Đập Sabo, công trình giải pháp từ Nhật Bản mở ra hy vọng bảo vệ người dân trước thiên tai lũ quét, sạt lở đất trước hiểm họa rình rập ở khu vực miền núi.
Đập Sabo: Giải pháp công trình hiệu quả trong ứng phó với lũ quét, sạt lở đất
Việt Nam – quốc gia có 70% diện tích là đồi núi. Khi mưa bão cực đoan xảy ra, cũng là lúc người dân ở các vùng cao phải đối mặt với mối hiểm họa kép: lũ quét và sạt lở đất. Trong 10 năm qua, riêng khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung, trung bình mỗi năm có tới 79 người chết và mất tích do loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm này. Lũ quét không chỉ lấy đi sinh mạng, tài sản mà còn cuốn theo cả sinh kế của biết bao cộng đồng dễ tổn thương.
Không đứng ngoài vòng xoáy thiên tai, Nhật Bản – quốc gia có đặc điểm địa hình nhiều đồi núi tương tự Việt Nam – đã tìm ra lời giải bằng một loại công trình mang tên: Đập SABO. Với hàng ngàn đập SABO được xây dựng trên toàn quốc, Nhật Bản không chỉ bảo vệ được con người mà còn giữ gìn được cơ sở hạ tầng khỏi sự tàn phá của lũ đá, bùn, gỗ trôi.
Ông SHIN ISHIKAWA
Trợ lý Thứ trưởng - Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản
Dịch: (Hiện nay ở Việt Nam mới có 1 điểm Nhật Bản hỗ trợ xây dựng đập SABO. Tuy nhiên để xây dựng cả hệ thống thì cần cả chi phí và thời gian. Tuy nhiên, để ứng phó với thiên tai thì ở Nhật Bản cũng vậy, việc xây dựng đập SABO không chỉ dừng ở thời điểm này mà sẽ còn phải xây dựng nhiều đập hơn nữa.)
Tại Việt Nam, đập SABO đầu tiên đã được xây dựng tại suối Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La – nơi từng hứng chịu nhiều trận lũ quét kinh hoàng. Được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn Nhật Bản, công trình này là loại đập hở, có các khe để dòng nước chảy qua, trong khi giữ lại những khối đá, thân gỗ – những "hung thần" thực sự của lũ dữ.
Ông NGUYỄN TRƯỜNG SƠN
Phó Cục trưởng Cục quản lý đê điều và PCTT, Bộ NN - MT
Theo khảo sát của phía Nhật Bản dự kiến phải có 12 công trình như vậy trên lưu vực suối đó. Hiện nay mới làm 1 công trình, ở góc độ Cục chúng tôi tiếp tục báo cáo Bộ đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ cho chúng ta xây dựng hoàn chỉnh trên 1 lưu vực để có thời gian kiểm nghiệm đánh giá hiệu quả, chuẩn hóa theo quy trình, quy định của Việt Nam. Từ đó báo cáo Chính phủ huy động các nguồn lực triển khai tiếp tại các khu vực khác có rủi ro tương tự. Quan trọng nhất là chuẩn hóa, đưa vào các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn và sau này các địa phương có thể triển khai thực hiện.
Đập SABO được phân loại thành đập kín và đập hở. Nếu đập kín có thể giữ toàn bộ vật liệu trôi từ thượng nguồn, làm chậm dòng lũ, thì đập hở lại có khả năng linh hoạt hơn, giữ lại vật thể lớn nhưng vẫn cho nước và bùn nhỏ chảy qua. Cả hai loại đập đều hướng đến mục tiêu chung: giảm sức phá hoại của dòng lũ, bảo vệ khu vực hạ lưu, giữ an toàn cho người dân.
Ông TRẦN XUÂN HIẾU
Công ty TNHH Nippon Steel Metal Products Việt Nam
Có rất nhiều chủ đầu tư ở các tỉnh thành cũng muốn áp dụng công trình của chúng tôi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thiết kế thì rà soát lại không có tiêu chuẩn ở Việt Nam cho các công nghệ mới, mặc dù Việt Nam có cho phép sử dụng tiêu chuẩn nước ngoài, vận dụng các định mức kỹ thuật tương tự. Tuy nhiên, trình tự thủ tục cấp phép rất lâu và phức tạp.
Hiệu quả đã được chứng minh. Công nghệ đã sẵn sàng. Nhưng để đập SABO – và nhiều giải pháp khác – thực sự lan tỏa trên khắp các vùng đồi núi Việt Nam, thì điều cần hơn cả lúc này là sự đồng hành từ chính sách, nguồn lực và chuẩn hóa kỹ thuật. Một con đập có thể giữ lại đá, gỗ và dòng nước hung dữ. Nhưng chỉ có mạng lưới các giải pháp phối hợp, từ kỹ thuật đến thể chế, mới có thể giữ được bình yên bền vững cho những vùng đất vốn đã quá quen với hiểm nguy./.