Xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ carbon của Việt Nam
Tháng 6/2025, Việt Nam bước vào giai đoạn thí điểm thực hiện thị trường carbon, kéo dài đến 2028. Trong đó, tín chỉ carbon là loại hàng hóa quan trọng của thị trường này.
Tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường tại Việt Nam có 3 loại: Tín chỉ thu được từ các chương trình, dự án theo tiêu chuẩn tín chỉ carbon của Việt Nam; tín chỉ theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc (Điều 6 Thỏa thuận Paris) và tín chỉ theo tiêu chuẩn các cơ chế hợp tác quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Cơ chế Phát triển sạch CDM, Cơ chế tín chỉ chung Việt Nam – Nhật Bản JCM).

Đầu tư điện mặt trời mái nhà để giảm phát thải, tạo tín chỉ carbon. Ảnh minh họa.
Trên thị trường quốc tế, giao dịch tín chỉ CDM chững lại. Còn tín chỉ JCM không có giá trị thương mại mà sẽ được phân chia quyền sở hữu cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản. Lợi thế là Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm triển khai các cơ chế này nên khi thị trường carbon trong nước vận hành, nhiều khả năng sẽ tạo động lực tăng số lượng tín chỉ CDM, JCM.
Trong khi đó, Điều 6 của Thỏa thuận Paris vẫn đang được Liên hợp quốc hoàn thiện các quy định cụ thể về tín chỉ và giao dịch nên trước mắt, Việt Nam đang xúc tiến hợp tác với các quốc gia, trong đó có Singapore để xây dựng dự án hợp tác theo cơ chế này.
Mặt khác, Bộ NN-MT đang phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng tiêu chuẩn tín chỉ carbon riêng của Việt Nam, áp dụng cho các chương trình, dự án tạo tín chỉ tham gia thị trường carbon trong nước.
Hiện Bộ NN-MT đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, trong đó đưa ra toàn bộ quy trình tạo tín chỉ carbon: Từ xây dựng đề xuất để nhà nước công nhận phương pháp tạo tín chỉ carbon, xây dựng dự án đến đăng ký dự án và đề xuất để nhà nước cấp tín chỉ carbon. Dự kiến, các Bộ chuyên ngành sẽ phê duyệt các dự án cũng như cấp tín chỉ carbon trong lĩnh vực mình quản lý.
Trong giai đoạn vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2029 sẽ xem xét bổ sung một loại hình tín chỉ carbon uy tín, ngoài 3 loại tín chỉ theo tiêu chuẩn carbon trên.
Tính đến tháng 3/2025, Việt Nam có 274 dự án được đăng ký theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), 45 dự án theo Tiêu chuẩn carbon đã được xác minh (VCS) và 58 dự án theo Tiêu chuẩn Vàng (GS) và một số dự án theo các tiêu chuẩn khác. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết các thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới để bán các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ các chương trình tiết kiệm năng lượng và REDD+.
Không lạm dụng mua bán tín chỉ để chậm trễ giảm phát thải
Trên thị trường quốc tế, tín chỉ carbon hiện đang có nhiều mức giá. Theo bà Elvira Morella, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC): Không kể đến giá hạn ngạch phát thải carbon, hiện giá cao nhất dành cho tín chỉ theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Còn các cơ chế tín chỉ tự nguyện có mức giá khác nhau, dao động trong khoảng từ 0,25 – 30 USD/tín chỉ. Một số loại tín chỉ hiếm về đa dạng sinh hoc, bảo tồn biển có mức giá cao hơn do chứng minh được có nhiều lợi ích đi kèm ngoài giảm phát thải.
Cần lưu ý, giá tín chỉ cũng dựa trên mức độ rõ ràng, minh bạch của thị trường carbon và quy định phát hành tín chỉ. Về bản chất, việc trao đổi tín chỉ carbon nhằm khuyến khích các doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và thêm doanh thu từ bán tín chỉ. Mặt khác, đáp ứng nhu cầu bù trừ hạn ngạch phát thải của các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn trên thị trường. Việc lạm dụng tín chỉ carbon để bù trừ hạn ngạch khiến mục tiêu giảm phát thải của quốc gia, doanh nghiệp có thể không đạt được hoặc bị chậm trễ.
Chuẩn bị kỹ để có sản phẩm tốt
Chia sẻ về sự phức tạp trong đáp ứng các tiêu chuẩn tín chỉ, bà Nghiêm Phương Thúy, chuyên viên Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ, để có tín chỉ carbon trao đổi theo Thỏa thuận Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) với Ngân hàng thế giới, ngành lâm nghiệp mất 10 năm thực hiện các biện pháp giảm phát thải (2005-2015) và công tác chuẩn bị hồ sơ mất thêm vài năm nữa để đạt được thỏa thuận thực hiện trong giai đoạn 2018-2024, với đơn giá 5/USD/tấn. Cần lưu ý, 95% tín chỉ được tính vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam nên thực tế, đây chưa phải là mua bán tín chỉ mà là tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của quốc tế.

Việt Nam đang nghiên cứu tạo tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo. Ảnh minh họa.
Tương tự là Chương trình GPT vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (LEAF) đang trong quá trình đám phán. Tín chỉ áp dung theo tiêu chuẩn các-bon TREES trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến đơn giá tối thiểu 10 USD/tấn và toàn bộ tín chỉ cũng được tính cho Việt Nam.
Từ phía Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, bà Võ Hoàng Nga, Giám đốc Môi trường và Xã hội (E&S) chia sẻ: Việc đáp ứng các tiêu chuẩn carbon rất mới đối với doanh nghiệp. Khi đăng ký dự án tạo tín chỉ theo Tiêu chuẩn Verra, công ty đã mất khả nhiều thời gian cho đợt phát hành tín chỉ đầu tiên (từ năm 2022 đến tháng 2/2025). Trong đó, xây dựng phương pháp luận tạo tín chỉ có thể xem là yếu tố quyết định sự thành công của dự án.
Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cần phân biệt giá hạn ngạch carbon với giá tín chỉ carbon. Ví dụ tại Liên minh châu Âu không cho phép dùng tín chỉ để bù trừ hạn ngạch phát thải nên giá carbon rất cao (trung bình nhiều năm là 61 USD, đã có thời điểm lên 100 USD – PV). Tại Việt Nam, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp bù trừ 10% hạn ngạch bằng tín chỉ. Nếu giảm phát thải càng nhiều, doanh nghiệp và nhà nước càng có dư địa để trao đổi với các quốc gia khác.
Để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư các dự án tạo tín chỉ carbon, tạo nguồn cung cho thị trường, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 đã đề xuất tỷ lệ bù trừ cao hơn, trong đó khuyến khích tín chỉ từ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Nhằm tạo ra tín chỉ carbon và vận hành thị trường carbon hiệu quả, các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn tín chỉ carbon, giao dịch và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án tạo tín chỉ carbon, thẩm định dự án tạo tín chỉ carbon; học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước và đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ kỹ thuật.
Khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam trong tham gia thị trường carbon tự nguyện ở 4 ngành trọng điểm: sản xuất lúa gạo, sản xuất thực phẩm và đồ uống, chăn nuôi, quản lý chất thải cho thấy: Hầu hết doanh nghiệp mong muốn tham gia thị trường, nhưng một trong những thách thức lớn nhất là thiếu nhân lực có trình độ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật liên quan tới dự án carbon.