Vất vả với những tấm ván phai
Trên địa bàn Bình Định hiện có 31 con đập chính trên các hệ thống sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn), sông La Tinh (huyện Phù Cát), sông Kôn (thị xã An Nhơn) và sông Hà Thanh (huyện Vân Canh); ngoài ra, trên hệ thống kênh còn có hàng trăm con đập nhỏ khác chỉ 1-2 cửa làm nhiệm vụ dâng nước phía hạ lưu để đưa nước vào ruộng đồng.

Những tấm ván phai của đập Thạnh Hòa 1 (huyện An Nhơn) giờ được xếp thành đống trong kho của tổ thủy nông. Ảnh: V.Đ.T.
Cũng như các hồ chứa, những đập dâng trên sông ở Bình Định hầu hết được xây dựng từ những năm đầu giải phóng bằng hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, nên giờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi những con đập trên sông có vai trò rất quan trọng, chúng như cánh tay nối dài đưa nước từ các hồ chứa đến với đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho hay: Sau khi tạo được nguồn nước trên đầu nguồn (ví như ở hệ thống sông Kôn đã xây dựng được hồ Định Bình có dung tích chứa đến 226 triệu m3 nước), khi đưa nước về hạ du cần phải có những con đập chặn dòng nước lại, dâng nước cao lên để đưa vào đồng ruộng tưới.
Trước đây, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nên những con đập trên sông hầu hết được xây dựng bằng đá. Cửa đập thì rất nhỏ, mỗi cửa có chiều rộng chỉ 2m, đóng mở cửa đập bằng sức người với những tấm ván phai. Công trình thì nằm dưới mưa nắng, lại qua thời gian dài vận hành nên càng về sau càng rệu rã.
Theo anh Nguyễn Uyên Thiện, Tổ trưởng Tổ thủy nông đập Thạnh Hòa 1 nằm trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định), trước đây, vận hành những con đập trên sông rất phức tạp. Khi muốn mở cửa đập để thoát lũ phải có 4-5 công nhân thủy lợi dùng những cây sắt có móc, móc vào khuy sắt 2 bên đầu những tấm ván phai, nặng nhọc kéo từng tấm ván lên.
Một cửa đập có độ sâu từ 2,5-3,2m, mỗi tấm ván phai có chiều cao 20cm, như vậy, mỗi cửa đập phải có đến 12-16 tấm ván phai. Những mùa mưa lũ, công nhân thủy lợi phụ trách các con đập phải mở cửa đập để thoát lũ, áp lực nước trong mùa lũ khiến việc gỡ những tấm ván phai từ cửa đập lên rất khổ, lại rất nguy hiểm.

Đầu tấm ván phai có một móc sắt to để công nhân thủy lợi móc cây sắt vào kéo lên mỗi khi muốn mở cửa đập. Ảnh: V.Đ.T.
“Nhiều khi mới đóng cửa đập thì lũ về đột ngột không kịp kéo lên để thoát lũ, vậy là nước tràn, gây lũ ngập nhiều khu dân cư của phường Bình Định và phường Nhơn Hòa, ngập cả đồng ruộng gây hư hỏng lúa”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho biết thêm.
Hiện đại hóa các con đập
Trước những bất cập kể trên, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định cần hiện đại hóa các đập dâng trên sông để nâng cao việc tiêu thoát lũ trong những mùa mưa bão, hạn chế sự cố gây úng và vận hành được thuận lợi, đồng thời an toàn cho những nhân viên vận hành đập.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, trong năm 2023, Bình Định đã thực hiện đầu tư xây dựng 19 danh mục dự án sửa chữa các công trình thủy lợi đã xuống cấp trên địa bàn; bao gồm dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới với tổng vốn là 1.190 tỷ đồng. Trong đó có các đập dâng trên sông, như: Thạnh Hòa 1, Thuận Hạt, Thông Chín, Cây Bứa, Tháp Mão, Gò Chàm, Gò Đậu thuộc hệ thống thủy lợi Tân An - Đập Đá (thị xã An Nhơn).

Công nhân thủy lợi Bình Định đang móc, kéo những tấm ván phai tại những con đập chưa được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: V.Đ.T.
Theo đó, bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 do Trung ương hỗ trợ và vốn ngân sách tỉnh, đập dâng Thạnh Hòa 1 được xây dựng từ năm 1982 nằm trên địa bàn phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) được đầu tư xây dựng mới, công trình được khởi công vào năm 2023, cuối năm 2024 hoàn thành và đưa vào vận hành.
Đập mới có tổng chiều rộng hơn 107m với 7 cửa xả sâu ở giữa, mỗi cửa rộng 12m, vận hành bằng cửa van phẳng vật liệu thép, đóng mở bằng hệ thống tời điện; hai bên bố trí 2 khoang tràn tự do, mỗi khoang rộng 4m và 1 đường tràn vai bờ tả rộng 16,2m, đỉnh đập được xây dựng cầu công tác kết hợp giao thông…
Ngoài ra, công trình còn đầu tư xây dựng hệ thống cống lấy nước bờ hữu, cống lấy nước bờ tả, kè thượng lưu đập, hệ thống điện, lắp đặt thiết bị đo mưa, đo mực nước tự động và camera giám sát để tự động hóa trong quá trình quản lý vận hành; tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới đập dâng Thạnh Hòa 1 khoảng 95 tỷ đồng.
Cũng theo ông Chương, trước đó, Bình Định đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới một số công trình đập dâng trên sông khác, như: Đập dâng An Thuận (huyện Tuy Phước), đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn), đập dâng Bình Thạnh (thị xã An Nhơn), đập dâng Lão Tâm và đập dâng Đức Phổ (huyện Phù Cát)...
“Giữa tháng 3/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh về chủ trương sửa chữa máy biến áp đập dâng Lão Tâm hiện do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý để ổn định nguồn điện vận hành đập. UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý với kinh phí dự kiến khoảng 100 triệu đồng. Kinh phí thực hiện là nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi và nguồn thu từ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác năm 2025 của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho hay.