Chiều 10/3, Tiểu ban chuyên đề số 3 (trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị triển khai Nghị quyết 57) tổ chức phiên họp quan trọng với sự tham dự của gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Tâm điểm của buổi làm việc là đánh giá kết quả và định hình chiến lược phát triển cho ba lĩnh vực then chốt: môi trường, tài nguyên nước và viễn thám.
Tại phiên họp, 6 báo cáo tham luận cùng 4 ý kiến thảo luận đã làm rõ những thành tựu nổi bật cũng như các thách thức đặt ra. Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường, Trưởng Tiểu ban - nhấn mạnh rằng, những kết quả hiện có không chỉ mang tính định hướng chính sách, mà đã bước đầu tạo nên nền tảng dữ liệu và công nghệ phục vụ quản lý Nhà nước, dự báo môi trường và viễn thám.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ NN-MT). Ảnh: Khương Trung.
Tạo nền tảng dữ liệu phục vụ cho quản lý
Một điểm sáng trong bức tranh tổng thể là việc từng bước hình thành và ứng dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Việc tích hợp hệ thống quan trắc môi trường, tài nguyên nước với công nghệ viễn thám và xử lý ảnh vệ tinh đang mở ra khả năng giám sát theo thời gian thực (điều mà trước đây vẫn là khoảng trống) và là tiền đề quan trọng để triển khai mô hình dự báo, cảnh báo sớm, quản trị rủi ro khí hậu.
Đáng chú ý, hàng loạt giải pháp công nghệ xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn cũng đã được nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Viễn thám, từ một ngành khoa học đặc thù, cũng đang từng bước ghi dấu ấn vào các lĩnh vực đời sống như nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và quy hoạch không gian sinh thái. Theo Cục trưởng Hoàng Văn Thức, điều này không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn mang lại hiệu quả giám sát xuyên suốt và khách quan.
Bốn trụ cột cho giai đoạn tiếp theo
Từ kết quả hội thảo, Tiểu ban đã xác lập 4 định hướng chiến lược mang tính chất đột phá:
Đó là, cải cách thể chế. Cùng với việc rà soát và hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Tiểu ban kiến nghị nghiên cứu xây dựng Luật Viễn thám, nhằm tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực còn rất mới mẻ nhưng đầy tiềm năng này.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), đây là một yêu cầu sống còn trong quản trị hiện đại. Không chỉ kết nối các nguồn dữ liệu hiện có, định hướng này đặt trọng tâm vào tích hợp trí tuệ nhân tạo để phục vụ dự báo và điều hành chính sách.
Bên cạnh đó là phát triển kinh tế tuần hoàn tài nguyên, đặc biệt trong các ngành sản xuất có lượng phụ phẩm lớn như nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Đây không chỉ là bài toán môi trường, mà còn là hướng đi để tối ưu hóa giá trị sản phẩm và giảm áp lực chất thải.
Cuối cùng, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, từ trang thiết bị đến mạng lưới thu thập dữ liệu nhằm để đảm bảo đủ năng lực đáp ứng yêu cầu dự báo và quản lý tổng hợp tài nguyên.
Kiến nghị đột phá và sự quyết liệt từ cơ quan chủ quản
Để hiện thực hóa các định hướng trên, Tiểu ban đề xuất một loạt giải pháp trọng tâm. Trong đó có yêu cầu thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu dùng chung trong toàn ngành; phát triển bộ chuẩn dữ liệu thống nhất; đầu tư nhân lực chất lượng cao; và nâng cấp các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm để đón đầu công nghệ mới.
Thứ trưởng Bộ NN-MT Phùng Đức Tiến, người trực tiếp chỉ đạo phiên họp, đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, thực chất của các đại biểu. Ông ghi nhận, dù điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu và cơ chế tài chính chưa thật linh hoạt, nhưng những kết quả hiện tại là nỗ lực rất lớn của đội ngũ nghiên cứu, các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành.
“Sau hội nghị này, khi ngân sách dành cho khoa học được phân bổ theo tinh thần 2% tổng chi ngân sách như Nghị quyết đã đề ra, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực để triển khai mạnh mẽ các đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn, giải quyết trực tiếp những vấn đề cấp bách và dài hạn của ngành”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ NN-MT đồng thời cảnh báo, việc tăng ngân sách chỉ có ý nghĩa nếu được sử dụng hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mang tính hình thức. “Nếu thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tôi tin rằng nguồn kinh phí 2% này sẽ thực sự trở thành động lực cho đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tài nguyên ngày càng suy kiệt và yêu cầu phát triển xanh, bền vững đã trở thành ưu tiên toàn cầu, những chuyển động tại phiên họp của Tiểu ban chuyên đề số 3 là tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, chuyển đổi nhận thức sang hành động, từ chính sách đến công nghệ, từ dữ liệu đến con người, vẫn là một chặng đường dài, đòi hỏi sự quyết tâm chính trị, đầu tư đồng bộ và tinh thần không khoan nhượng với sự trì trệ.