Cấm biển để giữ ngư dân, nuôi hy vọng mùa cá quay về
Thứ Sáu 18/07/2025 , 07:43 (GMT+7)
Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy giảm nghiêm trọng, khiến nhiều ngư dân chật vật mưu sinh. TP.HCM tính đến giải pháp cấm biển theo mùa sinh sản và phát triển mạnh nuôi trồng để tái tạo sinh kế bền vững.
Cấm biển để giữ ngư dân, nuôi hy vọng mùa cá quay về
Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy giảm nghiêm trọng, khiến nhiều ngư dân chật vật mưu sinh. TP.HCM tính đến giải pháp cấm biển theo mùa sinh sản và phát triển mạnh nuôi trồng để tái tạo sinh kế bền vững.
Vài năm trở lại đây, khoang tàu sau mỗi chuyến ra khơi của ông Tấn không còn nặng cá tôm như trước. Biển ngày càng thưa vắng nguồn lợi, trong khi chi phí nhiên liệu, nhân công thì không ngừng đội lên. Nhiều chủ tàu chật vật xoay xở, thu không đủ bù chi sau những chuyến vươn khơi, bám biển. Không ít người đã nghĩ đến chuyện buông lưới - điều mà suốt mấy chục năm làm nghề, họ chưa từng nghĩ tới.
Ông Nguyễn Tấn, Chủ tàu cá tại xã Long Hải, TP.HCM:Cái nguồn thu đánh bắt là nó nó cạn kiệt. Thứ hai là nhiên liệu nó tăng cao khiến môi trường đánh bắt bây giờ gần như rất khó khăn. Bà con gần như đi là hầu như là vừa vốn, với lại lỗ. Bản thân tôi đã bám biển đã trên 40 năm rồi, chưa có bao giờ mà tôi thấy nó khó khăn như giai đoạn này.
Nguồn lợi thủy sản ven bờ đang suy giảm rõ rệt, không chỉ bởi khai thác quá mức mà còn do thiếu những khoảng lặng cần thiết để thiên nhiên kịp hồi sinh. Thực tế ấy không chỉ được nhìn thấy qua số liệu từ cơ quan chức năng, mà còn được chính những ngư dân cảm nhận rõ ràng. Và cũng chính họ đề xuất một giải pháp mang tính căn cơ: tạm dừng khai thác theo mùa sinh sản của thủy sản. Nếu nhường lại không gian cho biển nghỉ ngơi, tái tạo thì vài tháng sau, khoang tàu sẽ lại có cơ hội đầy lên.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Ngư dân xã Long Hải, TP.HCM:Thường thì tháng 2-3 là vòng chu kỳ là sinh sản của thủy sản. Cho nên trong thời gian này, chúng ta vận động ngư dân ngừng sản xuất, đánh bắt, khai thác để cho hải sản nó tồn tại, nó phát triển nảy nở rồi. Đến khi tháng năm tháng 6 hải sản đã nở rồi, sinh sản rồi, phát triển rồi thì lúc đó người dân sẽ cho ra khơi đánh bắt, khai thác.
Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng suy giảm, việc chuyển hướng từ khai thác sang nuôi trồng đang được xem là lối đi phù hợp để phát triển bền vững ngành thủy sản. Định hướng này không chỉ nhằm giảm áp lực lên môi trường biển, mà còn mở ra hướng sinh kế mới cho ngư dân. Thành phố cũng đang cân nhắc triển khai nuôi biển, nuôi lồng bè tại khu vực cửa sông để "tăng nuôi trồng, giảm khai thác", từng bước đưa ngành thủy sản vào quỹ đạo phát triển xanh, ổn định và lâu dài.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM:Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu đề án phát triển nuôi biển. Chúng tôi sẽ chuyển dần từ khai thác để sang hoạt động nuôi trồng, để làm sao giảm bớt cái áp lực về cường lực khai thác thủy sản trên biển. Từ đó thì vừa tạo cái sinh kế cho bà con ngư dân nhưng đồng thời giảm cái áp lực để từ từ bảo tồn cái nguồn lợi thủy sản ở ngoài biển.
Việc tạm ngưng khai thác theo mùa sinh sản không chỉ là một giải pháp ngắn hạn, mà là bước đi chiến lược để bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Khi biển có thời gian phục hồi, nguồn cá tôm dồi dào trở lại, ngư dân sẽ có cơ hội gắn bó bền vững hơn với nghề.
Tuy nhiên, để chủ trương cấm biển phát huy hiệu quả, cần đi kèm các chính sách đồng bộ: hỗ trợ sinh kế trong thời gian nghỉ biển và phát triển nuôi biển. Đó không chỉ là cách để ngư dân không rời bỏ biển, mà còn là con đường đưa ngành thủy sản phát triển bền vững và có trách nhiệm.