Mập mờ giữa mua nhà và góp vốn?
Theo ông Phạm Văn Dũng, tháng 11/2010 ông có thỏa thuận đặt cọc 751 triệu đồng mua căn hộ số A902 tại dự án CT10-11 Văn Phú (tên gọi khác là Hanoi Time Towers) với lời hứa hẹn, quảng bá dự án sẽ hoàn thành vào quý IV/2013.
![]() |
Dự án chậm tiến độ 5 năm |
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tức quá thời hạn theo cam kết của chủ đầu tư gần 5 năm, ông Dũng và các hộ dân vẫn chưa thấy rõ hình hài ngôi nhà của mình, nay lại tiếp tục được ban lãnh đạo mới của PVCR yêu cầu ký hợp đồng chính thức và đóng thêm tiền với lời hứa sẽ bàn giao nhà vào quý IV/2024?
Trước những dấu hiệu mập mờ và những điều khoản bất lợi, nước đôi trong hợp đồng với chủ đầu tư là PVCR, ông Dũng và một số hộ dân đã không đồng ý ký vào hợp đồng mua bán chính thức.
Đến lúc này, đọc lại các thỏa thuận, ký kết giữa mình và PVCR trước đây, ông Phạm Văn Dũng mới tá hỏa phát hiện ra thỏa thuận ban đầu ông ký với PVCR là hợp đồng góp vốn vào dự án để ăn chia lợi nhuận, chứ không phải đặt cọc để mua căn hộ. Phải mãi sau này, lãnh đạo mới của PVCR mới có giấy xác nhận số tiền 751 triệu đồng ông Dũng đặt cọc trước kia là tiền để mua căn hộ số A902 tại tòa CT10.
Ông Dũng bức xúc, ông năm nay đã 65 tuổi, sức khỏe đã yếu, giờ lại phải đóng thêm một khoản tiền rất lớn nữa vào dự án có tai tiếng về ban lãnh đạo cũng như chậm tiến độ đến 5 năm như CT10-11 Văn Phú, không biết ông có còn sống được đến ngày để mà nhận nhà của PVCR nữa hay không?
Quá nhiều tai tiếng
Để làm rõ những tố cáo của ông Phạm Văn Dũng và một số hộ dân dự án Hanoi Time Towers, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại được cho là của ông Đỗ Duy Điền, TGĐ của Cty CP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam được ông nói ngắn gọn, là PV liên hệ với công ty theo trụ sở đăng ký trên mạng để làm việc.
![]() |
Dự án chậm tiến độ 5 năm được một đơn vị thuê làm nơi sản xuất nhôm kính, cơ khí |
Ngoài dự án CT10-11 Văn Phú, theo giới thiệu trên website, PVCR còn có các dự án khác như: Dự án TTTM, văn phòng và khách sạn cao cấp Hạ Long; Dự án Khu đô thị sinh thái thương mại dịch vụ Đảo Việt Hạ Long; Dự án Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng số 1283 đường Giải Phóng; Dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, TTTM và căn hộ chung cư số 9 Trần Thánh Tông; Dự án chung cư cao tầng CT 15 Việt Hưng và Dự án Khu du lịch Quốc tế Tản Viên. |
Tuy nhiên, mất nhiều ngày trời chúng tôi đi tìm trụ sở của PVCR nhưng lực bất tòng tâm, bởi đến những địa chỉ mà PVCR đã từng đăng ký tại Văn Phú (Hà Đông), Nguyễn Huy Tự (Hai Bà Trưng), Trung Kính (Cầu Giấy), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân)…, người dân sống xung quanh cho biết công ty đã chuyển trụ sở đi nơi khác rồi.
Thậm chí, khi vào hẳn website pvr.vn của PVCR chúng tôi cũng thấy mục địa chỉ để trống, thay vào đó PVCR chỉ ghi một địa chỉ văn phòng giao dịch chung chung là Lô HH, Khu đô thị Trung Văn, đường Tố Hữu, P. Trung Văn, Q. Nam Từ Liêm. Tuy nhiên, giống như nhiều ngày trước, chúng tôi cũng vã mồ hôi hột đi tìm địa chỉ này song không thể tìm thấy.
Tiếp tục liên hệ lại với số điện thoại được cho là của ông Đỗ Duy Điền, TGĐ PVCR đề nghị cung cấp cho địa chỉ chính xác để chúng tôi đến trực tiếp đặt lịch làm việc, song ông Điền từ chối và lặp lại "đề nghị phóng viên cứ gửi câu hỏi theo địa chỉ trên mạng tự khắc sẽ đến được công ty".
Bất lực trước việc gặp được lãnh đạo PVCR cũng như không thể tìm được địa chỉ làm việc có dấu hiệu địa chỉ “ma” của PVCR, chúng tôi đến tận nơi vị trí lô đất CT10-11 Văn Phú tại Hà Đông, một cảnh tượng nhếch nhác hoang tàn hiện ra trước mắt với 2 block nhà xây thô xong tầng 5, nhiều hạng mục đã xuống cấp hoen rỉ.
Nhận thấy sau lớp tôn cũ có lối vào và công nhân đang làm việc bên trong, chúng tôi vui mừng tưởng DN vẫn đang xây dựng, nhưng khi hỏi những người đang làm việc tại đó, chúng tôi mới biết đây là một DN nhôm kính, cơ khí thuê lại mặt bằng tầng 1 của dự án làm nơi sản xuất, mọi hoạt động xây dựng 2 tòa tháp CT10-11 đã dừng từ rất lâu rồi.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Sàn UpCOM với mã PVR), PVCR được thành lập năm 2006 với tên ban đầu là Cty CP Dầu khí Tản Viên, vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất chính là TCty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Tập đoàn Đại Dương, 2 doanh nghiệp liên quan tới Trịnh Xuân Thanh và Hà Văn Thắm. Với giá 2.500 đồng/CP, PVR bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ 2/6/2017 do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2016 của công ty. |