
Liên minh Nghiên cứu Đậu châu Phi được thành lập để phát hiện các đặc tính của đậu. Ảnh: CIAT.
Liên minh Nghiên cứu Đậu châu Phi (Pan-Africa Bean Research Alliance - PABRA) là tổ chức khoa học về phát triển giống đậu. Liên minh có sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, thu nhập và sức khỏe cho người châu Phi, cũng như cải thiện môi trường trồng trọt. PABRA có hơn 650 đối tác tại 31 quốc gia, góp phần tăng trưởng kinh tế toàn vùng và nâng cao giá trị hạt đậu châu Phi.
Tháng 9/2023, tại Tanzania, trong khuôn khổ Diễn đàn Hệ thống Thực phẩm châu Phi, PABRA đã nhận Giải thưởng Thực phẩm châu Phi. Đây là giải thưởng danh giá, ghi nhận sự tiên phong của Liên minh trong phát triển đa dạng giống đậu, cải thiện năng suất, lợi nhuận của nông hộ nhỏ. Những đổi mới này giúp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch ngày càng tăng.
Liên minh Nghiên cứu Đậu châu Phi tập trung khai thác tiềm năng của các giống đậu - nguồn protein và vi chất dinh dưỡng quan trọng. PABRA nỗ lực không ngừng để nhân giống, phát hiện giống mới, đưa những thành quả này đến tận tay người nông dân và giúp họ trồng trọt, sản xuất. Qua đó, Liên minh tác động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt những người nghèo, suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực.

PABRA tác động tích cực tới cộng đồng, đặc biệt những người nghèo, suy dinh dưỡng, mất an ninh lương thực. Ảnh: CIAT.
Giá trị của hạt đậu ở châu Phi cũng giống hạt gạo ở châu Á, nhỏ bé mà có ý nghĩa lớn lao. Một số giống đậu có hàm lượng sắt cao; số khác có khả năng chống chịu hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh hại. Một số khác có khả năng chín sớm hoặc muộn, giúp người nông dân chủ động hơn trong mùa vụ và tăng thu nhập.
Không chỉ vậy, những giống đậu mới giúp chống lại bệnh thiếu máu, đẩy lùi tình trạng thiếu sắt ở phụ nữ và trẻ em; cố định đạm trong đất, cải thiện độ phì của đất và năng suất nông nghiệp. Các sản phẩm mới, bổ dưỡng, thơm ngon đang thương mại hóa, mang lại thu nhập và lợi nhuận toàn chuỗi giá trị đậu.
Khi các nhà nghiên cứu PABRA gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1996, họ quyết định tập trung vào đậu vì đây là loại cây lương thực chính ở châu Phi. Họ cho rằng phát triển đậu chính là cách tốt nhất để giảm tình trạng suy dinh dưỡng cho người sử dụng, tăng thu nhập cho nông dân. Liên minh Nghiên cứu Đậu châu Phi ra đời để phát hiện các đặc tính của đậu; tìm kiếm giải pháp khoa học, công nghệ cho ngành sản xuất đậu toàn khu vực.

Thế hệ đầu của PABRA. Ảnh: CIAT.
Đến nay, các thành viên PABRA đã đưa ra hơn 650 giống đậu cải tiến với đặc tính đa dạng. Những giống này được hơn 37 triệu nông hộ nhỏ trồng và sản xuất, hơn 300 triệu người châu Phi tiêu thụ. Đặc biệt, với phần lớn phụ nữ tham gia chuỗi giá trị đậu, các sáng kiến của PABRA giúp nguồn nhân lực này kiếm được lợi nhuận chi trả cho bữa ăn gia đình, góp phần giảm đói nghèo.
Ngày nay, các “ngân hàng gen” mới ở Uganda và Rwanda đang lưu giữ bộ giống thế hệ mới, có thể giúp châu Phi vượt qua các thách thức nông nghiệp toàn cầu. Quá trình đào tạo thông qua hợp tác Nam - Nam đã cho ra đời bộ giống này.
Thông qua những nỗ lực nghiên cứu bền bỉ, dựa trên mối quan hệ đối tác bền chặt trải rộng khắp lục địa, khoa học về đậu đã đạt nhiều thành tựu đột phá, giải quyết vô số vấn đề kinh tế - xã hội ở châu Phi.
Ví dụ, ở Rwanda, địa hình sườn núi dốc là thách thức lớn của ngành trồng trọt. Hợp tác giữa PABRA và Ủy ban Nông nghiệp Rwanda, tập trung nghiên cứu, nhân giống đậu leo. Mô hình này cho phép cây được trồng theo chiều dọc nên tiết kiệm diện tích. Nhờ đó, các hộ gia đình trồng giống đậu leo cải tiến đã thu được lợi nhuận tăng gấp đôi.

Nghiên cứu trồng cây đậu leo tại Rwanda. Ảnh: CIAT.
Một điển hình khác, Ethiopia đối mặt với thiếu hụt nguồn đậu tương do nhu cầu thương mại toàn cầu ngày càng tăng cao. Do đó, PABRA cùng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ethiopia đã tìm ra các loại đậu tương có năng suất cao hơn, khả năng chống chịu môi trường khắc nghiệt. Giống đậu cải tiến đã được nhân giống và phân phối cho hàng triệu nông dân.
Tỷ lệ trồng và sản xuất đậu tương gia tăng đáng kể, từ 10% (năm 2004) lên 70% (năm 2016). Hiện có hơn 2 triệu nông hộ nhỏ đang trồng đậu tương. Giống đậu cải tiến được gọi là “vàng trắng” vì có năng suất 1,6 tấn/ha, cao gấp 4 lần so với giống đậu thường (chỉ 0,75 tấn/ha). Theo đó, khối lượng xuất khẩu đã tăng gấp 15 lần, từ 8 triệu USD lên 120 triệu USD trong thập kỷ qua.