
Wang Jinyue (bên trái) đang kiểm tra một robot nông nghiệp tại xưởng của anh ở thị trấn Đình Lâm, huyện Kim Sơn, Thượng Hải. Ảnh: Xinhua.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Wang Jinyue phải lăn lộn để vươn lên thành giám đốc một công ty Internet ở Thượng Hải. Khi người đàn ông sinh năm 1985 nghỉ việc vào năm 2017 và trở về quê, bố mẹ và bạn bè anh cảm thấy rất khó hiểu.
Vài thập kỷ qua, việc theo đuổi giáo dục đại học và sau đó định cư ở khu vực thành thị hầu hết được các gia đình nông thôn Trung Quốc coi là lối thoát tốt nhất cho con cháu họ. Người lao động nông thôn đổ xô đến các đô thị để tìm kiếm cơ hội tốt hơn và cố gắng tận dụng nguồn thu nhập khiêm tốn từ những công việc nhà máy hoặc xây dựng để cải thiện tình hình tài chính của gia đình ở quê nhà. Dòng lao động này đã thúc đẩy nền kinh tế đô thị mở rộng nhanh chóng.
Trung Quốc không đơn độc. "Xuyên suốt lịch sử phát triển của con người, sự suy giảm ở nông thôn trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã trở thành một thách thức chung mà thế giới phải đối mặt", Li Yuheng, chuyên gia tại Viện Khoa học Địa lý và Nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho hay.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới theo đuổi chất lượng cao hơn và cơ cấu tốt hơn trong kỷ nguyên mới. Năm 2017, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược tái thiết nông thôn nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng so với thành thị và giữa các vùng với nhau. 4 năm sau, họ tuyên bố đã giành được "thắng lợi hoàn toàn" trong cuộc chiến chống đói nghèo, bắt đầu một hành trình mới nhằm thúc đẩy toàn diện quá trình hồi sinh nông thôn.
Với hỗ trợ chính sách của chính phủ và sự đầu tư liên tục vào công nghệ cũng như cơ sở vật chất công cộng ở khu vực nông thôn, Trung Quốc bắt đầu chứng kiến xu hướng dịch chuyển dân cư theo hướng ngược lại. Ngày càng có nhiều "nông dân mới", chủ yếu là thanh niên có học vấn cao với những ý tưởng cùng kỹ năng mới, bắt đầu chuyển từ các thành phố lớn về nông thôn.
7 năm trước, Wang Jinyue không chỉ trở về ngôi làng của mình ở thị trấn Đình Lâm, huyện Kim Sơn, Thượng Hải mà còn mang theo hơn 70 kỹ sư đi cùng. Anh hiện là chủ tịch hợp tác xã nông nghiệp Shanghai Diantian.
"Tôi trồng lúa cùng bố mẹ khi còn nhỏ và tôi hiểu rất rõ sự vất vả của công việc đồng áng", Wang nhớ lại.
Với mong muốn nâng cao đời sống và giảm bớt vất vả cho nông, Wang lao vào nghiên cứu và phát triển máy móc, thiết bị nông nghiệp. Sau đó, thị trấn Đình Lâm đã có một bước chuyển mình. Được hướng dẫn bởi các công nghệ tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh và tín hiệu 5G, robot canh tác sử dụng trí tuệ nhân tạo đã đảm nhận nhiệm vụ cày ruộng. Giờ đây, nông chỉ cần đăng nhập vào tài khoản ứng dụng WeChat bằng điện thoại di động và điều khiển robot từ xa.
"Độ sai số của robot chỉ là 2 cm, tốc độ hoạt động có thể đạt 3 đến 5 km/h, tương đương với vài ngày cày xới của một nông dân bình thường", Wang nói.
Theo anh, khi dân số Trung Quốc già đi, việc chuyển đổi kỹ thuật số trong nông nghiệp sẽ bù đắp một cách hiệu quả cho tình trạng thiếu hụt lao động. Wang cho biết chi phí gieo hạt đã giảm hơn 37% nhờ robot. Chi phí từ làm cỏ đến bón phân thực tế cũng đều giảm, giúp tăng thu nhập cho nông dân.
7 năm qua, nhóm của Wang đã phát triển hơn 60 loại robot trang trại, từ cày, trồng, phun thuốc, làm cỏ cho đến thu hoạch.

Người dân chơi ném đĩa trước thư viện làng Vân Thôn, huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang, tháng 6/2023. Ảnh: Xinhua.
Trong lúc quá trình hồi sinh nông thôn tiếp tục tiến triển ở Trung Quốc, cơ sở hạ tầng Internet cũng đang nhanh chóng mở rộng đến các vùng nông thôn hẻo lánh. Đến cuối năm 2022, số người dùng Internet ở nông thôn Trung Quốc đã vượt quá 300 triệu. Điều này giúp người dân ở các ngôi làng dễ dàng tìm được việc tại địa phương và tiếp cận khách hàng ở xa hơn.
Cũng vào năm 2017, Wang Xiehong, người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị qua Internet sau hai năm làm việc tại Bắc Kinh, đã thuyết phục 4 đồng hương của mình từ thành phố trở về quê ở Long Nam, tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc. 5 người thành lập một công ty thương mại điện tử.
Với khí hậu dễ chịu, Long Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, các đặc sản địa phương như dầu ô liu, mật ong và hạt tiêu khó có thể mở rộng thị trường do phương tiện vận chuyển hạn chế.
Trong lúc Wang thăng tiến từ bộ phận dịch vụ khách hàng lên giám đốc điều hành ở Bắc Kinh, chính quyền Long Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử vùng nông thôn, mở ra một kênh mới cho các khu vực kém phát triển ở phía tây đất nước tiếp thị sản phẩm nông nghiệp hiệu quả và nâng cao thu nhập cho nông dân.
"Các chính sách hỗ trợ của nhà nước dành cho khu vực nông thôn mạnh mẽ đến mức có nhiều dư địa cho phát triển nông thôn hơn bao giờ hết”, Wang nói. “Chúng tôi quyết định về quê khởi nghiệp, một mặt để bán nông sản địa phương ra bên ngoài, mặt khác cũng có cơ hội phát triển tốt hơn".
Công ty Wang mở một số cửa hàng trên Taobao, nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. Doanh thu công ty đạt 2,6 triệu nhân dân tệ (khoảng 366.000 USD) vào năm 2019, giúp hơn 400 hộ nông dân tăng thu nhập. Năm ngoái, được hỗ trợ bởi các chính sách nông nghiệp từ chính quyền địa phương, Wang và cộng sự cũng xây dựng một nhà máy chế biến đạt chuẩn để nâng cấp bao bì cho đặc sản địa phương, cung cấp thêm việc làm tới người dân địa phương.
"Văn kiện trung ương số một" năm nay của Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất triển khai các dự án phát triển chất lượng cao cho thương mại điện tử nông thôn, thúc đẩy cơ sở phát sóng trực tiếp thương mại điện tử cấp quận huyện và đẩy mạnh hoạt động bán hàng trực tuyến nông sản.
Ngoài ra, mạng lưới hậu cần cũng đang được triển khai trên khắp các vùng nông thôn Trung Quốc. Ví dụ, Long Nam hiện có hệ thống hậu cần ba cấp, gồm 9 trung tâm phân phối thống nhất cấp quận và cấp huyện, 199 trạm dịch vụ thị trấn và 2.404 điểm dịch vụ cấp làng. Giờ đây, thời gian giao hàng thông thường từ các vùng nông thôn đã giảm từ khoảng một tuần xuống chỉ còn hai hoặc ba ngày.
Khi Chen Zhe, người đang làm việc trong lĩnh vực tiếp thị thương hiệu ở Thượng Hải, trở về quê nhà ở làng Vân Thôn, huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, vào năm 2022, ban đầu anh chỉ dự định ở lại một hoặc hai ngày. Tuy nhiên, chuyến thăm cuối cùng kéo dài đến ba tháng. Chính quyền địa phương đang tuyển dụng "đối tác toàn cầu" và mời hơn 60 thanh niên, trong đó có Chen, phát triển các mô hình kinh doanh mới cho làng nơi anh sống.
“Việc một ngôi làng nhỏ dám thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới là một điều khá táo bạo”, Chen nói. Là một ngôi làng giàu tài nguyên đá vôi chất lượng cao, Vân Thôn từng trải qua tình trạng suy thoái môi trường khi hơn một nửa người dân địa phương sống dựa vào hoạt động khai thác đá trong những năm 1980, 1990.

Wang Xiehong giúp người dân địa phương bán hạt tiêu thông qua các buổi phát trực tiếp tại thành phố Long Nam, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, tháng 7/2023. Ảnh: Xinhua.
Năm 2003, Chiết Giang phát động chương trình phục hồi nông thôn xanh. Nó bắt đầu với sứ mệnh cải thiện điều kiện sống ở nông thôn bằng cách cải tạo khoảng 10.000 ngôi làng hợp nhất trong 5 năm và biến khoảng 1.000 ngôi làng trong số đó thành những ví dụ về sự thịnh vượng trên mọi mặt.
Nhờ chương trình này, Vân Thôn đã bắt tay vào con đường phát triển xanh bằng cách thúc đẩy ngành du lịch sinh thái. Hiện tại, họ đã trở thành hình mẫu về một vùng quê Trung Quốc xinh đẹp sau hai thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ. Năm 2021, nơi đây được Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hợp Quốc vinh danh là một trong những “ngôi làng du lịch tốt nhất”.
"Các khu vực nông thôn ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với giới trẻ", Wang Yu Cheng, bí thư đảng ủy Vân Thôn, cho biết. "Chương trình đối tác toàn cầu không chỉ đơn giản là một dự án đầu tư mà còn là sáng kiến nhằm thu hút những người trẻ có cùng chí hướng khởi nghiệp và thúc đẩy phát triển xanh. Vân Thôn sẽ cung cấp cho họ một môi trường kinh doanh và nền tảng vững chắc".
Chen và nhóm của anh, tất cả đều dưới 30 tuổi, đã mở một quán cà phê theo chủ đề truyện tranh Trung Quốc trong thư viện thanh niên mới xây ở Vân Thôn vào tháng 3 năm ngoái.
“Cảm giác như Vân Thôn là một phòng thí nghiệm với nhiều chức năng và nó có thể truyền cảm hứng cho sự phát triển của các ngôi làng trên khắp Trung Quốc”, Chen nói.
Trong nỗ lực giữ chân người trẻ, các vùng nông thôn của Chiết Giang còn đang có những cải cách nhằm cung cấp cho họ các dịch vụ công giống như ở thành phố. Một trung tâm dịch vụ kỹ thuật số mới xây tại huyện Đức Thanh được trang bị phòng khám sức khỏe, trung tâm nhi khoa, phòng tập thể dục và phòng tập khiêu vũ, cung cấp các dịch vụ trọn gói từ chăm sóc trẻ em đến người già. Các không gian văn hóa như thư viện và phòng trưng bày nghệ thuật hiện là cảnh tượng phổ biến ở vùng nông thôn Chiết Giang, một điểm thu hút khác đối với những người nông dân mới.
"Vùng nông thôn cần giàu có không chỉ về đời sống vật chất mà còn cả tinh thần. Vì vậy, những dự án như bảo tàng nghệ thuật là không thể thiếu", Fei Minjun, chủ tịch Xianzhitan, công ty du lịch có trụ sở tại địa phương, nhấn mạnh.