| Hotline: 0983.970.780

Xử lý rác thải sinh hoạt – bế tắc ở Vĩnh Phúc

[Bài 3] Nhà máy hiện đại vẫn 'đói rác'...

Chủ Nhật 11/05/2025 , 21:43 (GMT+7)

Giấc mơ xanh, doanh nghiệp chưa kịp chuyển thành hiện thực thì nay đã chuyển màu úa, vỡ mộng không chỉ vì rác khó xử lý, mà thủ tục hành chính cũng khó xin.

" Trói chân" doanh nghiệp bằng thủ tục hành chính 

Trong khi rác thải vẫn vô tư được tập kết trên đồng ruộng, các bãi chôn lấp nơi mà không cần công nghệ xử lý thì một nhà máy được đầu tư hàng chục tỉ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa lại đang “đói rác”, nguyên nhân chính là tỉnh Vĩnh Phúc chưa cấp phép hoạt động.

Khu nhà máy xử lý rác thải hiện đại của Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường nằm lặng lẽ bên rìa thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, như một vị khách sang trọng đến sớm trong bữa tiệc chưa ai mời. Cổng nhà máy khang trang, dây chuyền nhập khẩu bóng loáng, bảng hiệu chưa có tên nhưng còn thơm mùi sơn mới.

Nhà máy xử lý rác được đầu tư hàng chục tỉ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp phép họat động. Ảnh: Hùng Khang.

Nhà máy xử lý rác được đầu tư hàng chục tỉ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cấp phép họat động. Ảnh: Hùng Khang.

Công nhân được tuyển về rồi chuyển sang đi trông vườn, chuyên gia, kỹ sư ngồi gác trạm cân chờ một xe rác ghé qua cho đỡ quạnh hiu. Cả khu nhà máy giờ giống như một bảo tàng công nghệ môi trường - nơi trưng bày giấc mơ xanh bị kẹt trong thủ tục giấy tờ.

Ông Lê Ngọc Hữu, Quản lý Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường tiếp chúng tôi bằng một nụ cười gượng. “Mời các anh vào tham quan dây chuyền hiện đại nhất khu vực”, ông nói, giọng vừa tự hào vừa buồn bã.

Cánh cửa nhà máy mở ra, trước mắt chúng tôi là một tổ hợp thiết bị hoành tráng, dây chuyền xử lý rác đạt quy chuẩn VN 2016, sơn vẫn còn mới tinh, nhưng phủ một lớp bụi thời gian dày đến nỗi có thể viết được chữ.

Ông Lê Ngọc Hữu, Quản lý Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường bức xúc vì các thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Lê Ngọc Hữu, Quản lý Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường bức xúc vì các thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Ảnh: Hùng Khang.

Ông Hữu chỉ vào từng khu vực với ánh mắt đầy tâm trạng: “Đây là máy nghiền, kia là băng chuyền phân loại, còn chỗ kia là hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn VN 2016”. Mỗi lần giới thiệu một thiết bị, ông lại thêm một câu thở dài: “Mới chạy thử một vài lần rồi nghỉ luôn”. Cả khu nhà máy vắng lặng, không có tiếng máy, không có rác chỉ có tiếng bước chân chúng tôi vang vọng trong không gian trống trải.

Đưa tay gõ nhẹ vào bảng điều khiển như thể muốn đánh thức nó dậy. Ông Hữu đứng khự lại và nhìn về phía dây chuyền xử lý rác đang tạm “nghỉ ngơi”, ông buông lời vào hư vô: “Lòng kiên nhẫn của chúng tôi có thừa, thủ tục pháp lý đủ cả, chúng tôi chỉ thiếu một thứ duy nhất chính là giấy phép vận hành”.

Nhìn ông Hữu đứng giữa những dàn máy bạc màu vì chờ đợi, chúng tôi có cảm giác như đang đi thăm một bảo tàng của sự lãng phí, của công nghệ bị trói chân bởi thủ tục hành chính và của những giấc mơ môi trường sạch vẫn còn nằm im trên giấy mà thấy chạnh lòng.

Nhà máy rác thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên được hoàn thành từ 2023, nhưng đến này vẫn chưa được đặt tên. Ảnh: Hùng Khang.

Nhà máy rác thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên được hoàn thành từ 2023, nhưng đến này vẫn chưa được đặt tên. Ảnh: Hùng Khang.

“Sau khi hoàn thiện vào cuối năm 2023, doanh nghiệp chúng tôi phải tự bươn chải, và thấy rằng chưa thể đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân, chúng tôi rất buồn, doanh nghiệp mong mỏi nhất là được tỉnh hướng dẫn để hoàn thiện nốt thủ tục”, ông Hữu miệng nói tay nhẹ nhàng khép cửa, tiếng cánh cửa vang lên như một tiếng thở dài bằng thép, nặng nề và dứt khoát.

Doanh nghiệp họ đâu có ngại khó, họ chủ động làm, chủ động bỏ vốn để đầu tư với mong muốn được làm, được xử lý rác, để làm xanh môi trường… ấy vậy mà bao nhiêu năm xây dựng xong, thứ họ mong đợi nhất lại đang nằm trong tay của nhà quản lý, đó là giấy phép hoạt động. Liệu rằng cái “kết đắng” sẽ ập đến với nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt?

Hệ thống xử lý khói thải được cho là tiên tiến nhất tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chỉ là khối sắt vụn. Ảnh: Hùng Khang.

Hệ thống xử lý khói thải được cho là tiên tiến nhất tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chỉ là khối sắt vụn. Ảnh: Hùng Khang.

Theo Luât sư Diệp Năng Bình,Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong việc giải quyết tình trạng tồn đọng rác là sự thiếu phối hợp giữa các bên liên quan. Theo quy định tại Điều 77, Luật Bảo vệ môi trường 2020, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi bên thường chỉ quan tâm đến phần trách nhiệm của mình mà thiếu sự phối hợp đồng bộ.

Sự hoài nghi và lời giải "trên trời"

Đến giờ người dân tại thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên vẫn không quên cảm giác háo hức đếm ngược từng ngày khi hay tin sắp có nhà máy rác hiện đại nhất khu vực được khởi công, nơi rác sẽ được "nuốt" gọn, "thở" ra oxy sạch, như trong phim khoa học viễn tưởng. Ai cũng tưởng tượng viễn cảnh không còn phải bịt mũi mỗi lần đi qua bãi rác, trẻ con được đá bóng trên đường làng thơm mùi nắng thay vì mùi hôi.

Con đường ngập trong biển rác tại đường vào nhà máy xử lý rác thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Ảnh: Hùng Khang.

Con đường ngập trong biển rác tại đường vào nhà máy xử lý rác thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương. Ảnh: Hùng Khang.

Thế nhưng rồi năm này qua năm khác, nhà máy rác vẫn nằm im lìm như một bức tượng bê tông đắt tiền giữa cánh đồng, chỉ hoạt động đúng một bộ phận cổng chính. Rác thì vẫn đầy ra đó, chỉ có hy vọng của dân là dần chuyển từ phân loại rác thành phân loại cảm xúc, từ háo hức, sang hoang mang, rồi thành quen thuộc như mùi rác sau mưa.

Người ta bảo “nhà máy đang chờ hoàn thiện thủ tục, mà không rõ thủ tục đó là xử lý rác hay xử lý sự kiên nhẫn của người dân chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Yến không giấu nổi sự trông chờ khi nhắc đến nhà máy xử lý rác. “Có lẽ, đến khi nhà máy hoạt động thật, người ta sẽ đưa nó vào bảo tàng như một kỳ tích chờ đợi của thế kỷ”, vừa dứt lời bà Yến tiến thẳng vào nhà như không muốn bàn luận về tương lai của nhà máy xử lý rác.

Bà Trần Thị Cảnh, người dân tại thị trấn Đạo Đức mong ngóng nhà máy đi vào hoạt động. Ảnh: Hùng Khang.

Bà Trần Thị Cảnh, người dân tại thị trấn Đạo Đức mong ngóng nhà máy đi vào hoạt động. Ảnh: Hùng Khang.

Với người dân, nhà máy không chỉ là công trình xử lý rác, mà còn là lời hứa về một cuộc sống sạch sẽ, văn minh hơn trong các buổi họp lấy ý kiến về chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn.

"Dựng lên nhà máy cả 3 năm rồi, mà đến giờ vẫn chưa được vận hành chính thức. Dân thì cứ ngóng, mong nó hoạt động sớm ngày nào hay ngày đó", bà Trần Thị Cảnh chia sẻ với giọng pha chút sốt ruột.

"Chúng tôi đã tin, đã chờ. Nhưng bây giờ thì không biết phải tin vào điều gì nữa, chúng tôi bị bỏ rơi trong cuộc chiến với rác thải và bệnh tật", bà Cảnh ngồi trước hiên nhà, mắt nhìn về phía nhà máy xử lý rác vẫn đang im lìm, giọng trầm buồn.

Cần sớm loại bỏ nhưng lò đốt rác công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hùng Khang.

Cần sớm loại bỏ nhưng lò đốt rác công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hùng Khang.

Sự chậm trễ kéo dài mà không một lời giải thích rõ ràng khiến sự kỳ vọng dần biến thành nghi ngờ, rồi thất vọng. Người dân bắt đầu đặt câu hỏi rằng: “Liệu chính quyền địa phương tỉnh Vĩnh Phúc có thực sự quyết tâm giải quyết ô nhiễm, hay chỉ nói cho qua chuyện”. Những lời hứa ngày càng trở nên sáo rỗng khi rác vẫn ùn ứ nơi ruộng đồng, khói bụi và mùi hôi của rác vẫn ám ảnh từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân.

Những cuộc họp hành long trọng, những buổi báo cáo thành tích trịnh trọng, những bảng hiệu treo đầy khẩu hiệu “Môi trường hôm nay - cuộc sống ngày mai” vẫn diễn ra đều đặn. Rác thì ngày một nhiều, mùi hôi ngày một nồng, nhưng đề án xử lý rác thải vẫn được cất gọn trong ngăn bàn của ai đó.

Công trình nhà máy xử lý rác thải được xây dựng xong nhưng lại 'đắp chiếu'. Ảnh: Hùng Khang.

Công trình nhà máy xử lý rác thải được xây dựng xong nhưng lại 'đắp chiếu'. Ảnh: Hùng Khang.

Người dân gọi đùa nhà máy xử lý rác là “bảo tàng rác” nơi mọi thứ đều hoàn hảo nếu chỉ nhìn từ bản vẽ phối cảnh. Còn thực tế! Cổng đóng, máy im, bên ngoài thì rác vẫn chất đống như thể thi đua với thời gian.

Thứ mà người dân cần là một nhà máy vận hành thực sự  thì vẫn còn đang “chờ chấp thuận, rà soát, điều chỉnh”. Dường như với nhiều người, ô nhiễm chỉ là con số trong báo cáo, chứ không phải là thứ len lỏi vào bữa cơm, giấc ngủ, sức khỏe và kế sinh nhai của người dân.

Ai sai? Chưa rõ! Ai chịu trách nhiệm? Còn chờ xác minh! Nhưng ai phát biểu? Rất nhiều. Các cụm từ như "quyết liệt", "nỗ lực", "chuyển biến tích cực" vẫn vang đều đều trong các cuộc tiếp xúc cử tri, trong khi người dân thì phải “nỗ lực tự bịt mũi” mỗi ngày, cố đợi, cố hy vọng mặc dù chỉ còn một chút niềm tin nhỏ nhoi.

Có lẽ, điều mà UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực sự cần lúc này không phải là thêm một buổi họp "chỉ đạo rút kinh nghiệm", hay những lời hứa sẽ chỉ đạo quyết liệt, xử lý triệt để, mà người dân cần ở đây là chính quyền cần dám nhìn thẳng vào thực tế rằng: “Rác không tự phân hủy vì những lời hứa và người dân cũng không thể sống khỏe chỉ bằng khẩu hiệu”. Hãy cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt một câu trả lời! Hãy cho rác một lối thoát và biến rác thải sinh hoạt thực sự thành tài nguyên cho quốc gia.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Hàng loạt nhà thuốc đóng cửa bất thường: Thuốc thiếu hóa đơn, cửa hàng không phép!

HẢI DƯƠNG Các quầy thuốc, nhà thuốc đóng cửa, phải dỡ cả biển là nhà thuốc '3 không': Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép đăng ký kinh doanh và đạt chuẩn GPP do Sở Y tế cấp.

Vi phạm tại Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Bình

Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi Ninh Bình để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý các hồ chứa...

Bộ Công an công bố đường dây nóng tố giác tội phạm về môi trường

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) - Bộ Công an vừa công bố đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm về môi trường.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.