Sáng 15/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.
Các đại biểu cho rằng đây là một chính sách quan trọng nhằm tiếp tục khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển khu vực nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, đồng thời thống nhất cao với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định về Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến ý kiến về dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn.
Duy trì chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN được đánh giá là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, chính sách này tiếp tục là động lực thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng hiệu quả và hiện đại.
Miễn thuế SDĐNN hỗ trợ quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từ đó thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chuyên canh hóa, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, chính sách này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, giảm chi phí sản xuất và hỗ trợ người nông dân vượt qua những rào cản của xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng trên thế giới.
Miễn thuế SDĐNN không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn mà còn góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Việc tiếp tục miễn thuế cũng phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế về hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn.
Phù hợp với định hướng phát triển
Qua hơn 30 năm thực hiện, chính sách thuế SDĐNN đã bộc lộ một số bất cập như phương pháp tính thuế lạc hậu, giá trị thu được thấp và không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thực tế, từ năm 2001 đến nay, việc miễn, giảm thuế SDĐNN là chủ yếu nhằm thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này đề xuất tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN theo các quy định hiện hành tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết năm 2030. Mục tiêu là duy trì các kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tác động tích cực và khuyến nghị hoàn thiện chính sách
Theo đánh giá, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến năm 2030 sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, bởi chính sách này đã và đang được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Ước tính mỗi năm, số thuế SDĐNN được miễn lên tới khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây là một khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân và là nguồn lực đáng kể để tái đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đó cũng là một minh chứng rõ nét cho chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng thời phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ cần xem xét, không áp dụng miễn thuế đối với những diện tích đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Đồng thời, cần thực hiện các đánh giá định kỳ để đo lường hiệu quả chính sách từ nhiều góc độ, bao gồm tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.
Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến năm 2030 không chỉ là chính sách hỗ trợ kinh tế mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc đồng hành cùng người nông dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập quốc tế.