* Xin cho biết cách làm và cách sử dụng nước hoa hồng?
Đặng Tuyết Sương, Ô Môn, Cần Thơ
Theo bạn Nam Hoa thì có thể tự làm nước hoa hồng bằng cách sau đây: Nguyên vật liệu làm 100ml nước hoa hồng: 125ml nước cất/nước uống đóng chai (loại nước đã được lọc và không chứa cặn lắng). 75g hoa hồng khô/150g hoa hồng tươi (các bạn nên mua hoa khô vì hoa hồng khô được bán dùng để uống trà nên an toàn hơn, hoa tươi do bảo quản nên đã bị phun khá nhiều thuốc sâu). 1 nồi thành cao (lõi nồi cơm điện). 1 đĩa vung đậy vừa nồi. 1 đĩa nhỏ. 1 giá hấp. 1 bát sứ. 5-6 khay đá lạnh.
Lưu ý: Khử trùng toàn bộ dụng cụ trước khi làm bằng cách lấy bông tẩm cồn 90 độ lau sạch.
Cách làm:
Bước 1: Đổ hoa hồng khô vào nồi và sau đó là nước cất.
Bước 2: Cho 1 chiếc đĩa nhỏ vào giữa nồi, tiếp đến là hấp.
Bước 3: Sau khi đun được khoảng 45 giây -1 phút, bắt đầu cho đá lên đĩa. Đá tan hết chúng ta lấy khăn thấm nước và thay lượt đá mới. Tiếp tục như vậy trong khoảng 30 phút thì tắt bếp.
Nước hoa hồng sẽ không có màu. Có thể giữ nước hoa hồng trong lọ thủy tinh có nắp và bảo quản trong tủ lạnh (hạn sử dụng trong vòng 2 tuần nhé!). Mỗi lần dùng có thể dùng miếng bông nhỏ tẩm nước hoa hồng và thoa đều lên mặt.
Mỗi khi dùng có thể xịt trực tiếp lên da, vừa tiện lại vừa thích! Lại có thể mang đi di chuyển được. Một cách nữa để bảo quản nước hoa hồng đó là đổ nước hoa hồng vào khay đá viên, mỗi lần dùng các bạn lấy 1 viên thoa đều lên da. Nước đá lạnh làm tăng hiệu quả se khít lỗ chân lông và săn chắc da. Và nhớ vỗ nhẹ để da có thể thẩm thấu tốt hơn.
* Ngày xưa chưa có chữ quốc ngữ, con người phát âm thế nào, giao tiếp ra sao?
Nguyễn Quang Thanh, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Chữ viết ra đời rất muộn màng so với tiếng nói của một dân tộc. Con người đã truyền thông với nhau bằng tiếng nói từ khi họ kết tập với nhau thành những tập đoàn chung sống. Nhưng chỉ là từ khi một thứ tiếng nói đã được sử dụng thật thuần thục, sản sinh ra nhu cầu ghi lại những ý tưởng lời nói của mình, khi ấy chữ viết mới thật sự ra đời.
Lịch sử chữ viết đã trải qua bao phen biến đổi, từ hình thức thắt nút dây như đã được ghi nhận trong một câu ở Kinh Dịch: “Thượng cổ kết thằng nhi trị…” đến xâu chuỗi vỏ sò có màu sắc khác nhau như người da đỏ Iroquois, đều là những hình thức kí hiệu để ghi lại ý tưởng người xưa muốn truyền đạt cho nhau, hoặc đơn giản là để ghi dấu lại cho nhớ.
Hệ thống chữ viết của người Việt nay đã qua nhiều phen thay đổi do những đẩy đưa của lịch sử. Khi bị Hán tộc thống trị hơn nghìn năm, người Việt đã trải qua một cuộc giao lưu văn hoá lớn, mà một trong số những thành tựu văn hoá mới chính là bộ chữ viết mới được hình thành: Chữ nôm.
Chữ nôm là một thể hiện ý chí sống còn của tinh thần dân tộc về mặt ngôn ngữ văn tự; dùng chính những nét viết của chữ Hán rồi cải biên đi để ghi lại tiếng nói của dân tộc. Hiện đã lưu hành rộng rãi các cuốn Từ điển chữ Nôm và qua đó thấy cha ông ta xưa kia đã rất tài tình khi sáng tạo ra thứ chữ đặc sắc này.
Nhờ có chữ nôm mà chúng ta mới ghi lại được "Truyện Kiều" và biết bao áng văn chương, tư liệu lịch sử khác. Đến khi người Pháp sang xâm chiếm nước ta, việc làm đầu tiên của nhà nước thuộc địa là huỷ bỏ vị thế của hệ thống giáo dục bằng chữ Hán, để thay thế bằng "chữ quốc ngữ", một hệ thống chữ viết mượn của bộ chữ cái tiếng Latin.
"Chữ quốc ngữ" cũng như "chữ nôm" trước đó, chỉ là những hệ thống chữ viết vay mượn để làm thành công cụ văn hoá dân tộc. Dù là mượn nét viết của chữ Hán hay của bộ chữ cái Latin, các hệ thống chữ viết của ta đều có một điểm giống nhau là: Chữ Nôm hay Chữ quốc ngữ đều là hệ thống chữ viết ghi âm, tức là dạng chữ viết ở mức phát triển cao nhất trong lịch sử chữ viết loài người.