Họ đã phải sống như vậy gần trọn hai mùa mưa. Hiện tại, cuộc sống của họ vẫn chưa thể ổn định. Cả cung trượt với hàng vạn khối đất đá vẫn đang “treo” trên đầu, trực chờ tụt xuống, vùi lấp tài sản, tính mạng của họ bất cứ lúc nào.
Trắng đêm lo sạt lở
Gia đình chị Lý Thị Huệ chuyển lên mặt bằng tái định cư từ tháng 4/2014, nhà cửa được xây dựng kiên cố với mong muốn ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, gần hai mùa mưa đi qua là cả ngần ấy ngày sống trong lo lắng, không biết nhà mình sạt lở bất cứ lúc nào.
Do nằm hoàn toàn trên phần đất mượn được lu lèn chưa kỹ theo như lời chị Huệ, nên mỗi khi có mưa, đất đằng sau nhà lại sụt thành những hố ăn sâu vào móng nhà. Vợ chồng chị phải nhồi đá hộc, trát xi măng không biết bao nhiêu lần mà vẫn chẳng ăn thua. Nhà vẫn lún, tường, nền nứt toác, há hốc như đang trực chờ kéo đổ mọi thứ…
Nhà chị Lý Thị Huệ, bị nứt, nghiêng sau mỗi trận mưa
Tương tự nhà chị Huệ, gia đình các chị Trang Thị Tươi, Lý Thị Dóng… hiện đang sống ngay bên dưới cung sạt. Đây là những hộ nằm trong nguy cơ rất cao về sạt lở, mùa mưa đến cũng là thời gian 13 gia đình mất ăn mất ngủ.
Chị Dóng cho hay, mỗi khi trời mưa là gia đình phải mang trẻ con đi gửi còn người lớn ở nhà trực chờ hót bùn tràn vào nhà. Nhiều hôm dọn xong mâm cơm ra chưa kịp ăn thì trời mưa, vậy là cả nhà bỏ cơm trực mưa…
Con chị Tươi cho biết, cứ mưa là thức trắng đêm để canh, mệt lắm, không có thời gian nghỉ ngơi hay làm việc khác. Hễ mưa là bỏ hết công việc ở nhà trực, nương rẫy cũng bỏ luôn…
Trong cùng thớt mặt bằng với gia đình chị Dóng, chị Tươi còn bốn gia đình khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Tất cả họ đều luôn trong tâm trạng lo lắng khi trời có mưa. Nhiều người ca cẩm, chuyển đến nơi ở mới điều mong nhất là ổn định, ấy vậy mà mọi thứ ở nơi mới có khá hơn thật đấy, nhưng đêm ngủ thì không yên tâm bằng nơi ở cũ…
Và họ mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý để đảm bảo tính mạng, tài sản cho họ. Còn hiện tại mùa mưa chưa kết thúc nên cứ có mưa là họ lại trắng đêm trong lo sợ.
Không chỉ bà con, chính quyền địa phương cũng luôn trong tình trạng ăn trực nằm chờ mỗi khi trời có mưa. Thậm chí, trong suốt mùa mưa luôn có cán bộ xã, huyện ăn ngủ tại bản để trực.
Theo như lãnh đạo huyện Mường Tè cho biết, lúc cao điểm có đến 20 cán bộ thuộc các cơ quan của huyện trực ở bản cùng với dân quân xã sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu… Ngoài ra, chính quyền địa phương còn mượn phòng ở các nhà trường, nhà văn hoá xã, bản để di chuyển bà con lên ngủ tạm mỗi khi có mưa lớn. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những biện pháp tình thế tạm thời, còn việc xử lý dứt điểm, do chưa hết mùa mưa nên vẫn chưa thể khắc phục.
Hiện huyện Mường Tè vẫn phải chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về phương án khắc phục cụ thể.
Xử lý dứt điểm, huyện chờ ý kiến tỉnh
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cung sạt, trượt trên bắt đầu từ mùa mưa năm 2014, và nguyên nhân được xem là do khu đó có mạch nước ngầm.
Hàng vạn mét khối đất đá nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào
Cụ thể, ngay trên đồi sau bản trước đây vốn là một khe nước ngầm, khi quy hoạch làm mặt bằng tái định cư, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công xây hệ thống mương bê tông nhằm thu toàn bộ số nước ngầm trên. Tuy nhiên, không hiểu thiết kế ra sao mà con mương này sau khi làm xong chỉ thu được nước mặt. Còn mạch ngầm vẫn ngấm qua và chảy xuống đầu bản dẫn đến tình trạng sạt lở trên.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, trước mùa mưa năm nay, huyện Mường Tè cũng đã cho khắc phục cung sạt trượt này. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị thi công hót bỏ đất sạt sụt, cắt từ hai cơ xuống thành bốn cơ nhằm giảm tải cho mái ta luy; đồng thời cho lu lèn lại và làm rãnh thu nước ở dưới các cơ, kè rọ đá ở cơ dưới cùng sát nhà dân.
Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, biện pháp trên chỉ xử lý được nước mặt và giảm tải độ nặng của các mái. Trong khi nguyên nhân chính là do nước mạch gây ra, chính vì vậy mà bước vào mùa mưa năm nay cung sạt trượt này vẫn tiếp tục lún, sạt và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hiện tại tất cả những gì đã xử lý trước đó đều đã trở thành một đống hỗn độn. Kè bị đẩy tung, cung trượt lún xuống cả mét, rãnh nước đứt gãy trôi hết… khiến khu vực sạt lở càng trở lên nguy hiểm. Có một câu hỏi ở đây được đặt ra, không hiểu tại sao chủ đầu tư lại tính toán xử lý nước mặt và độ nặng của mái, trong khi vấn đề chính ở đây được xác định là nước ngầm?
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chúng tôi được biết: Do vẫn chưa hết mùa mưa nên dù muốn huyện cũng không thể xử lý ngay được. Hiện, huyện Mường Tè cũng đã xác định nguyên nhân là do nước ngầm, vì vậy phương án khắc phục chỉ có thể là chuyển dân ra mặt bằng khác. Hoặc là phải làm kè lớn chặn nước ngầm từ bên trên đồi sau bản. Tuy nhiên để xử lý được như vậy ít nhất cũng phải mất 20 tỷ đồng. Đây chỉ là quan điểm của huyện Mường Tè, còn việc lựa chọn phương án nào, cách khắc phục ra làm sao thì vẫn phải chờ đoàn liên ngành của tỉnh vào kiểm tra, đánh giá, kết luận và đưa ra quyết định cuối cùng.
Việc quyết định phương án khắc phục vượt quá thẩm quyền nên huyện phải chờ tỉnh là đúng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm xem xét và đưa ra phương án xử lý để người dân yên tâm. Quan trọng hơn nữa là cần phải “bắt đúng bệnh, chữa đúng cách”, tránh tình trạng nguyên nhân một đường khắc phục một nẻo.
Như vậy sẽ hạn chế được thiệt hại về kinh tế cho nhà nước, tránh được những lần khắc phục sau nữa với những số tiền nhiều tỷ như trên. Và quan trọng hơn cả là để người dân thấy được nơi ở mới thật sự hơn hoặc bằng nơi ở cũ, chứ không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như trong hai mùa mưa với hàng trăm ngày trắng đêm lo sạt lở như hiện nay.