An Nhơn, ngành chăn nuôi và thú y cơ sở phải hợp đồng với 8 nhân viên thú y tại địa phương có chuyên môn, nghiệp vụ. Từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày, 2 nhân viên thú y trực thường xuyên tại cổng cơ sở để kiểm tra thú sống. Khi cơ sở bắt đầu hoạt động giết mổ thì có 4 nhân viên thú y khác trực kiểm soát giết mổ. Những ngày cao điểm, cả 8 nhân viên sẽ được huy động, thay nhau làm ca ngày và ca đêm để đảm bảo sức khỏe.
Phỏng vấn Ông Huỳnh Văn Thạnh, Cán bộTrung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn cũ
Trong khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, cấp huyện xóa bỏ, ngày 30/6/2025 được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp thì Trung tâm dịch vụ nông nghiệp vẫn phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiện có của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, ngoài ra cũng kiểm soát hoạt động giết mổ của địa phương để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh ở địa phương.
Bên cạnh các biện pháp kiểm soát tại cơ sở giết mổ, việc tiêm phòng vaccine được xem là giải pháp giúp bảo vệ đàn vật nuôi một cách chủ động. Việc phối hợp giữa kiểm soát chặt chẽ tại cơ sở giết mổ và tiêm phòng vaccine, áp dụng an toàn sinh học sẽ là chìa khóa để khống chế dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ bền vững ngành chăn nuôi.