Đó là ghi nhận của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo tại Lễ tổng kết xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh Bình Định, vào chiều 16/5.
Tham dự buổi lễ, có ông Nguyễn Trọng Nghĩa -Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát; ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: V.Đ.T.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dù chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được Thủ tướng Chính phủ phát động và đẩy mạnh trên phạm vi toàn quốc vào năm 2024, nhưng Bình Định đã chủ động triển khai từ năm 2020. Cao điểm là từ năm 2023, mỗi năm, tỉnh dành khoảng 50 tỷ đồng thực hiện chương trình này.
Từ năm 2020 đến nay, Bình Định đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 9.888 hộ dân; trong đó, xây dựng nhà mới cho 7.048 hộ, sửa chữa nhà cho 2.840 hộ. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 547 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia 22 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 321 tỷ đồng; nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội 54,7 tỷ đồng; nguồn huy động xã hội hóa 150 tỷ đồng.
Tại Lễ tổng kết xóa nhà tạm, nhà dột nát, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã biểu dương những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của một số địa phương, đơn vị.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại lễ tổng kết. Ảnh: V.Đ.T.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát ghi nhận: Bình Định là tỉnh đã làm tốt công tác chăm lo cho người có công, đối tượng chính sách, người nghèo… với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy hộ nghèo ở Bình Định giảm nhanh. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Cũng theo ông Dung, đến giờ này, toàn quốc có 17 tỉnh công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, có 11 tỉnh hoàn thành cả 3 nội dung: Chương trình mục tiêu quốc gia, hộ chính sách và nhà tạm và dột nát.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo kết quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại lễ tổng kết. Ảnh: V.Đ.T.
“Đối với Bình Định, chỉ sau hơn 3 tháng mà Bình Định đã xóa được 4.411 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, có hơn 2.000 căn nhà thuộc diện hộ chính sách. Trong thời gian hơn 3 tháng mà Bình Định đã xây mới và sửa chữa 4.411 căn nhà; như vậy, mỗi ngày Bình Định xóa được 32 nhà tạm, nhà dột nát. Trong khi hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương xóa nhà tạm, nhà dột nát đốc thúc các địa phương, kể cả những địa phương có điều kiện cố gắng xóa mỗi ngày 26 nhà tạm, nhà dột nát”, ông Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Ông Dung mong muốn Bình Định tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn các đối tượng chính sách; tiếp tục rà soát toàn bộ các đối tượng theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không còn ai phải còn ở trong những căn nhà không kiên cố, không đảm bảo an toàn.
Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cam kết: “Trong thời gian tới, Bình Định tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân. Sau lễ tổng kết này, chúng tôi sẽ họp ngay để triển khai hỗ trợ cho những đối tượng còn lại như những người nhiễm chất độc màu da cam, những đối tượng già neo đơn không có điều kiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở”.