| Hotline: 0983.970.780

Thị trường bất động sản cần những 'liều thuốc mạnh' và thực chất hơn

Thứ Năm 15/05/2025 , 21:01 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần giải pháp quyết liệt, thực chất để xử lý bất cập kéo dài của thị trường bất động sản, nhất là cung - cầu, pháp lý.

Ngày 15/5, tại cuộc họp với Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản và một số địa phương về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Thị trường đang cần những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn để tháo gỡ những nút thắt tồn tại lâu nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ vấn đề nổi bật của thị trường bất động sản là mất cân đối giữa cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài nguyên, nguồn lực để phát triển dự án - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ vấn đề nổi bật của thị trường bất động sản là mất cân đối giữa cung và cầu, cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu tài nguyên, nguồn lực để phát triển dự án - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nhiều tồn tại kéo dài, chuyển biến chậm

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thị trường bất động sản hiện nay vẫn đang đối mặt với nhiều bất ổn. Tình trạng "đóng băng" hoặc "sốt nóng bất thường" liên tục tái diễn đã gây ra những biến động lớn về giá cả, kéo theo tác động dây chuyền tới hệ thống tín dụng và tài chính.

Đặc biệt, tốc độ tăng giá bất động sản tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, trong khi khả năng tiếp cận nhà ở của người dân lại ngày càng giảm, đây là một thực trạng đáng báo động. Dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất giải pháp, nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo nào rõ ràng được trình bày.

Nhiều vấn đề tồn tại vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các cuộc họp, hội thảo liên tục được tổ chức, nhiều kết luận đã ban hành, nhưng chuyển biến thực tế vẫn rất chậm.

Phó Thủ tướng yêu cầu cuộc họp phải nhìn thẳng vào thực trạng, xác định rõ nguyên nhân từ cả phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, từ đó đề xuất giải pháp cụ thể trình Quốc hội, Chính phủ. Vấn đề nổi cộm hiện nay là mất cân đối cung - cầu và cơ cấu sản phẩm bất hợp lý. Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn lực phát triển dự án, trong khi người dân khó tiếp cận nhà ở với giá hợp lý.

“Thị trường bất động sản cần những ‘liều thuốc mạnh’ và thực chất hơn. Nếu vấn đề nằm ở đất đai thì phải xử lý đất đai; nếu là tín dụng thì xử lý tín dụng; nếu là thủ tục thì phải cải cách thủ tục cho thực chất, đi đôi với cơ chế kiểm soát hiệu quả,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thị trường bước qua giai đoạn khó khăn nhất

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý I/2025, thị trường đã có một số tín hiệu phục hồi. 14 dự án nhà ở thương mại đã hoàn thành với hơn 3.800 căn (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước); 26 dự án được cấp phép mới với 15.800 căn (tăng 36%); 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với hơn 19.700 căn (tăng 55%).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Lượng giao dịch thành công đạt 33.585 căn hộ, nhà ở riêng lẻ và 101.049 lô nền. Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng, xuất hiện tình trạng tăng giá cục bộ sau các thông tin về sáp nhập hành chính hoặc đặt trụ sở cơ quan mới.

Tính đến cuối tháng 3/2025, dư nợ tín dụng bất động sản đã vượt 1,563 triệu tỷ đồng; vốn FDI vào lĩnh vực này đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong số 788 dự án bất động sản gặp khó khăn, đến nay mới có 136 dự án được tháo gỡ.

Về nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với hơn 9.700 ha đất. Đến nay, 108 dự án đã hoàn thành với 73.000 căn; 152 dự án đã khởi công (131.000 căn); và 419 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng số khoảng 419.000 căn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng nguồn cung vẫn mất cân đối, giá nhà cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực của người dân. Nhiều dự án đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý và nguồn vốn triển khai.

Vẫn thiếu hệ thống theo dõi và dự báo thị trường

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và TP.HCM chỉ ra những "nút thắt" lớn trong quy trình đầu tư như: phê duyệt chủ trương, cấp phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ... đều phức tạp và mất thời gian. Đại diện TP.HCM kiến nghị thí điểm bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư với một số dự án cụ thể hoặc các nhà đầu tư uy tín; phân loại công trình để áp dụng cơ chế hậu kiểm.

Một bất cập lớn là hiện vẫn chưa có hệ thống theo dõi, giám sát và dự báo thị trường bất động sản đầy đủ, khiến việc điều tiết cung - cầu trở nên khó khăn. Mặc dù nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng nhiều địa phương chưa xác định rõ thiếu - thừa ra sao để có phương án đầu tư phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh việc minh bạch toàn bộ quy trình phát triển bất động sản, từ quy hoạch, giá đất, thuế đến giá bán, là giải pháp cốt lõi để lành mạnh hóa thị trường. Các địa phương cần công bố công khai quỹ đất, triển khai sàn giao dịch bất động sản có quản lý nhà nước.

Toàn cảnh cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Toàn cảnh cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2025. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Hoàn thiện công cụ điều tiết, xử lý triệt để bất cập

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến tâm huyết, phản ánh sát thực trạng thị trường. Dù có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn giai đoạn trước, kéo theo hệ lụy tới hệ sinh thái đầu tư.

Phó Thủ tướng đánh giá: cơ cấu sản phẩm bất động sản mất cân đối nghiêm trọng, phân khúc nhà ở trung bình và xã hội hạn chế, thủ tục hành chính còn rườm rà. Ông yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp rà soát toàn diện quy trình đầu tư xây dựng, đặc biệt là nhà ở xã hội.

Thủ tục nào còn vướng mắc thì phải nêu rõ nguyên nhân và đề xuất sửa đổi ở cấp nghị định hay luật. Bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất để tiến tới áp dụng một giá đất thống nhất, làm cơ sở thu thuế công bằng, minh bạch và ngăn ngừa đầu cơ, thổi giá.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng được giao thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về cung cầu bất động sản, nhằm dự báo và điều tiết thị trường. Cùng với đó là công khai kế hoạch triển khai các dự án nhà ở xã hội, thương mại giá phù hợp để nhà đầu tư và người dân có thông tin minh bạch.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Xây dựng và Bộ Công an đánh giá nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, có phương án xử lý tài sản thế chấp với các doanh nghiệp không còn khả năng phục hồi kể cả chuyển giao dự án cho nhà đầu tư khác hoặc chuyển thành dự án nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần giải pháp quyết liệt, thực chất để xử lý bất cập kéo dài của thị trường bất động sản, nhất là cung - cầu, pháp lý. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh cần giải pháp quyết liệt, thực chất để xử lý bất cập kéo dài của thị trường bất động sản, nhất là cung - cầu, pháp lý. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Đột phá trong phát triển nhà ở xã hội

Về phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu mẫu thiết kế chuẩn, tích hợp đầy đủ tiêu chí phòng cháy chữa cháy, môi trường, kỹ thuật… vào một giấy phép xây dựng để rút ngắn thời gian.

Đồng thời, các địa phương cần chủ động chuẩn bị quỹ đất thay vì chỉ trông chờ vào 20% diện tích của các dự án nhà ở thương mại. Đối với những khu nhà ở tái định cư, thương mại bỏ hoang, cần nghiên cứu cho phép chuyển đổi sang nhà ở xã hội để tránh lãng phí.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị mở rộng đối tượng và tiêu chí thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, không chỉ dừng lại ở hình thức thuê, thuê mua mà có thể bán đứt khi đủ điều kiện. Cùng với đó là cải thiện nguồn tín dụng ưu đãi cho cả nhà đầu tư và người dân.

Ông cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế cải tạo nhà chung cư, phát triển nhà trọ, nhà cho thuê... nhằm đa dạng hóa sản phẩm nhà ở phục vụ các nhóm dân cư khác nhau.

Với nhiều chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, thị trường bất động sản kỳ vọng sẽ sớm được “hồi sức” bằng những liều thuốc thực chất, đúng bệnh, đúng liều, để phục hồi ổn định và phát triển bền vững.

Xem thêm
'Chảy máu chất xám': Thách thức lớn với tổ chức Đảng ngành lâm nghiệp

Tình trạng thiếu hụt nhân lực đang khiến tổ chức đảng, nhất là nhóm nghiên cứu lâm nghiệp, phải đổi mới cách thức tổ chức cán bộ và cơ cấu đội ngũ kế cận.

Bình luận mới nhất