Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, việc tìm kiếm các nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế nhằm giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của nhiều doanh nghiệp. Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã phối hợp cùng Tập đoàn The Green Solutions (TGS) đã tổ chức Hội thảo “Chuyển dịch xanh - Chuỗi cung ứng nguyên liệu NH3 xanh”, với sự tham dự của Ban lãnh đạo Phú Mỹ, Ban lãnh đạo TGS, cùng các đơn vị liên quan.

Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng Hydrogen xanh - một loại nhiên liệu sạch không phát thải carbon - làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất Amoniac xanh. Ảnh: Phú Mỹ.
Hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng Hydrogen xanh (GH2) - một loại nhiên liệu sạch không phát thải carbon làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất Amoniac xanh (GNH3). Đây được xem là bước đi chiến lược, tạo nền tảng cho ngành phân bón và hóa chất của Việt Nam nói chung và Phú Mỹ nói riêng, chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, thích ứng với xu hướng giảm phát thải toàn cầu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Với đặc thù là đơn vị sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên, việc Phú Mỹ chuyển đổi sang sử dụng GH2 và GNH3 là tất yếu nhằm đảm bảo duy trì sản xuất ổn định trong bối cảnh nguồn cung khí truyền thống ngày càng hạn chế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Phú Mỹ tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn bằng cách cung cấp các sản phẩm “xanh”, thân thiện với môi trường như Ure xanh - sản phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong tương lai gần.

Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh và bền vững không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành một xu thế tất yếu. Ảnh: Phú Mỹ.
Việc chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh và bền vững không còn là sự lựa chọn, mà đã trở thành một xu thế tất yếu. Trong bối cảnh đó, GH2 và GNH3 không chỉ đóng vai trò là nguồn nhiên liệu sạch, mà còn là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất phân bón - một yếu tố then chốt kết nối giữa ngành hóa chất truyền thống và tương lai của ngành năng lượng sạch.
Ông Vũ An - Phó Tổng Giám đốc Phú Mỹ - cho biết, Phú Mỹ cũng đang tích cực nghiên cứu và từng bước đưa các nguyên liệu này vào chuỗi sản xuất của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và vận hành theo hướng xanh.

Chuyên gia dự báo nhu cầu sử dụng Amoniac xanh trong tương lai. Ảnh: Phú Mỹ.
Tại hội thảo, TGS - đơn vị tiên phong triển khai các dự án sản xuất GH2 tại Việt Nam, đã trình bày chi tiết về tiềm năng phát triển GNH3 của đơn vị mình tại một số địa phương. TGS nhận định rằng, Việt Nam đang có lợi thế rõ rệt về điều kiện tự nhiên như nắng, gió, nước... để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gắn liền với sản xuất hóa chất xanh.
Các chuyên gia tại hội thảo cũng phân tích sâu về chuỗi giá trị GNH3, khẳng định nếu được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất phân bón, không chỉ góp phần trung hòa carbon mà còn tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn so với việc sử dụng Hydrogen trong các lĩnh vực khác như giao thông hay điện lực. Bên cạnh đó, GNH3 dưới dạng lỏng có thể dễ dàng vận chuyển và xuất khẩu, mở ra cơ hội thương mại hóa quốc tế cho các sản phẩm phân bón xanh của Phú Mỹ.
Hội thảo kết thúc bằng các thảo luận cởi mở giữa lãnh đạo hai bên, khẳng định quyết tâm hợp tác chiến lược, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng nguyên liệu sạch từ nguồn điện tái tạo, nước, không khí đến sản phẩm đầu ra là phân bón và hóa chất xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.