Nhà thơ Nguyễn Duy tìm thân nhân trong cuộc sống hòa bình

Phạm Tuấn - Chủ Nhật, 20/04/2025 , 08:45 (GMT+7)

Nhà thơ Nguyễn Duy thực hiện chuyến đọc thơ xuyên Việt chủ đề ‘Tìm thân nhân’ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, với chương trình đầu tiên tại TP.HCM sáng 20/4.

Nhà thơ Nguyễn Duy tuổi 78.

Nhà thơ Nguyễn Duy mong muốn dùng tác phẩm của mình để nhìn lại nửa thế kỷ non sông liền một dải, từ tâm sự cá nhân “tôi không có mẹ đi Nam/ tôi không có cha đi tập kết/ nhưng tôi có một thời sung sức nhất/ góp với mọi người/ cùng mọi người/ đi tìm thân nhân” đến nỗi niềm ông già sông Hậu “chủ giục khách nhậu đi đừng hỏi nữa/ việc bán lúa dư đăng báo chí cho phiền/ dư ít nuôi làng, dư nhiều nuôi nước/ thành tích có gì mà phải nêu tên”.

Nhà thơ Nguyễn Duy được độc giả và đồng nghiệp công nhận là một tài thơ độc đáo. Các tập thơ “Cát trắng”, “Đường xa”, “Quà tặng” hoặc “Tình tang” đã chứng minh một phong cách lục bát mang thương hiệu Nguyễn Duy. Đặc biệt hơn, nhà thơ Nguyễn Duy luôn có ý thức đưa thơ đến gần thơ với công chúng, qua các dự án trình diễn thơ, triển lãm thơ và làm lịch thơ.

Nhắc đến Nguyễn Duy, người yêu thơ nhớ ngay bài thơ “Tre Việt Nam”. Đó là bài thơ lục bát đã có sức sống gần sáu thập niên, thể hiện vẻ đẹp và ý chí Việt Nam vừa mềm mại vừa kiên cường: “Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh/ Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm/ Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người/ Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng/ Nòi tre đâu chịu mọc cong/ Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con”.

Hành trình thơ Nguyễn Duy trải dài từ chiến tranh đến hòa bình. Trong khói lửa đạn bom, thơ ông đã lên tiếng. Trong giai đoạn đổi mới, thơ ông đã lên tiếng. Trong hội nhập quốc tế, thơ ông cũng đã lên tiếng. Những câu thơ Nguyễn Duy lặng lẽ vào đám đông, và cảm hóa đám đông. Những câu thơ Nguyễn Duy len lỏi vào mâu thuẫn, và xoa dịu mâu thuẫn. Thơ ông bắt một nhịp cầu kết nối giữa trái tim với trái tim, giữa con người với con người, không hoang mang, không oán trách, không hận thù.

Ngoài hàng trăm bài thơ ngắn, nhà thơ Nguyễn Duy còn được truyền tụng ba bài thơ dài, có tên gọi “Đánh thức tiềm lực”, “Nhìn từ xa Tổ quốc” và “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”. Đây là ba tác phẩm cho thấy sức nghĩ và sức viết của ông khao khát vượt khỏi những giới hạn chật chội của vần điệu phổ biến, để thi ca mở rộng biên độ thẩm mỹ tiếp nhận, để thi ca tương tác trực diện đời sống xã hội “khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời như sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?”.

Bằng thi ca, ông bày tỏ ước mơ chân chính của một người cầm bút: “Tôi muốn được làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/ tiếng chát chúa của máy và búa/ tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/ tiếng trần trụi của lưỡi cuốc/ lang thang khắp đất nước, hát bài hát đánh thức tiềm lực”.

Bây giờ, ở tuổi 78, nhà thơ Nguyễn Duy vẫn chưa nguội lạnh tình yêu thi ca. Chương trình đọc thơ “Tìm thân nhân” của ông được mở màn tại TP.HCM và dự kiến đi qua nhiều địa phương khác của Việt Nam từ Nha Trang, Huế, Thanh Hóa đến Hà Nội, với mục đích chứng minh giá trị thi ca đồng hành dân tộc và thời đại. “Tìm thân nhân” để hội ngộ nhau, “tìm thân nhân” để an ủi nhau, “tìm thân nhân” để thấu hiểu nhau, và “tìm thân nhân” để yêu thương nhau.

Nhà thơ Nguyễn Duy thời trẻ, qua nét vẽ của họa sĩ Nguyễn Đình Phúc.

Với một phong cách đọc thơ dân dã và quyến rũ, nhà thơ Nguyễn Duy luôn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người nghe qua những bài thơ viết về nông thôn “làng ta ở tận làng ta/ mấy năm một bận con xa về làng/ gốc cây, hòn đá cũ càng/ trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay”.

Giọng điệu tếu táo của ông, giúp mỗi người thấy trân trọng hơn những sản vật từ đất đai thân thuộc, từ hoa gạo “mùa xuân trôi với dòng người/ mỗi màu áo một khoảng trời lướt qua/ tương tư hoa gạo quê nhà/ tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình” đến hoa lúa “em có nhiều hoa người ta tặng/ hoa lúa đồng xưa giờ thế nào/ thứ hoa quý nhất trên đời ấy/ thì chả ai đem mà tặng nhau” và cả hương vị sầu riêng “ai chê sầu riêng thủm/ ai khen sầu riêng thơm/ với ai thì thơm thủm/ với ta thì thủm thơm/ vỗ bụng ngật ngưỡng hát/ thơm thủm thơm thủm thơm/ nỗi nhớ ngứa cả mũi/ thòm thèm thòm thèm thòm/ lấy gì đè cơn nhớ/ xa người xa cách miền/ mắm tôm quệt múi mít/ rằng thì là sầu riêng”.

Sinh năm 1947 tại Thanh Hóa, nhà thơ Nguyễn Duy nhập ngũ năm 1966, thuộc quân số của Bộ Tư lệnh thông tin. Sau ngày 30/4/1975, ông chuyển sang công tác ở báo Văn Nghệ Giải Phóng và làm báo Văn Nghệ cho đến khi nghỉ hưu.

Nhà thơ Nguyễn Duy thành danh với giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn Nghệ năm 1973. Tập thơ “Ánh trăng” của ông được trao tặng Giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1985. Ông cũng đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

Phạm Tuấn
Tin khác
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương
Nguyễn Huy Thiệp nhiều năm suy ngẫm về công nghệ văn chương

Nguyễn Huy Thiệp không chỉ là cây bút truyện ngắn xuất sắc, mà ông còn dành nhiều tâm tư trong các tiểu luận về vai trò nhà văn và công nghệ văn chương.

Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn
Nguyễn Huy Thiệp giữa chất liệu gốm và chất liệu văn

Nguyễn Huy Thiệp vẽ gốm và những tác phẩm gốm lấy cảm hứng từ tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp, được hội ngộ tại triển lãm ‘Gốm Thiệp’ ở Hà Nội.

Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay
Trịnh Công Sơn khát khao để lúa reo mừng tựa vẫy tay

Trịnh Công Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, đều ngợi ca sức sống bất tận của làng quê Việt Nam, mà thời gian càng lùi xa càng thấy đáng trân trọng.

Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ
Một địa danh gần gũi và thân thương ở miền Đông Nam Bộ

Một địa danh gắn bó với tuổi thơ và gia đình, dẫu đổi thay ra sao, vẫn luôn có ý nghĩa sâu sắc trong hành trình buồn vui của mỗi con người.

Bên trong Thái y viện triều Nguyễn
Bên trong Thái y viện triều Nguyễn

Những ai từng học nghề thuốc và hành nghề thầy lang giỏi, bất kể nguồn gốc xã hội đều có thể sát hạch vào Thái y viện. Cứ 2 năm triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra chất lượng và năng lực của các y quan.

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má
Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 tâm sự bạc đầu nhớ má

Nhà thơ Lê Giang ở tuổi 95 ra mắt cuốn sách mới có tên gọi 'Bạc đầu nhớ má' ghi lại kỷ niệm về những vùng đất đi qua, những con người tương phùng.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lắng nghe tiếng gọi chân trời

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt cuốn sách ‘Tiếng gọi chân trời’ viết về những cuộc đi về nhân gian, qua góc nhìn đa cảm của một phụ nữ.

Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’
Phi công Hồ Duy Hùng trong miền hồi ức ‘gãy cánh điệp viên’

Phi công Hồ Duy Hùng từng gây chấn động dư luận quốc tế với vụ cướp trực thăng của Không quân Việt Nam Cộng hòa, vừa xuất bản tự truyện ‘Gãy cánh điệp viên’.

Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?
Trí tuệ nhân tạo sẽ mở ra mô hình giáo dục siêu việt?

Trí tuệ nhân tạo đang làm cả thế giới phải tư duy lại tương lai, và không phải ngẫu nhiên khi có người đã hình dung mô hình trường lớp với những giáo sư robot.

Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp
Biểu tượng thờ cúng của người Việt qua góc nhìn học giả Pháp

Biểu tượng thờ cúng của người Việt rất đa dạng và ẩn chứa nhiều ý nghĩa tâm linh, được học giả Pháp Gustave Dumoutier biên soạn thành cuốn sách công phu.

Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh
Thành hoàng Đông La qua diễn ca bái tụng của hậu sinh

Thành hoàng làng Đông La ở Thanh Miện, Hải Dương trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử trong diễn ca ‘Ngọc phả thành hoàng’ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Thu.

Sự kiện