| Hotline: 0983.970.780

Sơn La tháo gỡ khó khăn cho hai dự án nikel

Thứ Năm 13/03/2025 , 18:34 (GMT+7)

Sơn La Ngày 13/3, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho hai dự án khai thác, chế biến mỏ nikel.

Đó là Dự án nhà máy chế biến sâu công nghệ cao Phù Yên tại xã Bắc Phong, huyện Phù Yên và Dự án mỏ Nikel bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh chủ trì họp tháo gỡ khó khăn triển khai dự án nhà máy quặng Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Nga.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Quốc Khánh chủ trì họp tháo gỡ khó khăn triển khai dự án nhà máy quặng Phù Yên. Ảnh: Nguyễn Nga.

Đề nghị thay đổi địa điểm xây dựng nhà máy

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, Dự án nhà máy chế biến sâu công nghệ cao Phù Yên tại xã Bắc Phong do Công ty Blackstone Minerals Limited (Úc) đề xuất. Dự án có quy mô trên 128 ha, công suất thiết kế 400.000 tấn tinh quặng nikel/năm, vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng.

Ngày 15/11/2024, Công ty Blackstone Minerals Limited đã có văn bản đề nghị xin hoãn thực hiện dự án. Theo nhà đầu tư, khu vực dự kiến thực hiện dự án là khu vực có nguy cơ tồn tại các đứt gãy, trượt lở lớn chạy qua chính giữa vị trí xây dựng nhà máy và khu bãi thải, gây nguy cơ mất an toàn công trình. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu tại Sơn La mới đảm bảo một phần tương đương 23,32% khối lượng tinh quặng theo đăng ký quy mô dự án, nếu khai thác với công suất như đã đăng ký, mới đáp ứng nhu cầu hoạt động nhà máy khoảng 7 năm.

Do đó, Công ty đang đề xuất thay đổi địa điểm, dự kiến xây dựng Nhà máy chế biến sâu tinh quặng Nikel tại bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên; điều chỉnh giảm quy mô, diện tích sử dụng đất của nhà máy từ trên 128 ha xuống còn 30 ha; công suất từ 400.000 tấn xuống còn 100.000 tấn quặng nikel/năm.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quốc Khánh đã giao Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh trên cơ sở kết quả, tình hình thực hiện khảo sát đề xuất dự án, các khó khăn vướng mắc, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty Blackstone Minerals Limited để rà soát, bổ sung các thông tin dự án, làm cơ sở để các sở, ngành, đơn vị của tỉnh nghiên cứu, hướng dẫn chi tiết các thủ tục theo quy định, đảm bảo dự án có thể sớm triển khai thực hiện.

Tỉnh ủy giao tổ công tác theo Quyết định số 1737/QĐ-UBND ngày 24/8/2022 của UBND tỉnh tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án tại địa bàn. Rà soát, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng ủy UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nội dung liên quan đến quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy chế biến sâu quặng nikel của Công ty Blackstone Minerals Limited.

Đề nghị hoàn trả phí thăm dò

Đối với dự án khai thác khoáng sản tại huyện Bắc Yên, mỏ Nikel Bản Phúc được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 1211/GP-BTNMT ngày 22/7/2013, gia hạn tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 129 ngày 24/6/2022 về khai thác quặng sulfure đặc xít bằng phương pháp hầm lò với diện tích 7 ha, trữ lượng khai thác còn lại khoảng 1,5 triệu tấn quặng, công suất khai thác 360.000 tấn quặng/năm, thời gian gia hạn khai thác đến hết năm 2025.

Theo nội dung báo cáo, chế độ hoàn vốn tìm kiếm thăm dò tài nguyên khoáng sản khi đưa mỏ vào khai thác, phần chi phí thăm dò địa chất tại mỏ Nikel bản Phúc và các vùng xung quanh phải được hoàn trả theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, nội dung này chưa thực hiện được, do chưa làm rõ được số tiền của Công ty Cơ khí và xây lắp các công trình công nghiệp Sơn La góp vốn vào Xí nghiệp Liên doanh mỏ Nikel bản Phúc.

Khu mỏ Nikel bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên. Ảnh: Công ty Blackstone Minerals.

Khu mỏ Nikel bản Phúc, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên. Ảnh: Công ty Blackstone Minerals.

Về dự án khai thác khoáng sản tại Bắc Yên, Bí thư Hoàng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục khảo sát, thăm dò, gia hạn sử dụng đất, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, đảm bảo theo đúng quy định.

Xem thêm
Đề xuất dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa ĐBSCL để đào hồ trữ nước

Kiên Giang Nếu dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ, có thể tích trữ được 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước, giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.