Công cụ mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường. Truyền thông không chỉ là cầu nối thông tin mà còn là công cụ mạnh mẽ để thay đổi hành vi và tạo dựng một tương lai bền vững.

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng. Ảnh: CECR.
Truyền thông có khả năng tiếp cận rộng rãi đến cộng đồng, giúp lan tỏa thông tin và huy động sự tham gia của nhiều người vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, truyền thông về môi trường là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức khoa học, công nghệ và luật pháp. Luật Bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ các hoạt động truyền thông, giúp thông điệp được truyền tải một cách chính xác và hiệu quả.
Thiên nhiên không thể tự lên tiếng; do đó, truyền thông đóng vai trò chuyển tải những "tiếng nói" thầm lặng này thành những thông điệp rõ ràng, dễ hiểu, giúp con người nhận thức được những vấn đề môi trường đang diễn ra. Nền tảng để giải quyết các vấn đề môi trường chủ yếu dựa vào công nghệ và khoa học. Vì vậy, nếu truyền thông có thể tích hợp yếu tố này và truyền tải hiệu quả đến từng tầng lớp trong cộng đồng, nó sẽ trở thành một công cụ vô cùng mạnh mẽ, tác động đến từng con người.
Truyền thông xanh trong kỷ nguyên số
Trong thời đại số hiện nay, truyền thông đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ hiệu quả cho việc truyền tải thông điệp môi trường. Tuy nhiên, tình trạng thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng cũng là một thách thức lớn. Do đó, người làm truyền thông cần đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin, đồng thời cập nhật và áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả công việc.

Bài của TS Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, trên Báo Nông nghiệp và Môi trường số ra đầu tiên.
Để thay đổi nhận thức của người dân về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường trong thời đại số, cần có những chiến dịch truyền thông chuyên sâu, cung cấp thông tin khoa học rõ ràng và dễ hiểu. Những chiến dịch mang tính hô hào khẩu hiệu có thể thu hút sự chú ý ban đầu nhưng khó duy trì sự quan tâm lâu dài. Trong khi đó, các bài viết, ấn phẩm chuyên sâu giúp cộng đồng hiểu rõ vấn đề trên phương diện khoa học, từ đó thúc đẩy hành động cụ thể.
Các nhà báo, nhất là những người làm trong lĩnh vực môi trường, chính là cầu nối giữa khoa học và công chúng. Họ không chỉ đưa tin mà còn có trách nhiệm giải mã thông tin khoa học phức tạp, chuyển hóa thành những bài viết dễ hiểu, dễ tiếp cận mà vẫn đảm bảo tính chính xác. Thay vì chỉ dừng ở mức độ phản ánh hiện tượng, nhà báo chuyên sâu cần đặt vấn đề trong bối cảnh hệ thống, khai thác nguyên nhân, hệ quả và đề xuất giải pháp, từ đó nâng cao khả năng hình thành tư duy phản biện và ý thức hành động trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, các nhà báo còn góp phần minh bạch hóa thông tin và thúc đẩy thực thi pháp luật. Đây là một mặt trận không kém phần gian nan, bởi nó đòi hỏi sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và kiến thức pháp lý vững vàng.
Một điểm quan trọng nữa là các nhà báo môi trường cần không ngừng cập nhật các xu hướng truyền thông mới như báo chí đa phương tiện, sử dụng dữ liệu mở (open data), kể chuyện bằng hình ảnh, video, infographics, hoặc khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao sức lan tỏa và hiệu quả tiếp cận. Việc tích hợp công nghệ hiện đại không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu nhà báo không muốn trở nên lỗi thời.
Trong kỷ nguyên truyền thông số, khi tin giả, tin lệch lạc dễ dàng lan truyền, vai trò của nhà báo còn là người kiểm định sự thật, xây dựng lòng tin nơi công chúng. Những nhà báo có tâm và có tầm sẽ là trụ cột quan trọng trong công cuộc nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi và thúc đẩy thay đổi xã hội - đặc biệt là trong những vấn đề dài hạn và phức tạp như biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững.
Những người viết nên tương lai xanh
Điều tôi kỳ vọng lớn nhất vào thế hệ các nhà báo trẻ hôm nay, đó là tinh thần trách nhiệm, sự tỉnh táo và khát vọng tạo ra thay đổi tích cực thông qua truyền thông.
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà truyền thông không còn chỉ là “đưa tin” đơn thuần. Nó là công cụ chiến lược để định hướng dư luận, thúc đẩy hành động và tạo ra những chuyển biến xã hội thực sự. Mỗi một bài viết, mỗi một phóng sự, mỗi một chiến dịch truyền thông nếu được làm bài bản và có tâm, đều có thể trở thành chất xúc tác để cộng đồng nhận ra điều đúng-sai, lợi-hại, và từ đó thay đổi hành vi theo hướng có trách nhiệm hơn với môi trường.
Tôi mong các bạn trẻ, những người đang bước vào nghề báo, hãy không ngừng học hỏi, tìm tòi kiến thức khoa học về môi trường - một lĩnh vực đang biến đổi không ngừng, vừa phức tạp lại vừa cấp bách. Các bạn không thể chỉ đưa tin theo trào lưu, mà cần có tư duy phản biện, kỹ năng phân tích sâu sắc, đồng thời hiểu biết luật pháp để thông tin đưa ra có căn cứ, có tính định hướng rõ ràng.

Thiên nhiên không thể tự lên tiếng, truyền thông chính là tiếng nói của môi trường, còn nhà báo chính là người truyền đi tiếng nói ấy. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng.
Tôi cũng rất mong thế hệ nhà báo trẻ sẽ biết khai thác và tận dụng sức mạnh của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, nhưng không để bị phụ thuộc hoặc đánh mất bản lĩnh nghề nghiệp. Kỹ năng làm chủ công cụ số là quan trọng, nhưng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở cái tâm và cái tầm của người viết, ở khả năng nhìn sâu vào vấn đề, kể lại bằng một giọng văn giàu nhân văn, chính xác, và chạm đến trái tim con người.
Đặc biệt, tôi kỳ vọng các bạn trẻ không sợ sự thật, không tránh né những vấn đề gai góc, sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ những điều đúng đắn: từ một dòng sông bị đầu độc đến một cánh rừng đang bị xâm hại, từ một làng nghề ô nhiễm đến một chính sách chưa hợp lý. Nhà báo trẻ hôm nay, nếu biết dấn thân và hành động, sẽ là lực lượng tiên phong trong công cuộc lan tỏa nhận thức, xây dựng một thế hệ công dân môi trường có hiểu biết và trách nhiệm.
Cuối cùng, tôi mong các bạn đừng bao giờ quên rằng: thiên nhiên không thể tự lên tiếng, truyền thông chính là tiếng nói của môi trường, còn nhà báo chính là người truyền đi tiếng nói ấy bằng sự hiểu biết, bằng tình yêu với con người và bằng khát vọng bảo vệ Trái đất cho các thế hệ mai sau.