Khổ vì bụi, vì tiếng máy suốt đêm
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và môi trường, ông bà L.T.T, nhà ở đối diện với nhà máy sửa chữa, đóng tàu An Phát (xã Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương) cho biết: hàng ngày, do sinh sống đối diện với nhà máy, nên gia đình ông thường xuyên phải căng tấm bạt trước cổng để chắn bụi. Xe tải hạng nặng, xe chở vật liệu cứ tập nập vào ra nhà máy cũng bụi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình nhà ông. Ông T bức xúc cho biết: trước, bà con ở đây cũng có ý kiến, thì họ thôi không phun cát vào sườn tàu ban ngày nữa. Nhưng họ lại phun vào ban đêm. Cứ từ 9g tối chở đi là công nhân nhà máy vào ca. Họ dùng máy áp lực lớn, phun cát xối xả vào các vị trí cần sơn trên thân tàu để kịp giao đơn cho khách. Về đêm, mắt thường khó nhìn thấy bụi, nhưng cũng rất độc hại. Chính vì lẽ đó, mà người dân địa phương về đêm, cứ phải đóng kín chặt cửa vào. Không ai dám ló mặt ra.

Hàng chục con tàu được đóng mới, sửa chữa tại đây. Ảnh: Đức Hải.
Chị Nguyễn Thị Nga, một người dân sinh sống ở xã Ngũ Phúc cho biết: cứ sáng, nhìn cái lá cây trong vườn cũng đủ hiểu nó bụi, nó ô nhiễm như thế nào. Nhưng bà con ở đây chẳng biết kêu ai. Lúc trước, chủ cũ là phía công ty Hữu Văn họ làm, thì quy mô nhỏ thôi. Cũng chủ yếu là sửa chữa, sơn đánh vỏ tàu, các loại tàu vài trăm tấn. Nhưng từ ngày thấy treo biển công ty An Phát lên, thì tàu to loại cả nghìn tấn về đây rất nhiều. Họ chủ yếu là sơn lại thân vỏ tàu, đại tu trong tàu. Họ làm suốt ngày, đời sống bị ảnh hưởng.
Quan sát tại nhà máy, PV thấy công nhân của nhà máy có đến cả trăm người thợ. Người thì làm hàn, người khuôn vác sắt thép, người pha sơn, cạo gỉ… Phóng viên tiếp tục đi thuyền từ hướng huyện Thanh Hà sang, thấy gần chục chiếc tàu đang neo đậu và để trên triền đà. Cái sơn sửa, cái đóng mới, rất tất bật. Để có bãi xưởng chắc chắn, chủ đầu tư nhà máy đã đổ khá nhiều đất và gia cố bãi ven sông khá chắc chắn. Có đoạn lấn cả ra dòng, gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy và dòng chảy.

Các công nhân đang hối hả lao động cho kịp tiến độ giao tàu. Ảnh: Đức Hải.
Chính quyền 'không nắm' được hồ sơ dự án?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc cho biết: trên địa bàn xã có nhà máy có hoạt động sửa chữa, đóng tàu nhưng xã cũng không nắm được các hoạt động của nhà máy. Cũng không có hồ sơ, giấy tờ gì về dự án cả. Nên chưa thể cung cấp được hồ sơ về ĐTM của nhà máy. Ông Dũng cũng không nắm được những khó khăn, vất vả mà bà con nhân dân sinh sống cạnh nhà máy hứng chịu.

Trụ sở UBND huyện Kim Thành. Ảnh: ĐH.
Sau đó, Phóng viên tiếp tục liên hệ với UBND huyện Kim Thành. Sau nhiều lần “khất hẹn”, đồng chí Chánh văn phòng UBND huyện Kim Thành giới thiệu Phóng viên xuống Phòng Nông nghiệp và Môi trường làm việc.
Tại buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Việt Hà, Phó phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kim Thành. Phóng viên đề nghị bà Hà cũng cấp một số thông tin như: Tính pháp lý của dự án như Nhà máy đóng tàu An Phát, của Công ty TNHH Đóng Tàu An Phát, tọa lạc tại thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thời gian qua thường xuyên gây gồn ào và bụi, do trong quá trình đánh vỏ và sơn vỏ, sửa chữa… gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vậy dự án này có được cấp ĐTM hay chưa? Được chấp thuận chưa? Việc cả một bãi xưởng lấn ra dòng sông có được cấp nào cấp phép không? Hồ sơ thuê đất, công tác xử lý rác thải, dầu mỡ…(?)
Bà Hà cho biết: Trước đây là của công ty Huy Văn, sau đó doanh nghiệp Huy Văn có chuyển nhượng sang cho chủ mới là Cty An Phát. Nên trong quá trình chuyển đổi này, không hiểu vướng mắc gì, nên đến giờ vẫn chưa thấy có ĐTM. Khi hỏi đến các hồ sơ pháp lý khác thì bà Hà lại giới thiệu phóng viên đi liên hệ với… chủ nhà máy. Được biết, Nhà máy đóng tàu An Phát đang hoạt động với quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Việc không có ĐTM hay các hồ sơ pháp lý rõ ràng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, quản lý môi trường và cấp phép dự án. Đặc biệt, người dân xã Ngũ Phúc không thể mãi sống trong lo âu, bụi bặm và ô nhiễm chỉ vì một nhà máy đóng tàu không minh bạch hồ sơ pháp lý. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và xử lý nếu phát hiện vi phạm.