Bộ GD-ĐT vừa công bố kế hoạch tuyển sinh ĐH, CĐ với nhiều thông tin mới như: tăng chỉ tiêu, điều chỉnh điểm ưu tiên, không được hạ điểm chuẩn, các trường CĐ vẫn tổ chức thi...
Ông Đỗ Quốc Anh – Vụ trưởng, Giám đốc VPĐD Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho NNVN biết những thông tin mới nhất mà thí sinh cần chú ý, nắm vững như sau.
Thời gian thi và nộp hồ sơ
Theo lịch thi dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh 2009 sẽ có hai đợt thi ĐH bao gồm:
- Đợt 1: Ngày 4 và 5/7/2009 thi khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp Năng khiếu vẽ đến ngày 7/7/2009.
- Đợt 2: Ngày 9 và 10/7/2009 thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa (khối H, N thi Văn theo đề thi khối C, khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D, khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B, khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến 13/7/2009.
- Đợt 3: Các trường hệ CĐ sẽ thi trong ngày 15 và 16/7/2009 (trừ các môn năng khiếu kéo dài đến 22/7).
Điều kiện dự thi
TS đã tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và tương đương (sau đây gọi chung là THPT). Quy trình và thời hạn thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi được thực hiện như sau: Học sinh đang học lớp 12 THPT, bổ túc THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký dự thi (ĐKDT) tại trường đó, không nộp tại các điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT. Học sinh sẽ nộp hồ sơ từ ngày 10/3 đến 10/4/2009. Đối với TS tự do, vãng lai nộp hồ sơ ĐKDT tại các điểm thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT, từ ngày 10/3 đến 10/4/2009. Kể từ ngày 11/4 đến 17/4/2009, TS có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi mà mình dự thi. Theo quy định, TS nộp hồ sơ ĐKDT ở đâu sẽ nhận giấy báo dự thi (và sau này là giấy báo điểm hoặc giấy báo trúng tuyển) từ nơi đó.
Theo Bộ GD-ĐT, hệ số K giữa số TS dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh, thường gọi là “tỉ lệ chọi”, có chiều hướng giảm dần qua từng năm kể từ khi bắt đầu áp dụng phương thức thi “ba chung”. Bộ GD-ĐT cho biết nếu như năm 2003, năm đầu tiên áp dụng “ba chung”, tỉ lệ chọi bình quân toàn quốc đối với hệ ĐH là 7,43 thì đến năm 2008 con số này chỉ còn là 4,98. Tương tự, tỉ lệ chọi dự thi vào hệ CĐ cũng giảm từ 5,3 năm 2003 xuống còn 2,1…
Đề thi như thế nào?
Nguyên tắc ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 Bộ GD-ĐT là ra đề thi chung cho các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi. Các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học và Sinh học đề thi theo phương pháp trắc nghiệm (thời gian 90 phút), các môn còn lại theo phương pháp tự luận (thời gian 180 phút). Ngoài ra, các trường tự ra đề thi các môn năng khiếu.
Về nội dung đề thi phải bám sát chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, quá phức tạp, không đánh đố, phù hợp với thời gian làm bài, nhưng vẫn có một số câu hỏi “hóc búa” để phân loại TS. Đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đề thi mỗi môn gồm hai phần: Phần chung cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng ra theo từng chương trình: chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. TS chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. TS nào làm cả hai phần riêng cùng một đề thi thì bài làm bị coi là phạm quy. Do đó bài làm chỉ được chấm điểm phần chung. Đối với các môn Ngoại ngữ: đề thi mỗi môn chỉ có phần chung dành cho tất cả TS, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng.
Chỉ tiêu tuyển sinh, khung điểm
Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến chỉ tiêu tuyển mới đào tạo ĐH, CĐ năm 2009 tăng 12%, trung cấp chuyên nghiệp tăng 17% so với năm 2008. Các cơ sở đào tạo được chủ động đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 phù hợp với năng lực của mình. Những cơ sở đào tạo trong hai năm 2007-2008 đã thực hiện tuyển sinh vượt quá 20% số chỉ tiêu xác định ban đầu sẽ phải đánh giá lại và kiểm tra cụ thể việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009.
Khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh đối với các trường đóng tại các vùng dân tộc thiểu số và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương sẽ có thay đổi. Bộ GD-ĐT dự kiến từ kỳ thi tuyển sinh 2009, đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm. Theo Bộ GD-ĐT, quy định như vậy để số TS trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỉ lệ cần thiết. Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu.