Chiều 4/5, tại cuộc họp báo công bố dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, nhiều nội dung quan trọng đã được lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội chia sẻ, trong đó đáng chú ý là việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và cơ chế chỉ định lãnh đạo địa phương sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến đề xuất rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và nhiệm kỳ HĐND các cấp 2021 – 2026, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, cho biết: “Đây là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tổ chức bộ máy và sắp xếp nhân sự”.

Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Khương Trung.
Theo bà Thủy, Đại hội Đảng toàn quốc thường tổ chức vào tháng 1, trong khi bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lại diễn ra vào tháng 5. Khoảng cách thời gian gần 4 tháng giữa hai mốc kiện toàn nhân sự cấp cao được đánh giá là khá dài. Để rút ngắn khoảng cách này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng thuận về chủ trương rút ngắn 3 tháng nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Cùng với đó, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND cũng sẽ được nghiên cứu sửa đổi theo hướng tinh gọn, đơn giản hóa các thủ tục và rút ngắn thời gian triển khai. “Việc này vừa đảm bảo tính khẩn trương trong tổ chức bầu cử, vừa giữ nguyên yêu cầu về dân chủ, minh bạch và hiệu quả”, bà Thủy nhấn mạnh.
Chỉ định cán bộ lãnh đạo để đảm bảo bộ máy không bị gián đoạn
Đáng chú ý, liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính, đặc biệt là nhập tỉnh và xã, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về việc thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan HĐND và UBND sau sắp xếp, thay vì bầu tại HĐND như quy trình hiện hành.
“Đây là cơ chế chưa từng áp dụng trước đây, nhưng được xác định là cần thiết trong bối cảnh sáp nhập đặc biệt lần này. Không chỉ dừng ở cấp xã như các lần trước, đợt này chúng ta thực hiện nhập tỉnh và không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện”, bà Thủy lý giải.
Do các cơ quan chính quyền địa phương ở cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động ngay khi sáp nhập, việc chỉ định lãnh đạo cán bộ tạm thời được xem là phương án khả thi nhất để đảm bảo bộ máy không bị gián đoạn. Cơ chế này chỉ áp dụng trong năm 2025, trong khuôn khổ của đợt sắp xếp hiện tại. Sau đó, việc bầu cử các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND sẽ quay trở lại theo quy trình thông thường, bà Thủy khẳng định.
Cơ sở pháp lý cho chủ trương này được củng cố trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Theo bà Thủy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tờ trình gửi Quốc hội, đề xuất sửa đổi khoảng 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp hiện hành, chủ yếu liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp sẽ được công bố để lấy ý kiến toàn dân từ ngày 6/5 trong vòng một tháng, qua cả hình thức truyền thống lẫn trực tuyến, nhằm tiếp thu ý kiến rộng rãi, đầy đủ và kịp thời nhất. Sau khi tổng hợp ý kiến, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết vào cuối tháng 6, tạo tiền đề pháp lý cho việc ban hành các đạo luật liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính.
Liên quan đến đề án nhập tỉnh, bà Thủy thông tin, đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã xây dựng xong đề án sáp nhập tỉnh và cấp xã. Các đề án này đang trong quá trình thẩm định tại Bộ Nội vụ, trước khi Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
“Hiện chưa có đề án cụ thể nào được trình đến Quốc hội, nhưng trong tháng 5 này, Chính phủ sẽ hoàn tất hồ sơ, các cơ quan của Quốc hội sẽ tiến hành thẩm tra. Giai đoạn 2 của kỳ họp sẽ dành để thảo luận về các đề án sáp nhập tỉnh”, bà Thủy cho biết.
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết sáp nhập tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết tương ứng về sáp nhập cấp xã, làm căn cứ pháp lý để các địa phương tổ chức thực hiện, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự theo đúng lộ trình.