Hiểu hơn về khí nhà kính, thấy thách thức Net Zero của Việt Nam không nhỏ

Bảo Thắng - Thứ Ba, 01/10/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bình quân phát thải khí nhà kính tại Việt Nam tương đương một số nước Đông Nam Á nhưng nếu tính trên quy mô GDP, thách thức gặp phải lớn hơn khá nhiều.

TS Lê Hải Hưng: 'Phát thải thực chất là một quá trình sử dụng năng lượng'. Ảnh: Bảo Thắng.

Hiểu đúng hơn về khí nhà kính

Khí nhà kính là những loại khí có khả năng hấp thụ (giữ lại) và phát ra năng lượng ở bước sóng vùng nhiệt, hồng ngoại gây ra hiệu ứng nhà kính.

TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho biết, đóng góp lớn nhất vào hiệu ứng nhà kính là hơi nước (khoảng 50 - 70%), ngoài ra còn có ozon (khoảng 10%). Tuy nhiên, 2 loại khí này con người không thể tác động để giảm hiệu ứng nhà kính. “Chúng ta chỉ tập trung làm giảm CO2, CH4 và N2O”, ông nói.

Tuổi đời và khả năng làm nóng toàn cầu của mỗi loại khí cũng rất khác nhau. Với CO2, loại khí này gần như tồn tại vĩnh viễn trong bầu khí quyển, nhưng khả năng hấp thụ nhiệt lại nhỏ hơn nhiều so với CH4 và N2O. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) tính toán, nếu coi khả năng hấp thụ (bức xạ) nhiệt của CO2 là 1, thì CH4 là 81 (trong vòng 20 năm), còn N2O là 273 (trong 20 năm). Cá biệt, khí SF6 có hệ số gấp 7.430 lần so với CO2.

Tuy nhiên, tuổi đời của CH4, N2O và SF6 không quá dài, lần lượt là 12, 109 và 52 năm. Khả năng hấp thụ (bức xạ) nhiệt của chúng trong bầu khí quyển thường suy giảm theo thời gian. Chẳng hạn, CH4 giảm hơn 60% trong giai đoạn từ 20 đến 100 năm. Tương tự là khí HFC-21 (CHCl2F), hay tetra chloroform (CH3CCl3). Riêng N2O gần như không đổi, dù thời điểm đo là 20 năm, hay 100 năm.

Chính vì những đặc điểm này, thế giới đã lấy CO2 làm “đơn vị” chuẩn để đo lường khí nhà kính. Các khí nhà kính khác, như CH4, N2O sẽ được quy đổi tương đương. Theo hướng dẫn của IPCC và cơ sở dữ liệu toàn cầu về hệ số phát thải, khả năng làm nóng toàn cầu (GWP) của 1 tấn CH4 được quy đổi tương đương là 28 tấn CO2e, còn 1 tấn N2O là 265 tấn CO2e.

Ví dụ, 1 tấn dầu DO khi cháy hoàn toàn sẽ sinh ra khoảng 3,186 tấn CO2; 0,129 tấn CH4 và 0,03 tấn N2O. Quy đổi tương đương, 1 tấn dầu DO phát thải khoảng 3,197 tấn CO2e, theo phương pháp tính bậc 1 về kiểm kê khí nhà kính.

Ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình cánh đồng lúa giảm phát thải tại ĐBSCL. Ảnh: TL.

Thực tế, các khí nhà kính đã tồn tại trong bầu khí quyển từ rất lâu, nhưng khi loài người bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (khoảng năm 1750), nồng độ các loại khí như CO2, CH4 hay N2O mới tăng nhanh. Tốc độ này tăng cao hơn khi nhân loại bước vào cuộc cách mạng lần thứ hai (năm 1870), khi phát minh ra điện.

Cùng với những nghiên cứu về khí nhà kính, hiện tượng hiệu ứng nhà kính cũng được nhắc đến. Nhưng nhìn một cách công bằng, chính nhờ hiệu ứng này mà nhiệt độ trái đất được giữ ổn định, trung bình khoảng 15 độ C, thay vì -20 độ C, đảm bảo sự tòn tại và phát triển của sự sống.

Chỉ tới khi lượng khí CO2, CH4 và N2O bị thải ra quá nhiều, vấn đề trở nên nghiêm trọng. Nhiều thách thức xuất hiện như axit hóa nước biển và các nguồn nước sinh hoạt, nước biển dâng, biến đổi khí hậu…

Thách thức này với mỗi quốc gia cũng khác nhau. TS Lê Hải Hưng thông tin, khí nhà kính phát thải bình quân đầu người tại Việt Nam và một số quốc gia có điều kiện tương đương như Indonesia, Thái Lan, Malaysia vào năm 2022 lần lượt là: 4,882; 4,473; 6,668 và 10,499 tấn CO2.

Nếu xét thêm quy mô GDP, mỗi 1.000 USD tạo ra từ các nền kinh tế kể trên phải đánh đổi tương ứng lần lượt 1,191; 0,954; 0,875 và 0,797 tấn CO2 phát thải. Như vậy, có thể thấy Malaysia phát thải khí nhà kính khá cao (nếu tính trên đầu người), nhưng xét trên quy mô nền kinh tế, quốc gia này gặp ít “thách thức” hơn so với 3 quốc gia còn lại.

Trong cam kết về Net Zero tại COP 26, 3 trong 4 quốc gia nói trên đặt mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2050, riêng Indonesia là năm 2060.

Các thành viên tham dự buổi tập huấn về kiểm kê khí nhà kính. Ảnh: Bảo Thắng.

Những nỗ lực giảm phát thải 

Năm 1997, Nghị định thư Kyoto được thông qua. Trong đó, Điều 17 đã đặt nền móng cho thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải. Đây là nơi mà các quốc gia dư thừa quyền phát thải khí nhà kính bán cho các nước phát thải nhiều hơn hạn ngạch đã cam kết. Một dạng hàng hóa mới xuất hiện, dưới dạng chứng chỉ giảm, hấp thụ khí nhà kính.

Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của các loại khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon. Thị trường giao dịch giữa các quốc gia cũng được gọi là thị trường carbon.

Ngoài hệ thống về tín chỉ, thế giới còn sử dụng nhiều biện pháp khác để định lượng và minh bạch hóa thị trường carbon. Phổ biến hiện nay có dấu chân carbon, được định nghĩa là tổng tất cả các khí nhà kính được phát thải trực tiếp hoặc gián tiếp vào khí quyển cho một hoạt động, một quá trình hay một sản phẩm nào đó.

Tại Việt Nam, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương và triển khai thành công chương trình dấu chân carbon cho sản phẩm thanh long. Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Bình Thuận được Bộ NN-PTNT, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hướng dẫn sản xuất thanh long theo hướng xanh, sạch bằng cách chuyển sử dụng bóng đèn sợi đốt sang đèn LED, tăng cường tưới tiết kiệm, sử dụng nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

Viện trưởng Vitad-Agri mong muốn các tổ chức, cá nhân có cái nhìn thấu đáo hơn về giảm phát thải. Ảnh: Bảo Thắng.

Những thành công bước đầu này mở ra cơ hội mới cho nền sản xuất hàng hóa thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù rằng dấu chân carbon đã được thế giới triển khai từ rất lâu. Chiếc iPhone là ví dụ. Theo công bố của Apple, sản phẩm mới nhất iPhone 16 được sản xuất hoàn toàn dựa trên năng lượng tái tạo thay vì điện lưới truyền thống. Qua đo đạc, sản phẩm có dấu chân carbon giảm khoảng 3% so với phiên bản tiền nhiệm iPhone 15.

Các hãng sản xuất cũng công bố dấu chân carbon một cách có trách nhiệm. Ngày 20/9/2024, iPhone 16 được mở bán toàn cầu thì trước đấy 1 tuần, khoảng ngày 12/9, Apple đã công bố toàn bộ các thông tin về dấu chân carbon với sản phẩm.

Việt Nam còn những thách thức nhất định trong nỗ lực giảm phát thải, cả về chủ quan lẫn khách quan. TS Lê Hải Hưng cho rằng, nước ta còn một số khoảng trống pháp lý nhất định trong hoạt động đào tạo, cấp phép, kiểm kê, công nhận... liên quan đến khí nhà kính và giảm phát thải. Thông tin về thị trường carbon cũng chưa thật đầy đủ.

Ngoài ra, nhu cầu và tỷ lệ sử dụng năng lượng hóa thạch tại Việt Nam còn khá cao so với mặt bằng chung. Lấy ví dụ về cùng số tiền 30 triệu đồng, nếu để sản xuất 1 chiếc iPhone thì phát thải khoảng 75kg CO2e, nhưng khi quy đổi tương đương thành 2 tấn thép, mức phát thải gấp tới hơn 70 lần.

"Phát thải thực chất là sử dụng năng lượng. Muốn giảm phát thải bắt buộc phải giảm những nguồn năng lượng từ hóa thạch và tăng nguồn năng lượng xanh, tăng cường trồng rừng, hoặc áp dụng nhiều hơn các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa như '1 phải, 5 giảm', hay tưới ngập khô xen kẽ", ông Hưng bày tỏ.

Buổi tập huấn về kiểm kê khí nhà kính do Viện Ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam (Vitad-Agri) phối hợp Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT) tổ chức. Viện trưởng Vitad-Agri Phạm Đình Nam mong muốn các tổ chức, cá nhân có mong muốn tìm hiểu về khí nhà kính cũng như các vấn đề liên quan như tín chỉ carbon, thị trường carbon... sẽ có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về nội dung mới này tại Việt Nam.

Bảo Thắng
Tin khác
TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh
TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh

Các nước phát triển đã thực hiện những tiến bộ rất lớn trong ngành nông nghiệp. Họ trải qua nhiều thập niên để công nghiệp hóa đất nước, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng mô hình nông nghiệp chính xác, và tiên tiến trong nông nghiệp số hay nông nghiệp thông minh; trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác bị bỏ lại phía sau khá xa.

Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp

Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam
Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam cam kết đồng hành cùng các quốc gia châu Phi, châu Á phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'
FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'

FAO nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các sáng kiến cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu cho mục tiêu sản xuất bền vững, tiêu dùng hiệu quả.

Học không cho mình, mà học để phụng sự người dân
Học không cho mình, mà học để phụng sự người dân

Nhiều người nghĩ: Khi đã đeo hàm, đeo bảng tên, ngồi vào ghế lãnh đạo rồi thì không cần học nữa... Nhưng nếu học để phục vụ người dân, thì không được phép không học.

Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi
Việt Nam là cầu nối chia sẻ kinh nghiệm nông nghiệp châu Á - châu Phi

Theo Trưởng Đại diện các khu vực của FAO, Diễn đàn cấp cao OCOP là dịp để các quốc gia châu Á, châu Phi trao đổi kinh nghiệm, nâng giá trị sản vật địa phương.

FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP
FAO hiện đại hóa nghề nuôi ong tại Rwanda và Việt Nam qua sáng kiến OCOP

Sáng kiến Mỗi quốc gia một sản phẩm ưu tiên (phiên bản OCOP quốc tế) đang hỗ trợ sinh kế cho nghề nuôi ong lấy mật Rwanda và Việt Nam.

Quả sấu tròn
Quả sấu tròn

Quả sấu tròn đã lăn từ lịch sử và rừng già đến mọc giữa phố xá, tặng con người một bát canh chua như lời nhắc nhở đừng quá rời xa cội nguồn.

Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'
Hào khí Việt lấp lánh trong 'Ba người vượt ngục Guyane'

Hào khí Việt những năm đầu thế kỷ 20 được tái hiện rất rõ nét qua cuốn sách tư liệu công phu 'Ba người vượt ngục Guyena' của tác giả Đỗ Thái Bình.

Bớt lan man chúng ta có thể kiếm thêm nhiều tỷ đô không hề khó
Bớt lan man chúng ta có thể kiếm thêm nhiều tỷ đô không hề khó

Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có một cuộc trò chuyện với ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) với chủ đề kinh tế tư nhân trên mặt trận nông nghiệp và môi trường.

Đưa ngành chuối Việt Nam vượt mốc tỷ USD - tham vọng và đột phá
Đưa ngành chuối Việt Nam vượt mốc tỷ USD - tham vọng và đột phá

Bài phân tích của ông Phạm Quốc Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Công ty Unifarm về hiện trạng và giải pháp để đưa ngành chuối sớm đạt mục tiêu xuất khẩu tỷ USD và tham gia vào nhóm dẫn dắt ngành hàng toàn cầu. Một khi chuối thành công thì các ngành hàng khác cũng có thể thành công tương tự.

Lãnh đạo PAN Group chia sẻ hành trình xây dựng hệ sinh thái tại diễn đàn toàn cầu
Lãnh đạo PAN Group chia sẻ hành trình xây dựng hệ sinh thái tại diễn đàn toàn cầu

Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN Nguyễn Thị Trà My chia sẻ khát vọng xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp trong diễn đàn của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025.