Ngày 12/5, tại Hà Nội, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc thực thi các chính sách và quy định về quản lý hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường trong ngành dệt may.
Cấp thiết phải chuyển đổi
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu sử dụng và phát thải hóa chất, bao gồm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), trong lĩnh vực dệt may” – một sáng kiến trọng điểm do Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Dự án đặt mục tiêu nâng cao năng lực quản lý hóa chất và chất thải công nghiệp thông qua việc kiểm soát, giảm thiểu sử dụng và xử lý an toàn các hóa chất ưu tiên (CoCs), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh cho ngành dệt may Việt Nam.

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cho rằng, kiểm soát các hóa chất độc hại như POPs là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Ảnh: Trường Giang.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo nhấn mạnh: “Ngành dệt may là một trong những trụ cột kinh tế của Việt Nam, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, ngành cũng đang đối mặt với yêu cầu cấp thiết phải chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế".
Ông Tuấn cho biết, kiểm soát các hóa chất độc hại như POPs là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, bởi đây là những chất có thể gây rủi ro lớn cho sức khỏe con người và hệ sinh thái nếu không được quản lý nghiêm ngặt.
Cuộc họp lần này được xem là diễn đàn khởi đầu quan trọng, quy tụ đại diện các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhằm thảo luận, đề xuất các kế hoạch và chính sách thiết thực để hướng ngành dệt may phát triển bền vững, sạch hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Thí điểm thay thế hóa chất an toàn hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Anton Purnomo, Giám đốc Trung tâm Điều phối khu vực Đông Nam Á Công ước Basel và Stockholm cho biết, Dự án hiện đang được triển khai tại bốn quốc gia gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan và Việt Nam trong giai đoạn 2022–2027. Tại Việt Nam, dự án đã được phê duyệt và sẽ chính thức bắt đầu triển khai từ quý IV năm 2024 do đó cần khẩn trương triển khai để đảm bảo tiến độ của Dự án.

Ông Anton Purnomo, Giám đốc Trung tâm Điều phối khu vực Đông Nam Á Công ước Basel và Stockholm đề nghị cần cần khẩn trương triển khai để đảm bảo tiến độ của Dự án. Ảnh: Trường Giang.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Mai, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Viện dự kiến sẽ tiến hành kiểm kê tại 120–150 nhà máy dệt may để đánh giá tình hình sử dụng POP và CoC, đồng thời thí điểm thay thế hóa chất an toàn hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng các hướng dẫn giảm thiểu rủi ro hóa chất và đề xuất cải tiến chính sách phù hợp với kinh tế tuần hoàn.
Viện cũng dự kiến đóng góp vào việc sửa đổi Luật Hóa chất và các văn bản liên quan, đồng thời đẩy mạnh hoạt động đào tạo, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quốc gia trong việc kiểm soát các hóa chất độc hại.