
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu Chính sách tại Học viện Tổng thống Nga. Ảnh: TTXVN.
Sáng 10/5 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ và phát biểu tại Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (viết tắt RANEPA), hay còn gọi là Học viện Tổng thống.
Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng được đến thăm và phát biểu tại Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga đúng dịp nước Nga tổ chức kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Tổng Bí thư khẳng định sự đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ chân thành, thủy chung và tình đoàn kết cao cả của Liên Xô trong quá khứ và Liên bang Nga ngày nay là di sản lịch sử quý báu để hai nước tiếp tục vun đắp, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị thực chất hiện nay và trong thời gian tới.
Vượt lên trên khoảng cách địa lý, hai đất nước có sự tương đồng to lớn về lịch sử, tinh thần, tầm nhìn và giá trị. Cả hai dân tộc “đồng điệu” về tâm hồn, “đồng cảm” vượt qua những thử thách và “đồng hành” trên những chặng đường phát triển mà trên hết là tình đồng chí, anh em. Trên thế giới, ít có đất nước nào luôn chiếm một tình cảm sắt son, sâu đậm trong lòng các thế hệ người Việt Nam như Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay.
Thông tin về quá trình tiến hành công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, Tổng Bí thư cho biết vượt qua nhiều khó khăn, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế mở, năng động, một điểm sáng về tăng trưởng. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đó cùng sự ghi nhận của bạn bè quốc tế đã đặt Việt Nam vào khởi điểm lịch sử mới, tự tin vững bước vào kỷ nguyên mới với những định hướng mang tính chiến lược và dài hạn cho chặng đường tiếp theo.
Nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước, Tổng Bí thư cho biết các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên bang Nga đã trao đổi và đưa ra những định hướng: đẩy mạnh trao đổi đoàn, tham khảo và đối thoại thường xuyên, thực chất ở cấp cao và cấp cao nhất; Nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư - lĩnh vực hợp tác trọng tâm của quan hệ hai nước.
Đặc biệt cần ưu tiên, tạo thuận lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính-tín dụng phù hợp với luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, cần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông, lâm và ngư nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp, chế tạo máy và năng lượng.

Hiệu trưởng Học viện trao cho Tổng Bí thư Tô Lâm danh hiệu "Giáo sư danh dự" của Học viện Hành chính Công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư nêu rõ đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng-an ninh là lĩnh vực giữ vai trò đặc biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam-Nga, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của tình hình hiện nay, đồng thời góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Đẩy mạnh hợp tác khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xem đây như lĩnh vực hợp tác then chốt của quan hệ, trong đó có hợp tác về khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, công nghệ y sinh và năng lượng tái tạo.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một ưu tiên cao của Việt Nam hiện nay, do đó đặc biệt coi trọng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, nhất là triển khai hiệu quả dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
Tổng Bí thư bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến những cựu chiến binh, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia Nga đã dành trọn tình cảm và hỗ trợ đất nước Việt Nam qua các thời kỳ.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tất cả đều mãi mãi là những người bạn, người đồng chí, anh em thủy chung, thân thiết của nhân dân Việt Nam.
Nhân dịp này, Hiệu trưởng Học viện Hành chính công và Kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Alexey Gennadievich Komissarov đã trao tặng Tổng Bí thư Tô Lâm danh hiệu “Giáo sư danh dự” của Học viện.
Trao tặng Bản sao Luận án "Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ với quần chúng trong giai đoạn hiện nay (dựa trên kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô)," của cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, bảo vệ năm 1983”