| Hotline: 0983.970.780

Xóa nhà tạm, nhà dột nát: Cách làm hay từ Bình Định

Thứ Sáu 16/05/2025 , 18:53 (GMT+7)

Trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, ở Bình Định đã xuất hiện những cách làm hay, được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng địa phương…

Vượt tiến độ

Trong những năm qua, việc triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ trên địa bàn luôn được tỉnh Bình Định quan tâm thực hiện gắn với phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Giai đoạn 2020-2025, trên địa bàn Bình Định có 9.888 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà; trong đó, xây dựng mới 7.048 nhà, sửa chữa 2.840 nhà với kinh phí thực hiện hơn 547 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương từ các chương trình mục tiêu quốc gia là gần 22 tỷ đồng; kinh phí từ ngân sách tỉnh hơn 321 tỷ đồng; kinh phí tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội gần 55 tỷ đồng; nguồn huy động (từ Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp) hơn 149 tỷ đồng.

Ngoài ngân sách tỉnh, huyện Tuy Phước còn hỗ trợ thêm cho một số hộ khó khăn mức hỗ trợ 30 triệu đồng cho nhà xây mới và 15 triệu đồng cho nhà sửa chữa. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ngân sách tỉnh, huyện Tuy Phước còn hỗ trợ thêm cho một số hộ khó khăn mức hỗ trợ 30 triệu đồng cho nhà xây mới và 15 triệu đồng cho nhà sửa chữa. Ảnh: V.Đ.T.

Trước khi Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, Bình Định đã hỗ trợ được cho 5.477 hộ xây mới và sửa chữa nhà (xây mới nhà cho 4.517 hộ; sửa chữa nhà cho 960 hộ). Trong đó, có  3.655 hộ nghèo, 1.822 hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện gần 240 tỷ đồng.

Sau khi Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, trên địa bàn Bình Định còn 4.411 hộ có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà; trong đó, có 2.531 nhà xây mới và 1.880 nhà sửa chữa.

Tính đến tháng 5/2025, Bình Định đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà cho 4.411 hộ dân, trong đó, xây mới 2.531 nhà; sửa chữa 1.880 nhà với kinh phí hơn 307 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch đề ra, vượt tiến độ 7 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những cách làm hay

Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo và cách làm hiệu quả. Các mô hình hay này được áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc chung tay thực hiện.

Các cấp từ huyện đến xã, thôn, tổ dân phố đều có kế hoạch triển khai theo phân kỳ tuần, tháng, đồng thời, phân công các thành viên ban chỉ đạo, lực lượng vũ trang và các hội đoàn thể theo dõi, nắm bắt thông tin từ từng hộ gia đình để đôn đốc thực hiện.

Tỉnh còn điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan cho phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có việc điều chỉnh mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng thụ hưởng, bao gồm cả các hộ mới thoát nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Tổ chức lễ phát động đồng loạt lễ khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tạo động lực, truyền cảm hứng cho cán bộ, công chức, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong triển khai chương trình.

“Ngoài ra, các địa phương còn chủ động giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến đất đai, ví như thiếu đất ở, thiếu giấy tờ hợp pháp, đất ở cho người thân nhưng chưa có quyền sử dụng hay đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng”, ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho hay.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) bàn giao nhà ở cho hộ bà Nguyễn Thị Á ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức. Ảnh: V.Đ.T.

Huyện Hoài Ân (Bình Định) bàn giao nhà ở cho hộ bà Nguyễn Thị Á ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài ra, Bình Định còn đẩy mạnh tinh thần “ai có gì giúp nấy” sâu rộng trong xã hội để đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ. Ngoài ngân sách Trung ương và tỉnh, tỉnh Bình Định còn ban hành chính sách cho vay ưu đãi và hỗ trợ tạm kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai chương trình.

Bình Định đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, thường xuyên theo dõi và cập nhật tiến độ, chủ động giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện ngay từ cơ sở.

Những cách làm hay được ghi nhận như: Thị xã Hoài Nhơn đã phân công chi bộ thôn, khu phố theo dõi tiến độ triển khai và huy động kinh phí hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng ngoài chương trình, địa phương này cũng có nhiều sáng kiến giải quyết các vướng mắc về đất đai.

Các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh đã tích cực vận động các hộ đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng mô hình nhà mẫu, phù hợp với văn hóa và phong tục của dân tộc nhưng vẫn đảm bảo sự kiên cố và đầy đủ các công trình vệ sinh. Ngoài ngân sách tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng cho nhà xây mới và 30 triệu đồng cho nhà sửa chữa, huyện Tuy Phước còn hỗ trợ thêm cho một số hộ không có khả năng lao động với mức hỗ trợ 30 triệu đồng cho nhà xây mới và 15 triệu đồng cho nhà sửa chữa.

“Những cách làm kể trên đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Bình Định”, ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định.

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.

Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân

Đọc loạt bài 'Nỗi đau của đất' trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất là do pháp luật còn khoảng trống.