Phát hiện 10 loài thiên địch của sâu đầu đen
Sâu đầu đen là sinh vật hại rất nguy hiểm trên cây dừa. Ấu trùng sâu ăn lá, hoa, trái và thân khiến hoa và trái rụng, lá khô và chết dần, dẫn đến cây dừa suy kiệt hoàn toàn. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân bộc phát sâu đầu đen thành dịch và đưa ra giải pháp canh tác để ứng phó. Trong đó, biện pháp sinh học được nông dân đồng tình hưởng ứng rất cao.

Ông Võ Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre kiểm tra khu nhân nuôi ong ký sinh. Ảnh: Minh Đảm.
Theo TS Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Cây ăn quả Miền Nam), có thể sử dụng ong ký sinh, bọ đuôi kìm, bọ rùa, kiến vàng, vi khuẩn để khống chế mật độ sâu đầu đen.
“Thiếu thiên địch là một trong những nguyên nhân gây bộc phát sâu đầu đen thành dịch. Do đó, khi áp dụng biện pháp sinh học cần hạn chế sử dụng thuốc hóa học để bảo vệ các loài thiên địch tự nhiên như ong ký sinh, kiến vàng, bọ rùa, bọ đuôi kìm. Đồng thời, tạo môi trường sống tốt cho thiên địch bằng cách duy trì vườn dừa với độ che phủ hợp lý, tránh phá hủy nơi sinh sống của thiên địch”, TS Hạnh cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, đã phát hiện được 10 loài thiên địch để diệt trừ sâu đầu đen hại dừa ở Bến Tre. Trong đó có một số loài thiên địch hoạt động rất tốt tại một số nước trồng dừa như Ấn Độ, Thái Lan.
Đối với bọ rùa, bọ cánh lưới, bọ đuôi kìm, kiến vàng, khuyến cáo bà con nuôi và phóng thích với số lượng 4.000 con/ha hay 20 con/cây. Thời gian phóng thích 8 - 10 giờ sáng và 3 - 5 giờ chiều. Bà con có thể sử dụng nấm tím Paecilomyces và nấm xanh Metarhizium tưới xung quanh gốc để duy trì mật số trong đất (100gr/10 lít nước) hoặc phun nấm lên tán cây để diệt ấu trùng, nhộng (100gr/10 lít nước).

Tỉnh Bến Tre đã nhân nuôi và thả ra tự nhiên hàng trăm triệu con ong ký sinh. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, nhà vườn ở xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang rất đồng tình với giải pháp này. Theo ông Sơn, nếu áp dụng biện pháp hóa học như phun xịt thuốc BVTV sẽ rất khó khăn, tốn kém bởi hầu hết các cây dừa đều rất cao, có cây trên 10m. Bên cạnh đó, phun thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường cũng như sức khỏe con người và vật nuôi.
“Tôi đề nghị nên có cơ sở nuôi ong ký sinh để thả vào các vườn dừa. Sâu đầu đen này tự người dân phòng trị sẽ rất khó, mong cơ quan nhà nước hỗ trợ. Nên có cơ sở nuôi ong tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) để thả vào các vườn dừa của nông dân", ông Sơn kiến nghị.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, Chi cục đã đề nghị các huyện dự trù kinh phí để xây dựng cơ sở nhân nuôi ong ký sinh trong năm 2025. Quy trình nuôi ong ký sinh rất đơn giản, do đó sẽ mời cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân nuôi.
Bến Tre phóng thích hàng trăm triệu ong ký sinh
Tại Bến Tre - thủ phủ dừa của cả nước, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã nhân nuôi và thả về tự nhiên trên 285 triệu con ong ký sinh để dập tắt sự phát triển nhanh chóng của dịch sâu đầu đen. Hiện nay, hầu hết các vườn dừa không còn bị sâu đầu đen gây hại mức độ thành dịch, chỉ còn rải rác cá thể sâu.

Một vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công xơ xác. Ảnh: Mịnh Đảm.
Ông Đặng Trúc Phương, một nhà vườn tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày (Bến Tre) cho biết: Cách đây khoảng 1 tháng, tại ấp Định Nghĩa và Định Nhơn có khoảng 10 hộ có vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công. Khi chủ vườn báo có sâu đầu đen về xã thì địa phương có đội xử lý. Theo đó, bước đầu đã loại bỏ một số tàu lá có nhiều sâu, không còn khả năng phục hồi đem đốt. Sau đó, phun 2 lần thuốc hóa học để dập dịch và thả ong ký sinh để tránh dịch bùng phát trở lại.
“Sâu đầu đen ăn nhanh lắm, cây dừa bị sâu đầu đen tấn công mức độ nặng có thể mất đến 2 năm mới phục hồi cho trái trở lại. Do đó, tôi thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện sâu đầu đen”, ông Phương nói.
Ông Châu Văn Đỏ, Giám đốc HTX Hòa Lợi (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết: Thời điểm giữa năm 2024, sâu đầu đen tấn công các vườn dừa của bà con trong HTX với diện tích khoảng 3ha, nặng nhất là hộ ông Nguyễn Văn Lượm (1ha), bà Nguyễn Thị Xoạn (1,5ha). Nhờ áp dụng quy trình phòng trừ sâu đầu đen theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, trong đó chủ yếu là biện pháp sử dụng ong ký sinh nên đến nay các vườn dừa đã phục hồi, các đọt dừa đã xanh trở lại.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, năm 2025, Chi cục đặt kế hoạch nhân nuôi 180 triệu con ong ký sinh để thả ra tự nhiên tiêu diệt sâu đầu đen. Đến đầu tháng 3, tỉnh đã phóng thích trên 35 triệu con, nhờ đó diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen toàn tỉnh giảm còn 355ha. Ong được nuôi và thả liên tục vào các vườn dừa mới phát hiện hoặc vườn cũ còn sâu đầu đen.

Một vườn dừa ven sông Hàm Luông đã phục hồi sau khi bị sâu đầu đen tấn công. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre đánh giá: “Chiến dịch phòng trị sâu đầu đen hại dừa đã kết thúc tốt đẹp. Đến nay tỉnh đã cơ bản kiểm soát được sâu đầu đen hại dừa ở các địa phương. Sắp tới sẽ tiếp tục bổ sung nguồn ong ký sinh cho các địa phương và kiểm soát chặt chẽ các trường hợp tái phát”.
Theo ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, hiện nay dịch sâu đầu đen ở ĐBSCL đã được khống chế tốt. Diện tích nhiễm chỉ còn hơn 300ha, chủ yếu tại hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Biện pháp thả ong ký để khống chế sâu đầu đen có thể áp dụng được. Đối với biện pháp này, nhà vườn phải thực hiện thường xuyên và đồng lòng thì sẽ có kết quả cao.
"Thả ong ký sinh hàng tháng vào vườn dừa sẽ khống chế rất tốt mật độ sâu đầu đen. Đối với các địa phương phát hiện có sâu đầu đen, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam sẽ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giải pháp phòng trừ bằng các biện pháp", ông Đỗ Văn Vấn cho biết.