Đặt lại bài toán chống lũ: Từ ứng phó sang chiến lược quốc gia

TÔ VĂN TRƯỜNG - Thứ Sáu, 25/07/2025 , 07:09 (GMT+7)

Thực tiễn đặt ra câu hỏi: Việt Nam sẽ tiếp tục "chạy lũ" theo từng mùa, hay đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược quốc gia về phòng chống lũ, thích ứng dài hạn...

Ở ĐBSCL, lũ như một chu kỳ quen thuộc, mang phù sa, thủy sản và cả cơ hội sinh kế. Người dân coi 'mùa nước nổi' như phần tất yếu của đời sống.

Trái lại, ở miền Trung và miền Bắc, đặc biệt các vùng núi, lũ mang bộ mặt hung tợn: lũ quét, sạt lở, cuốn phăng tất cả trong khoảnh khắc. Thực tiễn ấy đặt ra câu hỏi: Việt Nam sẽ tiếp tục "chạy lũ" theo từng mùa, hay đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược quốc gia về phòng chống lũ, thích ứng dài hạn, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thay vì chỉ đối phó?

Đã đến lúc, thay vì ứng phó rời rạc và "chạy lũ" theo từng mùa, Việt Nam cần đặt lại bài toán chống lũ một chiến lược tổng thể, phân vùng, và đồng bộ về hạ tầng, quản lý hồ chứa, cảnh báo thiên tai và thích ứng dài hạn.

Trận lũ dữ dội vừa quét qua Nghệ An với cảnh nước dâng ngập mái nhà, hàng nghìn hộ dân phải khẩn cấp sơ tán, tài sản, mùa màng chìm trong biển nước, một lần nữa phơi bày sự mong manh của hệ thống phòng chống lũ nước ta trước những biến động cực đoan của thiên nhiên và hệ lụy từ con người.

Ngập lụt ở Nghệ An tháng 7/2025. Ảnh: Việt Khánh.

Điều đáng báo động, đây không phải hiện tượng hiếm hoi. Chỉ trong hai năm, từ hồ Thác Bà (2024) đến hồ Bản Vẽ (2025), hai công trình thủy điện trọng điểm của quốc gia đã phải đối mặt với những lưu lượng lũ đến tiệm cận, thậm chí vượt xa mức thiết kế cho các kịch bản được coi là "nghìn năm mới có một lần". Nếu không thay đổi cách tiếp cận, liệu bao lâu nữa người dân lại phải gồng mình "chạy lũ", và bao nhiêu thiệt hại nữa phải gánh chịu?

Khi những con số thiết kế bị thách thức

Hồ Thác Bà, được thiết kế với khả năng chống chịu lũ tần suất 1/10.000 năm, chưa tròn 65 năm tuổi đã buộc phải xả lũ trong điều kiện lưu lượng vượt gấp 1,74 lần mức tính toán này. Hồ thủy điện Bản Vẽ – "lá chắn" điều tiết lớn nhất miền Trung, với tần suất lũ kiểm tra 0,02% (tương ứng lũ 5.000 năm lặp lại) mới 20 năm vận hành cũng đã gặp thử thách vượt ngưỡng lũ kiểm tra (đỉnh lũ đạt 12.800 m3/s lúc 2h sáng ngày 23/7, trong khi lũ 0,02% là 10.500 m3/s). Những con số lạnh lùng này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: hệ thống tiêu chuẩn, dự báo và quản lý vận hành hồ chứa hiện nay liệu có còn đủ sức chống đỡ trước thực tại?

Điều đáng nói, trận mưa vừa qua tại Nghệ An chỉ có tổng lượng 250-300 mm mức không phải đặc biệt lớn nếu so với những đợt mưa lịch sử từng ghi nhận ở khu vực này. Vậy tại sao lũ lại đổ về hồ nhanh và mạnh đến mức vượt chuẩn kiểm tra? Câu trả lời không chỉ nằm ở biến đổi khí hậu, mà còn ở những biến động nhân sinh: rừng đầu nguồn bị suy giảm nghiêm trọng, đô thị hóa và công trình hạ tầng xâm lấn dòng chảy tự nhiên, khiến khả năng thấm, giữ nước của lưu vực giảm mạnh. Khi dòng chảy bị dồn ép, mọi giả định thiết kế cũ trở nên lạc hậu.

Dữ liệu thiết kế cũ thường là giai đoạn 1950-1990 không phản ánh đúng xu thế gia tăng cường độ mưa lớn do biến đổi khí hậu. Tần suất thiết kế cực đoan 0,1%; 0,02%, thậm chí 0,01% dựa trên sự phân bố thống kê tức là giả định khí hậu ổn định, nay đã không còn đúng với thực tế.

Các tính toán trước đây chưa tích hợp viễn cảnh biến đổi khí hậu và các kịch bản mưa cực đoan mới nhất của IPCC, AR6, Bộ TN&MT hay JICA 2020.

Xã biên giới Mỹ Lý, Nghệ An thiệt hại nặng nề do thiên tai. Ảnh: Người dân địa phương cung cấp.

Khoảng trống trong dự báo – vận hành

Lưu vực hồ Bản Vẽ rộng 8.700 km², mỗi chiều hơn 90 km, chịu ảnh hưởng của các hệ thống thời tiết trung và vĩ mô có thể dự báo được với công nghệ hiện đại. Thế nhưng, thực tế cho thấy hệ thống dự báo thủy văn của ta chưa theo kịp biến động khí hậu mới. Nhiều công cụ dự báo vẫn dựa vào các mô hình truyền thống, dữ liệu quan trắc rời rạc, thiếu sự kết nối thời gian thực với các trạm radar, vệ tinh.

Mặt khác, thượng nguồn sông Cả còn phụ thuộc vào phần diện tích bên CHDCND Lào. Theo thông tin tổng hợp từ một số trạm đo chuyên dùng, tổng lượng mưa tại một số điểm thuộc lưu vực sông Cả ở hai tỉnh Xiêng Khoảng và Hủa Phăn từ ngày 21 đến 23/7 (trong đó chủ yếu tập trung vào 2 ngày 22 và 23/7) dao động trong khoảng từ 230-330mm.

Khi dự báo không chính xác, các quyết định vận hành hồ trở nên mạo hiểm. Xả sớm, lưu lượng lớn có thể gây ngập lụt hạ du; giữ nước quá lâu có thể đẩy công trình vào tình trạng nguy hiểm. Thực tế đó đòi hỏi một cuộc "đại tu" toàn diện: hiện đại hóa hệ thống dự báo, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn, xây dựng mạng lưới chia sẻ thông tin giữa khí tượng – thủy văn – vận hành hồ, và quan trọng nhất là minh bạch hóa dữ liệu cho các cơ quan và cộng đồng địa phương.

Hồ chứa Bản Vẽ "gồng mình" trong bài toán quy trình vận hành

Theo chuyên gia thủy văn Hoàng Minh Tuyển, lũ đến hồ Bản Vẽ vượt lũ kiểm tra gần 2.300 m3/s mà hồ chưa đầy, đập vẫn an toàn và cắt giảm được lũ cho hạ du.

- Thứ nhất: Lũ đến hồ tuy có đỉnh lũ lớn 12.800 m3/s, nhưng tổng lượng nhỏ (lũ gầy, lũ rút nhanh). Tổng lượng lũ khoảng 680 triệu m3.

- Thứ 2, trước khi lũ đến mực nước hồ rất thấp. Thấp hơn mực nước cho phép đón lũ 3.5m, dành thêm được 134 triệu m3 để chứa lũ. Tổng dung tích có thể chứa lũ trước khi con lũ lịch sử này xảy ra của hồ Bản Vẽ là 590 triệu m3 (tính đến mực nước kiểm tra), có thể chứa đến 85% con lũ lịch sử này vào hồ. Thực tế hồ đã cắt được đến 70% tổng lượng lũ.

- Hồ đã vận hành rất mềm dẻo và phải nói rất dũng cảm, dám chịu trách nhiệm khi lưu lượng vào hồ vượt quá lũ thiết kế (7.770 m3/s) và vượt quá lũ kiểm tra 0.02% (10.500 m3/s).

Tuy nhiên, hồ chứa Bản Vẽ chỉ là điểm sáng lẻ loi, không giải quyết được bài toán hệ thống.

Bài học từ các quốc gia chống lũ thành công

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chỉ dựa vào công trình kiên cố là chưa đủ. Hà Lan – quốc gia phần lớn lãnh thổ nằm dưới mực nước biển,  ngoài việc xây dựng đê biển và trạm bơm hiện đại, còn áp dụng chiến lược "Sống chung với nước": Khôi phục các vùng ngập tự nhiên, tạo hành lang thoát lũ, xây nhà nổi và lập quỹ phòng chống rủi ro dài hạn. Nhờ đó, dù thường xuyên hứng chịu triều cường và mưa lớn, Hà Lan hiếm khi phải sơ tán dân hàng loạt.

Nhật Bản – quốc gia thường xuyên đối diện bão lũ đã xây dựng những hầm chứa ngầm khổng lồ như "Cung điện dưới lòng đất" tại Saitama, đồng thời bắt buộc mỗi địa phương tổ chức diễn tập sơ tán định kỳ, với hệ thống cảnh báo nhắn tin và phát thanh khẩn cấp phủ khắp.

Nhật Bản chú trọng tái đánh giá an toàn hồ chứa định kỳ và thiết kế theo "Xấu nhất có thể" (Worst-case scenario): Là quốc gia nhiều sông ngắn, dốc, mưa cực đoan và động đất. Sau các sự cố lớn như mưa lũ vùng Kyushu (2020) và siêu bão Hagibis (2019), chính phủ Nhật tái lập hệ thống đánh giá an toàn hồ chứa quy mô quốc gia. Định kỳ 15 năm phải đánh giá lại an toàn đập theo Luật Quản lý Đập (Dam Act). Áp dụng tiêu chuẩn thiết kế "Level 2" – giả định thảm họa tồi tệ nhất (không dựa thuần túy vào tần suất 100 năm hay 1.000 năm). Tích hợp hệ thống quan trắc tự động, AI ra quyết định điều tiết hồ, chia sẻ dữ liệu real-time đến chính quyền địa phương. Coi hồ chứa là một phần trong hệ sinh thái quản lý rủi ro tổng hợp (IRRM), chứ không đơn lẻ.

Hàn Quốc, sau thảm họa lũ năm 1998, đã số hóa hoàn toàn quản lý hồ chứa và thiết lập trung tâm dự báo lũ quốc gia kết nối 24/7, giúp giảm thiệt hại đáng kể trong hai thập kỷ qua.

Trung Quốc: Rà soát toàn bộ hồ chứa cấp độ cao sau thảm hoạ Thiên Tân và Trịnh Châu sau khi xảy ra trận siêu mưa năm 2021, mưa 720 mm/24h tại Trịnh Châu (Hà Nam) khiến nhiều đập nhỏ vỡ, 300 người thiệt mạng. Chính phủ Trung Quốc đã lập danh mục 98.000 hồ chứa toàn quốc, phân loại theo rủi ro, tuổi thọ và khả năng xả lũ. Trung quốc đã cho xây dựng hệ thống xếp hạng hồ chứa theo cấp độ rủi ro (A-B-C) để ưu tiên đầu tư gia cố, nâng cấp. Bắt buộc lắp đặt hệ thống camera giám sát, cảm biến mực nước, và nền tảng dữ liệu tích hợp "One Map" dùng cho phòng chống thiên tai. Áp dụng công nghệ Big Data và mô phỏng thủy văn phân tán để tính toán lại tần suất mưa/lũ theo vùng khí hậu cực đoan.

Những kinh nghiệm này cho thấy: Công trình kiên cố, kết hợp dự báo hiện đại, cộng đồng chủ động và hệ sinh thái tự nhiên đó là bốn trụ cột để chống lũ hiệu quả.

Bộ đội, công an giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai ở Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Chiến lược an toàn hồ chứa và phòng chống lũ cho Việt Nam

Từ những bài học ấy, đã đến lúc chúng ta xây dựng một Chiến lược an toàn hồ chứa và phòng chống lũ quốc gia với những trọng tâm sau:

  • Cập nhật lại tiêu chuẩn thiết kế và vận hànhcho các hồ thủy điện, thủy lợi trọng điểm. Các kịch bản lũ "nghìn năm" cần được tính toán lại dựa trên dữ liệu khí tượng, thủy văn mới, kể cả những cực đoan do biến đổi khí hậu và tác động nhân sinh.
  • Hiện đại hóa hệ thống dự báo và cảnh báo: Đầu tư công nghệ mô phỏng số trị, AI, radar thời tiết, dữ liệu vệ tinh; xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin thời gian thực giữa các đơn vị, với cảnh báo sớm đến từng hộ dân vùng hạ du qua điện thoại, đài phát thanh và mạng xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phối hợp quan trắc, dự báo, cảnh bảo, chia sẻ thông tin dữ liệu đối với các lưu vực sông xuyên biên giới.
  • Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái lưu vực. Trồng rừng đầu nguồn, bảo vệ đất ngập nước và hành lang thoát lũ, giảm bê tông hóa lưu vực để phục hồi "lá chắn tự nhiên" làm chậm dòng chảy.
  • Thiết lập cơ chế giám sát độc lập đối với vận hành hồ chứa. Điều chỉnh, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa linh hoạt hơn, chủ động hơn với các tình huống cực đoan, lịch sử. Các quyết định xả lũ cần minh bạch, có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng, tránh tình trạng "xả đột ngột" gây sốc cho vùng hạ du.
  • Lập Quỹ phòng chống rủi ro hồ chứa để chủ động kinh phí nâng cấp đập, thiết bị xả, diễn tập sơ tán và hỗ trợ người dân khi xảy ra thiên tai.

Trách nhiệm và niềm tin

Mỗi trận lũ không chỉ gây tổn thất về tài sản hàng nghìn tỷ đồng trôi theo dòng nước mà còn thử thách niềm tin của nhân dân vào bộ máy quản lý. Nếu các cơ quan chức năng chỉ dừng ở những biện pháp đối phó ngắn hạn, không minh bạch thông tin, niềm tin ấy sẽ tiếp tục suy giảm.

Đã đến lúc đặt trách nhiệm rõ ràng: Từ Bộ, ngành Trung ương đến chính quyền địa phương, từ đơn vị quản lý hồ chứa đến cơ quan dự báo khí tượng, tất cả phải chịu giám sát và công khai kế hoạch ứng phó. Một hệ thống giám sát độc lập có thể dưới dạng Hội đồng an toàn hồ chứa quốc gia cần được thành lập, với quyền kiểm tra đột xuất và báo cáo công khai trước Quốc hội và Chính phủ.

Xã biên giới Mỹ Lý thiệt hại nặng nề do thiên tai. 

Đừng để lặp lại "giá như"

Những hình ảnh người dân Nghệ An "tất tả chạy lũ" không nên trở thành điệp khúc hàng năm. Nếu không có một chiến lược chủ động, chúng ta sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: Chờ lũ, chạy lũ, rồi họp bàn "giá như". Trong khi đó, giải pháp đã rõ: Chủ động cập nhật quy chuẩn, hiện đại hóa dự báo, phục hồi hệ sinh thái, minh bạch vận hành và huy động sức mạnh cộng đồng.

Không ai có thể ngăn được mưa bão. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn thảm họa nhân tạo, những trận lũ vượt ngoài tầm kiểm soát chỉ vì chậm cải cách và thiếu trách nhiệm. An toàn hồ chứa và bảo vệ nhân dân phải trở thành ưu tiên chiến lược, không thể chậm trễ. Bởi mỗi ngày trì hoãn là thêm một nguy cơ, và mỗi trận lũ dữ lại có thể trở thành bi kịch cho hàng nghìn gia đình.

Việt Nam, với đặc thù địa hình và khí hậu, cần một chiến lược tổng thể: Rà soát lại quy hoạch phân vùng lưu vực sông, đồng bộ hóa hệ thống hồ chứa và đê điều, đánh giá, cập nhật quy trình vận hành các hồ chưa theo bài toán hệ thống trong điều kiện biến đổi khí hậu cực đoan, hiện đại hóa cảnh báo sớm, siết chặt quản lý rừng và khai thác tài nguyên theo đúng quy hoạch, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng. Chỉ khi đó, những trận lũ lịch sử như ở Nghệ An những ngày qua mới không còn là "thảm họa lặp lại", mà trở thành thử thách để đất nước tiến lên con đường phát triển bền vững và an toàn hơn cho mọi người dân.

TÔ VĂN TRƯỜNG
Tin khác
Thứ trưởng Võ Văn Hưng: Việt Nam-Senegal cùng hành động vì nền nông nghiệp xanh
Thứ trưởng Võ Văn Hưng: Việt Nam-Senegal cùng hành động vì nền nông nghiệp xanh

Thứ trưởng Võ Văn Hưng đề xuất 5 trọng tâm hợp tác Việt Nam - Senegal tại tọa đàm đối thoại chính sách song phương.

Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?
Vì sao đề tài ý nghĩa lại bị kết luận là thất bại?

Hai đề tài dược liệu đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng tốt, giá trị thực tiễn cao, nhưng vẫn bị kết luận “không hoàn thành”, để lại day dứt...

Hành trình Đồng Giao
Hành trình Đồng Giao

Năng lực chế biến của DOVECO đã đạt gần 220.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu giai đoạn 2020-2025 vượt 12.000 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu 436 triệu USD. Đời sống hơn 15.000 hộ nông dân liên kết ngày một nâng lên.

Nơi những giấc mơ không khép lại
Nơi những giấc mơ không khép lại

Giữa đại ngàn xứ Quảng, cây thuốc hồi sinh cùng giấc mơ giữ rừng, giữ người, giữ lấy một hy vọng chưa từng tắt trong những cuộc đời nhiều lặng lẽ.

Một đời giữ lại cho dược liệu quý
Một đời giữ lại cho dược liệu quý

Từ vùng rừng nghèo khó, cây thuốc trở thành sinh kế mới, giúp người dân giữ rừng, sống khỏe và sung túc hơn.

65 năm Bác Hồ về thăm Đồng Giao: Đi theo kim chỉ nam của Người
65 năm Bác Hồ về thăm Đồng Giao: Đi theo kim chỉ nam của Người

Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nông trường quốc doanh Đồng Giao cách đây 65 năm trở thành kim chỉ nam để DOVECO đạt được những thành tựu rực rỡ hôm nay.

TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh
TS Trần Văn Đạt: Xây dựng nông nghiệp thông minh

Các nước phát triển đã thực hiện những tiến bộ rất lớn trong ngành nông nghiệp. Họ trải qua nhiều thập niên để công nghiệp hóa đất nước, cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng mô hình nông nghiệp chính xác, và tiên tiến trong nông nghiệp số hay nông nghiệp thông minh; trong khi Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác bị bỏ lại phía sau khá xa.

Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp
Khi OCOP là cầu nối giúp vượt qua thách thức nông nghiệp

Nhiều quốc gia châu Phi đồng thuận trong việc xem OCOP là giải pháp khả thi giúp khắc phục các thách thức trong sản xuất, từ đó mở rộng chuỗi giá trị bền vững.

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam
Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Việt Nam cam kết đồng hành cùng các quốc gia châu Phi, châu Á phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'
FAO giới thiệu phương pháp đổi mới '5 tăng - 5 giảm - 3 tối ưu'

FAO nâng cao năng lực chuyển đổi số thông qua các sáng kiến cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu cho mục tiêu sản xuất bền vững, tiêu dùng hiệu quả.

Học không cho mình, mà học để phụng sự người dân
Học không cho mình, mà học để phụng sự người dân

Nhiều người nghĩ: Khi đã đeo hàm, đeo bảng tên, ngồi vào ghế lãnh đạo rồi thì không cần học nữa... Nhưng nếu học để phục vụ người dân, thì không được phép không học.